Vai trò của Nhà nước đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Học viện Hành chính Quốc gia)

Tóm tắt:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của khu vực DNNVV hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Để nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) cho DNNVV, Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình bằng các hoạt động cụ thể và thiết thực, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Bài viết này phân tích về vai trò của Nhà nước đối với việc nâng cao NLCT của DNNVV trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ khóa: Nhà nước, vai trò, hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh.

1. Nhà nước cần thể hiện vai trò đối với việc nâng cao NLCT của DNNVV trong hội nhập kinh tế quốc tế

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các DNNVV dần phát triển thành lực lượng thống trị cho sự phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (Shuying và Mei, 2014) [1] DNNVV tăng NLCT hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó Nhà nước là một yếu tố quan trọng nhất.

Hệ thống DNNVV hoạt động sản xuất - kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước và phải tuân thủ theo các luật chung trong hội nhập kinh tế. DNNVV Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế vừa có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, cũng như đối mặt với nhiều rủi ro đến từ bên trong và từ bên ngoài. Để tự thân quản trị các rủi ro và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập không phải là việc dễ dàng, DNNVV rất cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước.

Các DNNVV chiếm 97%-98% số lượng doanh nghiệp Việt Nam,  đóng góp cho kinh tế - xã hội: 43,2% GDP và 31% xuất khẩu; đóng góp 29% các khoản thu NSNN;  chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DN. Đồng thời, các DNNVV đã tạo việc làm cho 5,12 triệu lao động (chiếm 45% tổng số việc làm trong khối DN)[2].

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của DNNVV đang bị yếu thế dưới sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế., Những chính sách của Chính phủ ban hành thời gian qua dù đã dành sự ưu đãi cho DNNVV, nhưng chưa hiệu quả ở khâu thực thi, chưa có sự đồng bộ, bài bản và chưa xác định đúng trọng tâm hướng vào NLCT của DNNVV.

NLCT của DN nói chung hay của DNNVV nói riêng liên quan trực tiếp đến sức mạnh của nền kinh tế, do vậy để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần phải nâng cao NLCT cho DNNVV. Nhà nước cần có sự bài bản trong việc thực hiện vai trò của mình để cải thiện những điểm yếu, tránh những rủi ro, biến thách thức thành cơ hội cho DNNVV ở mức độ phù hợp nhất để không vi phạm những cam kết đã ký trong các hiệp định song phương và đa phương, tận dụng được lợi thế cạnh tranh quốc gia, lợi thế của các địa phương.

2. Kinh nghiệm thể hiện vai trò nhà nước đối với DNNVV của một số quốc gia trên thế giới

Một là, một số quốc gia quản lý DNNVV bằng cơ chế, chính sách riêng biệt. Tại Mỹ, Nhật, các DN lớn luôn  mong muốn có sự độc quyền khiến cho các DNNVV dễ tổn thương, vì vậy Nhà nước đã có công cụ, cách thức quản lý riêng biệt đối với DNNVV. Năm 1953, để hạn chế sự độc quyền từ các doanh nghiệp lớn, Mỹ đã ra Đạo luật Kinh doanh nhỏ, cùng với đó thiết lập một cơ quan mới của Chính phủ là Cục Quản lý kinh doanh nhỏ (Small Business Administration- SBA)... Ngoài ra, Mỹ còn hình thành Ủy ban Kinh doanh nhỏ của Nhà Trắng và 2 Ủy ban thường trực của Quốc hội về kinh doanh nhỏ để duy trì hệ thống doanh nghiệp tự do của Mỹ. Còn ở Nhật Bản, năm 1999 đã ban hành Luật Cơ bản về DNNVV.

Hai là, chính phủ các nước thường xuyên cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia (MTKDQG) và NLCT quốc gia qua các thời kỳ để DNNVV giảm thiểu chi phí vô ích, giảm thiểu rủi ro, giảm thiểu sự phân tán nguồn lực, giảm thiểu các bệnh tật, giảm thiểu hậu quả âm tính và phải tận dụng được cơ hội trong hội nhập, nâng cao NLCT. Belanová (2014) cho rằng, môi trường kinh doanh chất lượng tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài, và là điều kiện tiên quyết cơ bản để phát triển kinh doanh và tăng trưởng năng lực cạnh tranh của đất nước trên phạm vi quốc tế.

Phương thức trước hết mà các quốc gia thực hiện là việc cải thiện MTKDQG, từ đó làm nâng cao NLCT của DNNVV. MTKDQG được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các DNNVV. MTKDQG có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm lợi thế cạnh tranh của DNNVV, mỗi chỉ số môi trường kinh doanh tăng hay giảm đều do động thái của quản lý nhà nước của quốc gia đó.

