TÓM TẮT:

Nghiên cứu này kiểm định vai trò điều tiết của tầm ảnh hưởng của bộ phận kế toán quản trị (KTQT) trong doanh nghiệp đến mối quan hệ giữa mức độ tham gia của KTQT quyết định chiến lược và mức độ sử dụng thông tin KTQT, đồng thời kiểm định tác động của việc sử dụng thông tin KTQT đến kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD) ở các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả kiểm định bằng PLS với mẫu khảo sát từ các nhà quản trị ở 171 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cho thấy: (1) Sự tham gia của KTQT vào quá trình ra quyết định chiến lược làm gia tăng mức độ sử dụng thông tin KTQT, (2) Tầm ảnh hưởng của bộ phận KTQT trong doanh nghiệp có vai trò quan hệ điều tiết dương cho mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT vào quyết định chiến lược và mức độ sử dụng thông tin KTQT để từ đó nâng cao KQHĐKD. Nghiên cứu này đưa ra một số hàm ý lý luận và thực tiễn.

Từ khóa: Quyết định chiến lược, thông tin kế toán quản trị, doanh nghiệp.

1. Giới thiệu

Nhận thấy rằng, nghiên cứu về sự thay đổi của hệ thống thông tin KTQT và vai trò của nhân viên KTQT được quan tâm rất nhiều cả về định hướng học thuật và nghề nghiệp trong những năm gần đây. Agbejule và Burrowes (2007) đã đề cập rằng vai trò của KTQT đã thay đổi, họ không chỉ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin còn tham gia vào thiết kế các quy trình kinh doanh và ra các quyết định chiến lược. Cadez và Guilding (2008) cho thấy khi các kế toán viên tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược sẽ khiến họ có nhiều cơ hội hiểu rõ hơn về thông tin KTQT, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mia và cộng sự (1994) đã xác nhận vai trò của thông tin KTQT trong việc nâng cao KQHĐKD và chỉ ra rằng mức độ sử dụng thông tin KTQT là rất lớn ở các quyết định chiến lược liên quan đến các mảng tiếp thị. Pomberg (2012) nghiên cứu về mối quan hệ giữa thông tin KTQT và tính hữu ích của thông tin KTQT ở các bệnh viện Việt Nam và cho thấy để thích ứng được với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh và luật pháp, các bệnh viện đã cải thiện hệ thống kế toán và xây dựng kế hoạch phát triển thông tin KTQT để ra các quyết định lựa chọn phương pháp điều trị, quyết định mở các chuyên khoa, cơ sở hạ tầng, tuyển dụng và sa thải nhân sự. Đoàn và cộng sự (2011) khảo sát về các kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vấn đề sử dụng những kỹ thuật KTQT ở các nước phương Tây, cho thấy xu hướng sử dụng KTQT ngày càng tăng, tuy nhiên, mức độ sử dụng KTQT vẫn còn khá hạn chế. Điều đó là vì ở Việt Nam: (1) phòng kế toán thường thực hiện chức năng kế toán tài chính và doanh nghiệp không đủ nguồn lực cần thiết để phát triển thông tin KTQT, (2) kinh nghiệm và kiến thức của nhân viên kế toán về KTQT là chưa đầy đủ và (3) rất nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước chưa đánh giá cao vai trò của KTQT (Đoàn và Nguyễn, 2013).

Mục tiêu của nghiên cứu này là kiểm định tác động của sự tham gia của KTQT vào quyết định chiến lược đến mức độ sử dụng thông tin KTQT nhằm gia tăng KQHĐKD; kiểm định vai trò điều tiết của tầm ảnh hưởng của bộ phận KTQT tới mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược đến mức độ sử dụng thông tin KTQT ở các doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa thông tin KTQT, sự tham gia của KTQT vào quyết định chiến lược, việc áp dụng thông tin KTQT và KQHĐKD ở các doanh nghiệp Việt Nam. Cấu trúc của bài báo như sau: Phần đầu tiên trình bày về bối cảnh nghiên cứu, khe hổng nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu; tiếp theo bài báo trình bày mô hình và giả thuyết nghiên cứu; sau đó, trình bày phương pháp và kết quả nghiên cứu cũng như các hàm ý lý thuyết và quản trị và hạn chế của bài báo làm cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo.

2. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

2.1. Sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định và sử dụng thông tin KTQT

Trước đây đã có một số nghiên cứu hỗ trợ cho mối quan hệ này, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các nhân viên KTQT hiện đại đã làm việc một cách thành công và trở nên liên quan nhiều hơn trong quá trình ra quyết định (Oliver, 1991). Aver và cộng sự (2009) cho rằng kế toán quản trị liên quan chặt chẽ tới quá trình ra quyết định chiến lược ở các doanh nghiệp, mặc dù mức độ tham gia của KTQT là khác nhau ở các lĩnh vực (Gerdin và Jonas, 2005). Tổ chức thiết kế sử dụng thông tin KTQT phù hợp với các yếu tố bất định, trong đó sự tham gia của KTQT vào trong quá trình ra quyết định thuộc về thành phần cơ cấu của tổ chức. Ioana-Diana và Bufan (2003) cho rằng, KTQT có vai trò rà soát những mảng quản lý có vấn đề cần phải điều tra thêm. Từ đó, giả thuyết sau được đưa ra:

H1: Sự tham gia của KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược có tác động dương tới sử dụng thông tin KTQT.

2.2. Tầm ảnh hưởng của bộ phận KTQT

Trước hết, bộ phận KTQT cần được quan tâm vì chính kết quả làm việc của bộ phận này sẽ góp phần tạo nên hiệu quả làm việc cho quá trình ra các quyết định chiến lược của ban lãnh đạo. Nếu bộ phận KTQT làm việc tốt sẽ tạo ra các cơ hội cho các nhân viên KTQT tham gia nhiều hơn vào các quyết định chiến lược. Kết quả là quá trình sử dụng hệ thống thông tin hoạt động tốt đạt mục tiêu chiến lược. Như vậy, để có thể hỗ trợ quyết định chiến lược thì bộ phận KTQT cần phải tham gia vào trong quá trình thu thập thông tin để tăng mức độ chắc chắn, đảm bảo quá trình ra quyết định là chính xác và có hiệu quả. Chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của bộ phận KTQT, nhân viên KTQT nắm rõ hơn công việc, mục tiêu của quá trình công việc. Rõ ràng, ảnh hưởng là tích cực của bộ phận KTQT lên quá trình sử dụng hệ thống thông tin khi các nhân viên KTQT làm việc một cách hiệu quả. Theo Byrne và cộng sự (2007), bộ phận KTQT tạo hành lang để đưa ra những quyết định chiến lược hiệu quả. Như vậy, có sự tương tác giữa bộ phận kế toán như một biến điều tiết đến mối quan hệ giữa việc sử dụng thông tin KTQT và sự tham gia của kế toán vào hoạt động này, do đó:

H2: Tầm ảnh hưởng của KTQT có vai trò điều tiết dương cho mối quan hệ giữa sự tham gia của KTQT trong quyết định chiến lược đến mức độ sử dụng thông tin KTQT.

2.3. Sử dụng thông tin KTQT và KQHĐKD

Theo lý thuyết cơ sở nguồn lực, thông tin KTQT với bốn phương diện phạm vi rộng, kịp thời, tích hợp và thống nhất/ đồng bộ là nguồn lực của doanh nghiệp. KTQT cung cấp thông tin (về sản phẩm, tài chính, thị trường) đến các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp và từ đó người lao động ở các bộ phận có thể xử lý thông tin, học hỏi để chuyển hóa thông tin thành kiến thức từ đó đưa ra quyết định. Ngoài ra, thông tin KTQT được thiết kế để phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của nhiều doanh nghiệp. Theo lý thuyết bất định, không có một thông tin KTQT nào là tốt nhất cho tất cả các doanh nghiệp (Cadez và Guilding, 2008; Chenhall, 2003). Việc thiết kế thông tin KTQT phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố đặc thù của doanh nghiệp, do đó đối thủ cạnh tranh rất khó bắt chước và sử dụng một cách máy móc thông tin KTQT của doanh nghiệp. Qua những lập luận trên cùng với lý thuyết cơ sở nguồn lực và lý thuyết bất định, có thể đề xuất giả thuyết sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

