Vai trò giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ở Việt Nam

ThS. LÊ THỊ VINH (Khoa Nhà nước pháp luật - Trường Chính trị Nghệ An)

TÓM TẮT:

Trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, nhiều mô hình cải cách thủ tục hành chính đã và đang được áp dụng nhằm năng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế “một cửa” là hướng đi thích hợp cho yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của một nền hành chính phục vụ. Bài viết đề cập đến nội dung vai trò giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ở Việt Nam.

Từ khóa: Thủ tục hành chính, cơ chế “một cửa”, giải quyết thủ tục hành chính.

1. Nhận thức chung về cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính

Cơ chế “một cửa” có nghĩa là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có thể có nhiều bộ phận chức năng tham gia vào công việc cụ thể, nhưng cuối cùng chỉ cần một cơ quan có đủ thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu. Ở các nước phát triển, như Mỹ hoặc vương quốc Anh gọi cơ chế này là “one stop shop” hoặc “one stop store” hay “one stop source”. Thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên ở Mỹ vào cuối những năm 1920 đầu những năm 1930 nhằm mô tả một mô hình dịch vụ mà ở đó cho phép các khách hàng giải quyết các công việc một cách thuận lợi tại một nơi thay vì phải đến nhiều nơi để giải quyết1.

Về bản chất, cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính là cách thức tổ chức công việc hợp lý, khoa học nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tập trung việc giải quyết các dịch vụ hành chính công vào một đầu mối thống nhất để tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân khi có yêu cầu giải quyết các công việc tại cơ quan hành chính nhà nước2. Người dân và tổ chức khi có nhu cầu liên hệ với cơ quan nhà nước chỉ cần đến một nơi nhất định để nộp các hồ sơ cần thiết theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng và nhận kết quả giải quyết công việc cũng chính tại địa điểm đó. Để thực hiện cơ chế “một cửa”, các cơ quan hành chính nhà nước phải thiết lập quy trình giải quyết công việc sao cho có thể xử lý hợp lý, nhanh chóng các yêu cầu của công dân.

Ở Việt Nam, cơ chế “một cửa” được triển khai ở một số địa phương sau khi Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ “Về cải cách một bước thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức” được ban hành. Quan điểm này đã được cụ thể hóa bằng mô hình “Một cửa một dấu” hoặc “Một cửa liên thông”. Từ năm 1995, nhiều địa phương đã chủ động thí điểm thực hiện áp dụng cơ chế giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”. TP. Hồ Chí Minh cùng với Hà Nội, Hải Phòng đã là một trong những địa bàn thử nghiệm đầu tiên, đặc biệt riêng với mô hình “một cửa một dấu” và “một cửa liên thông” thì TP. Hồ Chí Minh3 đã là nơi tiến hành thử nghiệm đầu tiên trong cả nước.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được mô hình hóa như sau4:

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu cơ bản là: “Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định không cần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm định, giám định”.

Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương tiếp tục tạo ra một cách thức giải quyết công việc hiệu quả cho công dân, tổ chức, đã thể chế hóa mối quan hệ giữa chính quyền và công dân thông qua việc thực hiện cơ chế “một cửa”. Tại cấp tỉnh, 4 sở bắt buộc thực hiện cơ chế này là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, đồng thời ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cũng phải thực hiện quy chế này. Cơ chế “một cửa” cấp huyện, cấp xã giải quyết những thủ tục hành chính về cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất đai, giấy phép xây dựng, các quyết định đầu tư, đăng ký hộ khẩu và các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội.

Nếu việc thực hiện mô hình “một cửa một dấu” tạo nên đột phá đầu tiên trong cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua thì bước đột phá tiếp theo là thực hiện mô hình “một cửa liên thông” theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Quyết định này được ban hành trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện. Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg đã quy định nhiều nội dung mới có tính hoàn thiện hơn nhằm thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương, giảm phiền hà, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Sau Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg bổ sung quy trình thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông gồm 4 bước cụ thể, làm cơ sở cho quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động này minh bạch, rõ ràng hơn từ cả phía cơ quan hành chính nhà nước và cả phía người dân.

Thực chất, mô hình “một cửa liên thông” là mô hình phát triển của mô hình “một cửa một dấu”, đó là mô hình mà việc giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính nhà nước.

Gần đây nhất, ngày 23/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính với xây dựng chính phủ điện tử.