Các chính phủ của nhiều quốc gia duy trì và cải thiện MTKDQG thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DNNVV với các nhóm công việc chủ yếu, như: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho DN…

Ở giai đoạn nền kinh tế dựa vào yếu tố sản xuất các quốc gia tập trung vào cải thiện các tiêu chí thuộc nhóm yêu cầu cơ bản, như: (1) Thể chế; (2) Cơ sở hạ tầng; (3) Ổn định kinh tế vĩ mô; (4) Y tế và giáo dục cơ bản rồi sau đó tiếp tục cải thiên tiêu chí thuộc nhóm cao hơn.

Các chính phủ cải thiện môi trường kinh tế ổn định bằng cách tạo lập nền tài chính quốc gia ổn định, ổn định tiền tệ, lạm phát ở mức kiểm soát được thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung tư bản, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển,… Nếu môi trường kinh tế bất ổn, nhất là suy thoái thì nền tài chính quốc gia sẽ không ổn định, đồng tiền mất giá, tỷ lệ lạm phát cao, sức mua giảm sút. K

hi đó, các DNNVV sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn và sự cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn. Tình hình phát triển kinh tế của một quốc gia có tác động lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và NLCT của DN bởi lẽ sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ kéo theo khả năng thanh toán và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, đây là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của DN.

Ba là, các quốc gia ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV. Thực tế các quốc gia phát triển ã triển khai theo nguyên tắc trên như Nhật Bản và Hàn Quốc hỗ trợ nâng cao NLCT của DN bằng những chính sách của chính phủ: việc hướng đích, bảo hộ, khuyến khích nhập khẩu, và các khoản trợ cấp đã thúc đẩy các ngành xe hơi, thép, đóng tàu và chất bán dẫn của Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành hàng đầu thế giới. Những hỗ trợ dành cho DN nhỏ là:

(1) Hỗ trợ tài chính; (2) Hỗ trợ quản lý và kỹ thuật; (3) Hỗ trợ tìm kiếm các hợp đồng của Chính phủ; (4) Hỗ trợ tìm kiếm những khoản trợ cấp của liên bang cho nghiên cứu và phát triển [6]. Nhật Bản ngay từ năm 1948 đã thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV theo mô hình dân chủ hóa kinh tế, đồng thời thành lập Tổng cục DNNVV. Hỗ trợ phát triển DNNVV về chất lượng để doanh nghiệp đủ mạnh, độc lập kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Những năm 90, Nhật Bản đã thực hiện chuyển đổi, xác lập chính sách DNNVV mô hình chính sách cạnh tranh.

Đối với việc tác động vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành liên quan, chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng số lượng lớn nhà cung cấp có năng lực tại địa phương, có những phương pháp tập hợp các nhà cung cấp sản xuất nhiều sản phẩm để họ lập ra những bộ phận đặc biệt để phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Như ở Mỹ, sự tập trung các công ty trong ngành Điện ảnh và Sản xuất truyền hình ở Hollywood đã dẫn tới sự tăng trưởng của các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ chuyên môn sâu, từ các DN tạo hiệu ứng hình ảnh tới các DN cung cấp dịch vụ bảo hiểm sản xuất. Chất lượng sản phẩm của họ và khoảng cách gần gũi các studio làm nâng cao sức cạnh tranh của Hollywood.

Vai trò của các cơ chế tạo dựng yếu tố sản xuất chuyên sâu trong việc sản sinh ra những DN mới nhập ngành, thường là mới thành lập, như ngành công nghệ sinh học ở Mỹ đã hình thành nhờ việc các nhà khoa học từ các khoa của các trường đại học hàng đầu thành lập DN. Chính sách của chính phủ có thể tác động tới chiến lược, cấu trúc và cạnh tranh của DNNVV thông qua những phương thức như quy định về thị trường vốn, chính sách thuế… Ảnh hưởng của chính phủ lên những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của DNNVV được minh chứng có thể là tích cực.

3. Một số kiến nghị đối với Nhà nước trong quản lý DNNVV

Việt Nam ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để nâng cao NLCT của DNNVV, Nhà nước nên tập trung vào những mảng sau:

Thứ nhất, quản lý DNNVV bằng thể chế, cơ chế, chính sách riêng biệt vào trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV. Chính sách vĩ mô của Nhà nước bấy lâu được xem là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa. Vì vậy, chính sách của Nhà nước đối với năng lực cạnh tranh (NLCT) của DNNVV một tập hợp biện pháp được thể chế hóa mà Nhà nước đưa ra trong đó tạo sự ưu đãi đối với DNNVV, kích thích vào động cơ hoạt động của DNNVV nhằm nâng cao NLCT của DNNVV.