H3: Mức độ sử dụng thông tin KTQT có tác động dương đến KQHĐKD.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu và phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo sát được gửi đến các nhà quản trị cấp cao và cấp trung ở các doanh nghiệp Việt Nam thông qua phần mềm SurveyMonkey. Từ hơn 3.000 email gửi đi, tác giả đã nhận được 751 phản hồi. Sau khi loại 153 phản hồi không hoàn chỉnh, 91 phản hồi có thời gian trả lời dưới 5 phút, 339 phản hồi từ những công ty có quy mô vừa và nhỏ, 7 phản hồi trùng lắp từ cùng công ty, còn lại 171 phản hồi có hiệu lực. Tỉ lệ phản hồi cuối cùng là 5,7% là có thể chấp nhận với khảo sát qua email trong điều kiện ở Việt Nam. Thống kê mô tả của được trình bày trong Bảng 1.

3.2. Thang đo

Thang đo cho các biến trong mô hình được dựa vào các công bố trước đây. Thang đo sự tham gia của KTQT vào quyết định chiến lược được dựa trên Wooldridge và cộng sự (1990). Tầm ảnh hưởng của KTQT sử dụng thang đo của Kohli (1989). Mức độ sử dụng thông tin KTQT là thang đo đa hướng bậc hai bốn thành phần dựa trên Chenhall và Morris (1986). Biến phụ thuộc KQHĐKD được đo lường theo Calantone và cộng sự (2002). Ngoài ra, tác giả dựa vào Luo và cộng sự (2006) và Calantone và cộng sự (2002) để đưa vào biến kiểm soát đối với KQHĐKD bao gồm quy mô, tuổi và cấu trúc sở hữu vốn của công ty.

Bảng 2 cho thấy tất cả hệ số tải của các biến quan sát đều cao hơn 0,5 (Hulland, 1999), do đó các thang đo có đủ độ tin cậy. Phương sai trích bình quân (AVE) của tất cả các biến đều dao động từ 0,71 đến 0,91; giá trị tin cậy tổng hợp (CR) nằm trong khoảng cao từ 0,75 đến 0,96 cho thấy các thang đo trong mô hình có độ tin cậy cao. Giá trị phân biệt của các biến chính cũng được đánh giá dựa vào Fornell và Larcker (1981). Căn bậc hai của AVE của tất cả các biến đều cao hơn tất cả các hệ số tương quan giữa các biến. Hơn nữa, hầu hết các hệ số tương quan giữa các biến đều nhỏ hơn giá trị ngưỡng là 0,70 cho thấy mối tương quan có thể tạm chấp nhận được để có giá trị phân biệt. Tác giả cũng sử dụng hệ số Heterotrait-Montrait (HTMT), một hệ số khắt khe khi đánh giá giá trị phân biệt của thang đo (Henseler và cộng sự, 2015). Hệ số HTMT nằm từ 0,18 đến 0,89 thấp hơn so với mức 1,00 đảm bảo thang đo trong mô hình đạt giá trị phân biệt. Ngoài ra, giá trị VIF ở từng mối quan hệ giữa các biến độc lập trong mô hình nằm từ 1,00 đến 1,96, nhỏ hơn rất nhiều so với ngưỡng là 10, cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả kiểm định giả thuyết trong mô hình

Phần mềm SmartPLS3 được sử dụng để kiểm định các giả thuyết trong mô hình. Để đưa ra bằng chứng cho kiểm định, tác giả đã đánh giá độ lớn và mức độ đáng kể về mặt thống kê của từng đường dẫn trong mô hình cấu trúc (xem Bảng 3). Các chỉ số bao gồm hệ số β, giá trị t, hệ số R2 cho từng biến phụ thuộc. Hệ số R2 điều chỉnh của tất cả các biến phụ thuộc đều cao hơn ngưỡng tối thiểu 0,10 chứng tỏ mô hình nghiên cứu có độ phù hợp cao với dữ liệu thu thập được.