2. Vai trò của cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính các cấp ở nước ta

Cơ chế “một cửa” được áp dụng đối với cấp quản lý sở - ngành là cơ chế hành chính mới được hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nhằm thay thế cho cơ chế “nhiều cửa” đã tồn tại ở miền Bắc nhiều chục năm trước thời kỳ đổi mới (1986), đối với miền Nam thì từ sau ngày 30/4/1975 cho đến trước Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986). Cơ chế “nhiều cửa” là một trong những phản ánh đặc trưng của toàn bộ hệ thống quản lý nước ta trước đây do đặc điểm thời chiến kéo dài và nhiều nguyên nhân khác nữa nên đã vận hành chủ yếu theo cơ chế cũ là cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trong các mối quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan công quyền với người dân và các tổ chức chính trị - xã hội; giữa các cơ quan công quyền với nhau. Cơ chế cũ đó đã ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, là khe hở nảy sinh nhiều tiêu cực bức xúc xã hội do các tệ nạn quan liêu, cửa quyền, chồng chéo, lãng phí, tham nhũng... Chính vì thế, khi chuyển sang kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới của Đảng khởi nguồn từ Đại hội VI, cần thiết phải thay thế cơ chế cũ đã lạc hậu đó bằng một cơ chế mới, tiên tiến, phù hợp hơn.

Ở phương diện chung, việc áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính đã khắc những tồn tại, yếu kém trên, cụ thể như sau:

Một là, cơ chế này khắc phục các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo. Khi chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, không những mỗi cơ quan hành chính tự đặt ra thủ tục của mình, mà mỗi phòng, ban chuyên môn trong đó cũng tự ý đề ra những quy định thủ tục riêng, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân dân. Tồn tại này được khắc phục khi các cơ quan hành chính thống nhất một bộ thủ tục hành chính chung và quy trình giải quyết được cụ thể, công khai để nhân dân được biết và thực hiện theo.

Hai là, bộ máy hành chính nói chung và bộ máy cung ứng dịch vụ hành chính công nói riêng được tinh giản gọn nhẹ. Các đơn vị quản lý và giải quyết thủ tục hành chính được quy về một đầu mối và được tổ chức tập trung tại các nơi giải quyết thủ tục hành cho công dân và tổ chức.

Ba là, thay đổi thái độ phục vụ của công chức, khắc phục dần tính cửa quyền, sách nhiễm, ban ơn do cơ chế cũ để lại. Chất lượng tiếp nhận, phân tích và xử lý công việc được nâng lên. Cơ chế làm việc mới này tạo điều kiện để đầy lùi tình trạng công chức đòi hối lộ, cửa quyền, những nhiễu, gây phiền hà cho dân. Trách nhiệm giải trình của công chức luôn được chú trọng.

Bốn là, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo mất nhiều thời gian vào các công việc sự vụ hành chính, không có thời gian dành cho những nhiệm vụ và chức năng quản lý khác; giảm dần việc các cán bộ lãnh đạo phải tham gia trực tiếp giải quyết các công việc sự vụ, khiếu kiện.

Năm là, người dân không phải đi lại nhiều lần, qua nhiều khâu. Thời gian cung ứng các dịch vụ hành chính công được quy định rõ ràng, giảm chi phí thời gian và tăng cơ hội hoạt động của các tổ chức và công dân, điều này khắc phục được tình trạng các công chức của các phòng ban chuyên môn tự gia hạn thời gian xử lý hồ sơ cho người dân.

Sáu là, cơ chế “một cửa” khắc phục tình trạng tùy tiện đặt ra và thu các loại phí, qua đó thống nhất mức lệ phí đối với cùng một loại dịch vụ do các cơ quan hành chính ban hành ở các địa phương khác nhau cung cấp.

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, trong tổng số 203 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, số bộ phận có giao dịch mỗi năm từ 5.000 lần trở lên chiếm 62%, từ 10.000 lần trở lên chiếm 41% và từ 20.000 lần trở lên chiếm 15%...5. Tại TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở áp dụng mô hình “một cửa, một dấu”, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo một số sở và quận, huyện triển khai thí điểm các hoạt động cải cách tiếp như khoán biên chế và chi phí hành chính, áp dụng ISO 9000 vào dịch vụ hành chính công. Nhờ những cải cách trên, các ủy ban nhân dân quận, huyện thí điểm cải cách “đã thu gọn số đầu mối chỉ còn 4 - 8 phòng, giảm10% biên chế và 18% chi phí hành chính”6.