DNNVV thuộc hệ thống DN chung của một quốc gia, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nên vai trò của Nhà nước vẫn là quản lý DNNVV cùng hệ thống DN nói chung của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với đặc điểm khác biệt của DNNVV, sự đóng góp của DNNVV cho nền kinh tế, khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN thì Nhà nước cần có thể chế, cơ chế, chính sách dành riêng cho đối tượng này.

Nếu không được quản lý mang tính chất riêng biệt như vậy thì khó khăn và thách thức DNNVV gặp phải sẽ ngày càng lớn sẽ hạn chế NLCT của DN. DNNVV gặp những khó khăn về tài chính, về khoa học công nghệ, về nguồn nhân lực… cùng với đó là những rủi ro từ lạm phát, từ khủng hoảng kinh tế do mặt trái của kinh tế thị trường mang lại, những gánh nặng từ thuế bởi lẽ mức thuế áp chung cho cả hệ thống DN nên DN lớn chịu mức % thuế cũng như DNNVV, những quy định của Chính phủ và công việc giấy tờ hành chính từ mối quan hệ với hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước mang lại chồng chất cũng dễ làm cho các DNNVV nản lòng.

Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, dù cho tác dụng của cạnh tranh mang lại là rất lớn nó kích thích sự sáng tạo và đổi mới của các DNNVV nhưng vẫn là thách thức đối với DNNVV. Việc đánh giá các yếu tố tác động tới NLCT của DNNVV dựa vào hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô của Nhà nước. Vai trò quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô trong hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng là rất quan trọng đối với NLCT của DNNVV. Việc đánh giá NLCT của DNNVV dựa trên sự tổng hợp của các yếu tố tạo nên NLCT sẽ cho ra kết quả NLCT của DNNVV ở mức yếu, trung bình hoặc mạnh so với các đối thủ cạnh tranh thuộc quốc gia khác.

Thứ hai, Nhà nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV thông qua cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia. Như đã nói ở trên, các nước thường xuyên cải thiện MTKDQG và NLCTQG để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững lâu dài, và là điều kiện tiên quyết cơ bản để phát triển kinh doanh và tăng trưởng năng lực cạnh tranh của đất nước trên phạm vi quốc tế.

Nhà nước nên đặt DNNVV trong bối cảnh không gian kinh tế toàn cầu, từ đó thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trong nước thông qua việc cải thiện các chỉ số EDB về MTKDQG do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, các quốc gia chủ yếu cải cách các thủ tục hành chính mà các DNNVV phải thực hiện với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn. Các chỉ số đó bao gồm: Chỉ số khởi sự kinh doanh, xin giấy phép xây dựng, đăng ký dùng điện, đăng ký tài sản, vay vốn ngân hàng, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại quốc tế…

Ba là, Nhà nước hỗ trợ thông qua cách thức tác động gián tiếp tới các yếu tố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với các cam kết quốc tế. Hỗ trợ DNNVV với những chính sách, biện pháp, chương trình, hoạt động thúc đẩy DNNVV phát triển và nâng cao NLCT của các DNNVV trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việc tìm kiếm và thực hiện các biện pháp tác động để nâng cao NLCT của DNNVV hình thành cơ chế tác động, cơ chế hỗ trợ nâng cao NLCT của DNNVV thực chất đó là những phương thức vận hành được thể hiện thông qua các chính sách của nhà nước để tác động đến từng yếu tố cấu thành nên NLCT của DNNVV theo những nguyên tắc chung, các nguyên tắc đó phải phù hợp với bối cảnh của thời đại và phù hợp với điều kiện của DNNVV. Điều này đặt ra những vấn đề cơ bản giữa chính phủ và DNNVV nói riêng và DN nói chung là trong một phương thức mới chứa đựng những nguyên tắc:

(1) Tạo các chuỗi (từ đầu tư, sản xuất, thương mại, dịch vụ, cung ứng) trong không gian kinh tế toàn cầu; (2) Hài hòa cách thức hoạt động của các tổ chức (xã hội nhỏ của xã hội lớn); (3) Áp dụng thống nhất các chuẩn mực và tiêu chuẩn xuyên biên giới về toàn bộ quá trình; (4) Quy tắc thị trường tối đa và hạn chế đến mức tối thiểu can thiệp trực tiếp của chính phủ đối với hoạt động của DN; (5) Công bố và chứng tỏ toàn cầu với các vi phạm luật pháp trong quan hệ song phương và đa phương.

Bốn là, cung cấp các lộ trình chính sách tác động đến điều kiện về cầu cho DNNVV. Ở những quốc gia giành được lợi thế cạnh tranh trong ngành hoặc phân ngành, trước hết là cung cấp cho các DNNVV nội địa một bức tranh rõ ràng hơn và sớm hơn nhu cầu của khách hàng so với các đối thủ nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ các DNNVV có nhu cầu tiếp cận với thị trường nước ngoài để họ hiểu được nhu cầu của khách hàng.