H1 đề xuất rằng sự tham gia của KTQT vào quyết định chiến lược có tác động dương đến mức độ sử dụng thông tin KTQT. Giả thuyết này được ủng hộ bởi vì hệ số β cho đường dẫn từ ACC đến MAS bằng 0,33, đáng kể ở mức ý nghĩa thống kê 1% (t = 3,79). H2 đề xuất rằng tầm ảnh hưởng của bộ phận kế toán (STA) có vai trò điều tiết dương đến mối quan hệ sự tham gia của kế toán trong quá trình ra quyết định (ACC) và mức độ sử dụng thông tin KTQT. Giả thuyết này cũng được ủng hộ vì hệ số β cho đường dẫn từ biến tương tác ACC×STA đến MAS là 0,17, đáng kể ở mức ý nghĩa thống kê 10% (t = 1,83). Ngoài ra, khi tầm ảnh hưởng của KTQT gia tăng, doanh nghiệp sẽ tăng cường sử dụng thông tin KTQT (Hệ số β cho đường dẫn từ STA đến MAS là 0,45, đáng kể ở mức ý nghĩa thống kê 1% (t = 5,48). Cuối cùng, H3 đề xuất mức độ sử dụng thông tin KTQT có tác động dương đến KQHĐKD. Giả thuyết này được ủng hộ khi hệ số β cho đường dẫn từ MAS đến PERF là 0,43, đáng kể ở mức ý nghĩa thống kê 5% (t = 5,37).

4.2. Hàm ý và hạn chế của nghiên cứu

Bài báo này thể hiện một số hàm ý lý thuyết. Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung một góc nhìn về vai trò của thông tin KTQT ở các doanh nghiệp (Agbejule, 2005; Agbejule và Burrowes, 2007; Mia và Winata, 2014), đặc biệt đã được kiểm chứng tại môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Thứ hai, nghiên cứu cũng đã đưa ra được bằng chứng ủng hộ lý thuyết cơ sở nguồn lực và lý thuyết bất định trong bối cảnh vận dụng KTQT ở các doanh nghiệp.

Ngoài hàm ý lý thuyết, nghiên cứu này cũng có một số hàm ý quản lý. Thứ nhất, mỗi doanh nghiệp muốn đạt KQHĐKD cao thì phải thiết kế và đưa vào sử dụng thông tin KTQT theo như đề xuất bởi Chenhall và Morris (1986). Thứ hai, doanh nghiệp nên đánh giá cao vai trò và chú trọng hơn nữa các hoạt động của bộ phận KTQT trong doanh nghiệp.

Bên cạnh một số hàm ý về mặt lý luận và thực tiễn, nghiên cứu này vẫn còn có một số hạn chế. Thứ nhất, mô hình nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu khảo sát tại một thời điểm nên không thể kiểm soát được độ lệch về mặt thời gian khi đo lường các biến. Thứ hai, việc sử dụng các thước đo tài chính mang tính ngắn hạn và sử dụng các số liệu trong quá khứ để đo lường các biến phụ thuộc liên quan đến KQHĐKD cũng là một hạn chế vì nó không thể hiện được đầy đủ ý nghĩa, tính chất của KQHĐKD. Nghiên cứu tiếp theo là cần thiết để khắc phục các hạn chế trên ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Agbejule, A. (2005). The relationship between management accounting systems and perceived environmental uncertainty on managerial performance: A research note. Accounting and Business Research, 35(4), 295 - 305.

2. Agbejule, A., & Burrowes, A. (2007). Perceived environmental uncertainty, supply chain purchasing strategy, and use of MAS information: An empirical study of Finnish firms. Managerial Auditing Journal, 22(9), 913 - 927.

3. Aver, Bostjan, Aaver, B., & Cadez, A. S. (2009). Management accountants' participation in strategic management processes: A cross-industry comparison. Journal for East European Management Studies, 14(3), 310-322.

4. Byrne, Seán, & Pierce, A. B. (2007). Towards a more comprehensive understanding of the roles of management accountants. European Accounting Review, 16(3), 469-498.

5. Cadez, S., & Guilding, C. (2008). An Exploratory Investigation of an Integrated Contingency Model of Strategic Management Accounting. Accounting, Organizations and Society, 33(7–8), 836-863.

