TÓM TẮT:

Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đối với chính phủ các quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho một nước nâng cao khả năng cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời cung cấp nguồn lực dồi dào cho việc giải quyết các vấn đề phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân trong một quốc gia. Từ bài viết này, tác giả đề xuất giải pháp chủ yếu và gợi ý chính sách vĩ mô để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ khóa: Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực, giải pháp.

1. Giới thiệu

Tăng trưởng kinh tế đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là giai đoạn nước ta có những khởi đầu tốt đẹp. Sau những cải cách kinh tế mạnh mẽ từ giai đoạn 1886 - 1990 nền kinh tế dần dần được thị trường hóa và có những chuyển biến tích cực. Đó chính là nền tảng vô cùng vững chắc cho những thành công về sau. Từ năm 1990 - 2016, Việt Nam đã tăng trưởng tương đối nhanh, hiện nay đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tốc độ không đi cùng với quy mô. Dù đứng ở top đầu về tốc độ tăng trưởng, nhưng nền kinh tế của Việt Nam có GDP khoảng 245 tỷ USD năm 2018, còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Nước ta đã nhận ra vấn đề này từ rất lâu, nhưng để giải quyết được vấn đề vẫn còn là điều nan giải. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, đã thẳng thắn thừa nhận rằng, mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 mà nước ta đặt ra trước đó không thể trở thành hiện thực. Rõ ràng, muốn cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định cả về tốc độ và quy mô, cần có những giải pháp đúng đắn và mang tính dài hạn. Việc cần thiết lúc này là nhìn nhận lại những chặng đường phát triển kinh tế của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, tìm ra những nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đặc biệt là yếu tố nguồn nhân lực, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây cũng là nội dung chính của bài viết này. Bài viết dựa vào số liệu thống kê về GDP và tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sử dụng các phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá để thực hiện.

2. Cơ sở lý thuyết tăng trưởng kinh tế

2.1. Khái niệm về tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm nội địa (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc quy mô sản phẩm quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Tăng trưởng kinh tế thể hiện sự thay đổi về lượng của nền kinh tế.

Sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hai quá trình: Sự tích lũy nguồn lực như vốn, lao động, tài nguyên, công nghệ và đầu tư những nguồn lực một cách có hiệu quả. Chính sách của chính phủ, thể chế, sự ổn định chính trị và kinh tế, đặc điểm địa lý, trình độ y tế giáo dục… tất cả đều đóng vai trò nhất định ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay tổng sản phẩm trong nước là giá trị bằng tiền của toàn bộ khối lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên lãnh thổ một nước trong một thời kỳ nhất định thường là một năm.

Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra bởi công dân một nước trong một thời kỳ nhất định thường là 1 năm. Tổng sản phẩm quốc gia bằng tổng sản phẩm quốc nội cộng với thu nhập ròng.

 2.2. Mô hình tăng trưởng kinh tế

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại - Mô hình tăng trưởng của Paul A.Samuelson

Gần đây, một trường phái kinh tế mới ra đời ủng hộ xây dựng một nền kinh tế hỗn hợp có sự kết hợp một cách hợp lý giữa “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”. Thực chất đó là một sự kết hợp của học thuyết kinh tế Tân cổ điển và học thuyết kinh tế của trường phái Keynes với những sự phát triển quan trọng. Nội dung chủ yếu của trường phái hiện đại về tăng trưởng kinh tế: Samuelson cho rằng tổng cầu có vai trò quan trọng trong việc quyết định sản lượng nhưng chỉ là sản lượng trong ngắn hạn và tổng cung mới đóng vai trò trung tâm đối với tăng truởng cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Trong ngắn hạn, tác động qua lại giữa tổng cung và tổng cầu sẽ quyết định mức sản lượng, thất nghiệp. Trong dài hạn, từ một thập kỷ trở lên, tổng cung là nhân tố chính đứng đằng sau tăng trưởng kinh tế.

Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế bao gồm: Nguồn lao động, nguồn tài nguyên, nguồn vốn và công nghệ.

Sản lượng của nền kinh tế được xác định bằng hàm sản lượng:

Y = f ( L,K,R,T)

Trong đó: L: Lao động, K: Vốn, R: Tài nguyên, T: Công nghệ

Các trường phái kinh tế khác nhau sẽ có các mô hình tăng trưởng kinh tế khác nhau. Trong các mô hình tăng trưởng kinh tế, các yếu tố đầu vào đóng vai trò rất quan trọng để gia tăng sản lượng, các trường phái kinh tế khác nhau đều có nhấn mạnh yếu tố này hay yếu tố khác nhưng nhìn chung có một số yếu tố quan trọng như: vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ.

2.3. Nguồn nhân lực (N Gregory Mankiw, 2014)

Là yếu tố thứ hai quyết định tăng trưởng kinh tế. Vốn nhân lực ở đây chính là kiến thức và các kỹ năng mà người công nhân có được thông qua giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm. Vốn nhân lực bao gồm kỹ năng được tích lũy trong trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học, đại học và các chương trình huấn luyện nghề nghiệp của lực lượng lao động. Việc tăng cường giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm cho người công nhân cho phép họ sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn từ cùng một lượng vốn vật chất.