Chính phủ can thiệp vào cầu thị trường bằng chính sách giá cả và tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, Chính phủ cần tính đến việc phải giải quyết hậu quả mà các nhà hoạch định ra các chính sách này không dự liệu được trước. Chính phủ có thể định hình bối cảnh của từng ngành, ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành liên quan theo vô số những cách khác nhau. Các chính sách và biện pháp kinh tế nhằm khuyến khích hay kìm hãm sự phát triển của từng ngành cụ thể, do đó có ảnh hưởng tới NLCT của DNNVV của ngành đó.

Ví dụ, việc kiểm soát phương tiện truyền thông, quảng cáo hay quy định đối với các ngành dịch vụ hỗ trợ, đánh thuế vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm cho sản phẩm không có NLCT, và như thế cũng không khuyến khích xuất khẩu.

Chính sách thuế mang tính hỗ trợ cho DNNVV thể hiện qua loại thuế trong nước, thuế quan và phi thuế quan. Thuế trong nước có thể kể đến thuế thu nhập DN (TTNDN). TTNDN không chỉ là công cụ quan trọng để khuyến khích đầu tư trong nước, thu hút FDI mà còn có mục tiêu hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực tài chính thông qua giảm bớt nghĩa vụ đóng góp của DNNVV đối với NSNN. Nghĩa vụ thuế của DNNVV được giảm nhẹ do nhiều khoản chi được mở rộng và cho phép đưa vào thu nhập chịu thuế, chính sách TTNDN dành nhiều ưu đãi cho DNNVV mới thành lập trong các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng như DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Thời gian để thực hiện các cam kết quốc tế còn rất ngắn, cơ hội hội nhập cho DNNVV có được tận dụng hay không, NLCT có được hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò của Nhà nước. Ngoài việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán và ổn định Nhà nước cần hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng ý nghĩa cạnh tranh đối với DNNVV bởi sẽ hạn chế được việc áp đảo của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp ngoại đối với họ. Với vai trò là người “cầm lái” điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần xác định việc tác động tới NLCT của DNNVV là một nhiệm vụ ưu tiên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1 Dobeš Kamil, Kot Sebastian, Kramoliš Jan, Sopková Gabriela (2017), Nhận thức về hỗ trợ của chính phủ trong bối cảnh cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Cộng hòa Séc.

2 Phạm Thị Thu Hằng (2015), “Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp để Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo của thế giới”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dobeš Kamil, Kot Sebastian, Kramoliš Jan, Sopková Gabriela (2017), Nhận thức về hỗ trợ của chính phủ trong bối cảnh cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Cộng hòa Séc. Vol. 9, Issue 3, pp.34-50, September2017 pp. 34 - 50, September2017 September 2017 ISSN 1804-171X (Print), ISSN 1804-1728 (On-line), DOI: 10.7441/joc.2017.03.03.
  2. Phạm Thị Thu Hằng (2015), “Mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp để Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo của thế giới”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội năm 2015.
  3. 3. Clifford M.Baumback (1986), “How to Organize and Operate a Small Business”, Prentice- Hall International, INC Press.
  4. 4. Nguyễn Tất Thịnh (2015), “Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế”, Bài giảng cho Học viện Hành chính Quốc gia.
  1. Bùi Hữu Đạo, Tô Hoài Nam, Phạm Thế Hưng (2010), “Bảo vệ doanh nghiệp trong thương mại quốc tế”, NXB Công Thương, năm 2010.
  2. Phan Ánh Hè (2015), “Giáo trình Chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong thương mại quốc tế”, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2015.
  3. Đinh Thị Nga (2009), “Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thực trạng và tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 8, tháng 8 năm 2009, tr 52-59.
  4. 8. Trần Sửu (2006), “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa”, NXB Lao động.
  5. 9. Mankiw N. Gregory (2003), “Principles or economics”, Published by Thomson South-Western.
  6. 10. Porter M (1998), “The competitive Advantage of Nations”, Free Press.

 

The state’s role in improving the competitiveness of SMEs in the context of the international economic integration

Master. Nguyen Thi Tuyet Nhung

National Academy of Public Administration

Abstract:

Small and medium-sized enterprises (SMEs) play an important role in the development of Vietnam’s economy. However, SMEs are facing many difficulties and challenges in a fiercely competitive market. In order to improve the competitiveness of SMEs, the Government of Vietnam needs to show its role via specific and practical activities which are based on experiences of other countries. This article analyzes the role of the state in improving the competitiveness of SMEs in the context of the international economic integration.

Keywords: Government, role, international economic integration, small and medium-sized enterprises, competitiveness.