Ở phương diện cụ thể, cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính ở cấp tỉnh đã góp phần vào quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt cải cách thủ tục hành chính, nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính. Điều này thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, cơ chế “một cửa” thúc đẩy quá trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức;

Thứ hai, giảm bớt phiền hà ách tắc bằng biện pháp công khai các quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết, lệ phí;

Thứ ba, xây dựng lòng tin giữa chính quyền địa phương với nhân dân;

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân, tổ chức khi có nhu cầu giải quyết công việc hành chính khỏi phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc nhiều nơi, qua nhiều tầng nấc trung gian, tốn nhiều công sức, làm nản chí các nhà đầu tư;

Thứ năm, thông qua việc thực hiện cơ chế “một cửa”, các cơ quan hành chính các cấp không ngừng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

Thứ sáu, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan hành chính các cấp, tránh đùn đẩy công việc cho nhau giữa các cơ quan.

Theo báo cáo của các địa phương, trên 85% cơ quan hành chính cấp tỉnh, 98% cơ quan hành chính cấp huyện và 95% cơ quan hành chính cấp xã đã triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”. Về triển khai mô hình “một cửa liên thông”, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành triển khai liên thông trên các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, cấp phép quảng cáo, cấp phép khai thác khoáng sản, hộ tịch, hộ khẩu, lý lịch tư pháp... giữa cơ quan hành chính cấp xã với cơ quan hành chính cấp huyện và giữa các cơ quan hành chính cùng cấp với nhau. Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, các ngành, các cấp chính quyền đã thực sự vào cuộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Ngành Thuế và Hải quan cũng đã có nhiều nỗ lực, cải thiện nhằm phục vụ tốt hơn cho tổ chức và doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, chúng ta đã triển khai thí điểm thực hiện cơ chế mới có tính cải cách, đột phá là doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế, cải tiến thủ tục trong cấp mã số thuế, nhờ đó rút ngắn thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi. Đồng thời, ngành Thuế cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và thu được nhiều kết quả khả quan qua việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan thuế các cấp. Trong lĩnh vực hiện đại hóa hải quan, quy trình thủ tục hành chính được cải tiến, bỏ nhiều khâu trung gian theo hướng tổ chức dây chuyền thủ tục hải quan hoàn chỉnh, một cửa, do đó đã giảm đáng kể thời gian thông quan. Công tác kiểm tra thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu được chuyển sang áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, kiểm tra có trọng điểm, kiểm tra sau thông quan và đang thí điểm thông quan điện tử tại một số địa phương.

3. Kết luận

Lợi ích của cơ chế “một cửa” thể hiện rõ nét trong thực tế, đối với chính phủ, cơ chế một cửa giúp triển khai các nguồn lực hiệu quả hơn, tăng nguồn thu, cải tiến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, tăng cường an ninh, tăng cường tính minh bạch của thủ tục hành chính; đối với cộng đồng thương mại, thủ tục hành chính đơn giản, thông tin chỉ cần nộp một lần trong cơ chế một cửa góp phần giảm bớt chi phí quản lý cũng như tăng cường khả năng dự báo cho các giao dịch thương mại. Do đó, việc triển khai hiệu quả cơ chế “một cửa” trên diện rộng là tiền đề vững chức để cả nước đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước ở nước ta, hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, vì dân■

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://en.wikipedia.org/wiki/One_stop_shop

2. PGS. TS. Lê Chi Mai, Cải cách dịch vụ hành chính công ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 318

3. Công văn số 2331/CCHC ngày 13/5/1997 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định 972/1997/QĐ-TTg ngày 15/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

4. PGS. TS. Lê Chi Mai, Cải cách dịch vụ hành chính công ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 323.

5. http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Mo-rong-co-che-mot-cua/155967.vgp, ngày 04/12/2012.

6. PGS. TS. Lê Chi Mai, Dịch vụ hành chính công, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 88.

7. Trần Văn Tuấn, Cải cách thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, Tạp chí Cộng sản số 6 (198) năm 2010.

THE ROLE OF ONE-STOP-SHOP MECHANISM FOR ADMINISTRATIVE SERVICES IN VIETNAM

● Master. LE THI VINH

Faculty of State - Law, Nghe An Province Political School

ABSTRACT:

In the process of promoting administrative reform, many reforming administrative procedure models have been applied to improve the quality of administrative services to serve enterprises and individuals better. Establishing and implementing one-stop-shop mechanism for administrative services is considered as an appropriate direction in order to achieve the goal of speediness and transparency in the context of administrative reform. The article present the role of one-stop-shop mechanism in administrative services in Vietnam.

Keywords: Administrative procedures; one-stop-shop mechanism, solving administrative procedures.