6. Cadez, S., & Guilding, C. (2008). An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting. Accounting, Organizations and Society, 33(7), 836-863.

7. Calantone, R. J., Cavusgil, S. T., & Zhao, Y. (2002). Learning orientation, firm innovation capability, and firm performance. Industrial Marketing Management, 31(6), 515-524.

8. Chenhall, R. H. (2003). Management control systems design within its organizational context: Findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations and Society, 28(2), 127-168.

9. Chenhall, R. H., & Morris, D. (1986). The impact of structure, environment, and interdependence on the perceived usefulness of management accounting systems. Accounting Review, 61(1), 16-35.

10. Doan, N. P. A., & Nguyen, D.-T. (2013). Accounting in a Developing Transitional Economy: The Case of Vietnam. Asian Review of Accounting, 21(1), 74-95.

11. Doan, N. P. A., Nguyen, D.-T., & Mia, L. (2011). Western management accounting practices in Vietnamese enterprises: Adoption and perceived benefits. Pacific Accounting Review, 23(2), 142-164.

12. Fornell, C., & Larcker, D. F. (1981). Structural equation models with unobservable variables and measurement error: Algebra and statistics. Journal of Marketing Research, 18(3), 382-388.

13. Gerdin, & Jonas. (2005). The impact of departmental interdependencies and management accounting system use on subunit performance: A second look. European Accounting Review, 14(2), 335-340.

14. Henseler, J., Ringle, C. M., & Sarstedt, M. (2015). A new criterion for assessing discriminant validity in variance-based structural equation modeling. Journal of the Academy of Marketing Science, 43(1), 115-135.

15. Hulland, J. S. (1999). The effects of country-of-brand and brand name on product evaluation and consideration: A cross-country comparison. Journal of International Consumer Marketing, 11(1), 23-40.

16. Ioana-Diana, & Bufan. (2003). The Role of Managerial Accounting in the Management Process. (Vol. 19): Timisoara.

17. Kohli, A. (1989). Determinants of influence in organizational buying: A contingency approach. Journal of Marketing Research, 53(3), 50-65.

18. Luo, X., Slotegraaf, R. J., & Pan, X. (2006). Cross-functional “coopetition”: The simultaneous role of cooperation and competition within firms. Journal of Marketing, 70(2), 67-80.

19. Mia, Lokman, & Chenhall, R. H. (1994). The usefulness of management accounting systems, functional differentiation and managerial effectiveness. Accounting, Organizations and Society, 19(1), 1-13.

20. Mia, L., & Winata, L. (2014). Manufacturing strategy and organisational performance: The role of competition and MAS information. Journal of Accounting & Organizational Change, 10(1), 83-115.

21. Pomberg, M., Pourjalali, H., Daniel, S., & Kimbro, M. B. (2012). Management Accounting Information Systems: A Case of a Developing Country: Vietnam. Asia-Pacific Journal of Accounting & Economics, 19(1), 100-114.

22. Wooldridge, Bill, & Floyd, a. S. W. (1990). The strategy process, middle management involvement, and organizational performance. Strategic Management Journal, 11(3), 231-241.

PERFORMANCE IMPLICATIONS OF MANAGEMENT

ACCOUNTING IN VIETNAMESE FIRMS

● PhD. NGUYEN PHONG NGUYEN

Department of Research Administration - International Relations,

University of Economics Ho Chi Minh city

● MA. TRAN THI TRINH

Nong Lam University, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study examines the moderation effect of management accountants status on the relationship between the management accountants participation in strategic decision making and the use of management accounting information, and the subsequent effect of the use of management accounting information on firm performance in the context of Vietnamese companies. The Partial Least Square (PLS) results from survey data obtained from 171 managers in large-sized firms in Vietnam indicate that: (1) the participation of management accountants in making strategic decisions positively affects the level of use of management accounting information in Vietnamese firms, and (2) management accountants status in the firm positively moderates the effect of management accountants participation in strategic decision making on the use of management accounting information, which subsequently results in a higher firm performance. This study also indicates some managerial and practical implications.

Keywords: Strategic decision making, management accounting information.