Giáo dục đào tạo và kinh nghiệm có tính hữu hình ít hơn là vốn vật chất nhưng vốn nhân lực giống vốn vật chất ở nhiều mặt. Vốn nhân lực nâng cao khả năng của quốc gia trong việc sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ. Cũng như vốn vật chất, vốn nhân lực là yếu tố được sản xuất ra từ quá trình sản xuất. Sản xuất vốn nhân lực đòi hỏi các nguồn lực đầu vào dưới dạng giáo viên, thư viện và thời gian của sinh viên.

3. Tình hình và nhân tố nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam (1986 - 2018) (Hình 1)

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các năm

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các năm

3.1. Tình hình tăng trưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam (1986 - 2018)

3.1.1. Giai đoạn 1986 - 2000

Từ năm 1986 - 1990, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chúng ta tiến hành một số cải cách về kinh tế như triển khai 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Các hình thức chia cắt thị trường đã được xóa bỏ dần, kế hoạch kinh tế của nhà nước được thực hiện trên cơ sở hạch toán. Đặc biệt các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể được thừa nhận và bắt đầu được tạo điều kiện hoạt động. Nền kinh tế dần dần được thị trường hóa và có chuyển biến tốt. 

Giai đoạn từ năm 1990 - 2000, mặc dù bước đầu còn khó khăn nhưng nhờ triển khai mạnh mẽ đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đất nước ta từng bước đi lên, đẩy mạnh theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã xác định rõ mục tiêu trọng tâm là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đồng thời đề ra phương hướng “thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước” và “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhờ những định hướng ban đầu đó mà nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định. GDP tăng trưởng liên tục từ năm 1990 đến năm 2000 với mức tăng trưởng bình quân 7,35%, trong vòng 10 năm quy mô GDP tăng từ 6,5 tỷ USD lên 33,64 tỷ USD (gấp 5,18 lần). Giai đoạn 1993 - 1997 là thời kỳ kinh tế Việt Nam tạo được kỳ tích là kiềm chế thành công lạm phát, đồng thời lại tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Lạm phát từ 3 con số giảm xuống còn 12,7% trong năm 1995 và 4,5% năm 1996. Một điều may mắn là vào năm 1997, hệ thống tài chính của Việt Nam chưa kết nối nhiều với hệ thống tài chính thế giới, do đó không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính từ Thái Lan lan sang các nước Đông Á. Trong 2 năm 1998 – 1999, kinh tế Việt Nam tuy tăng trưởng chậm lại nhưng sau đó đã tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng nhanh trong những năm đầu 2000. (Hình 2).

Hình 2: GDP Việt Nam từ 1990 - 2000   

GDP Việt Nam từ 1990 - 2000

3.1.2. Giai đoạn 2000 - 2006 

Đây là giai đoạn Việt Nam tích cực hội nhập với các tổ chức kinh tế thế giới, những cố gắng liên tục của chúng ta được thế giới thừa nhận. Năm 2001, Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua hiệp định thương mại Việt - Mỹ, với động thái này Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, phương thức quản lý hiện đại, thông tin thị trường và công nghệ tiên tiến. Trong 5 năm 2001 - 2005, từ chỗ chỉ có 2 thành phần kinh tế là nhà nước và tập thể với 2 hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã kiểu cũ, nền kinh tế nước ta đã bao gồm nhiều thành phần kinh tế khác nhau: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với nhiều loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh rất đa dạng, phong phú cả về quy mô, trình độ lẫn quan hệ sản xuất. Chính vì những nguyên nhân này đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, luôn duy trì mức tăng trưởng từ 7 - 8% mỗi năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những quyết định đổi mới tích cực về kinh tế, chúng ta còn có một số mặt còn tại như chậm bãi bỏ các rào cản kinh tế và sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến hàng hóa nội địa không có khả năng cạnh tranh. Hậu quả là chậm hội nhập nền công nghiệp trong nước với nền công nghiệp thế giới. (Hình 3).

Hình 3: GDP Việt Nam từ 2000 - 2006

GDP Việt Nam từ 2000 - 2006

3.1.3. Giai đoạn 2006 - 2018

Trong năm 2006, nhiều tập đoàn lớn được thành lập mới: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Cao su… Tuy nhiên, trong số 40 tập đoàn, có 2 tập đoàn do sai lầm trong quản lý nên lâm vào tình trạng khủng hoảng gây hậu quả rất lớn, 5 tập đoàn nhà nước đầu ngành bị lỗ, 5 tập đoàn có nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ tính đến cuối năm 2012. Năm 2007, tăng trưởng kinh tế 8,5% cao nhất kể từ năm 1997, nhưng sau đó bị chững lại đột ngột chỉ đạt 5 - 6% so với giai đoạn trước là 7 - 8%. Nguyên nhân là do khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái trầm trọng, các thị trường xuất khẩu, vốn, lao động bị thu hẹp đáng kể và đã tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Bước vào năm 2009, nền kinh tế của nước ta gặp muôn vàn khó khăn: thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư. Đứng trước tình hình không thuận lợi đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã ra nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009: Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tháng 5/2009, Chính phủ tung ra gói kích thích kinh tế 143 ngàn tỷ VND (tương đương 8 tỷ USD), sau đó tăng lên 160 ngàn tỷ VND (tương đương 9 tỷ USD), gói kích cầu này có ảnh hưởng tốt nhất định làm tăng GDP. Tuy nhiên nó cũng để lại nhiều hệ lụy sau này như: “bong bóng” chứng khoán và bất động sản, lạm phát tăng cao (trên 20% năm 2011), thâm hụt ngân sách nặng dẫn tới nợ nhà nước tăng cao, gây ra bất ổn tỷ giá và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời, tập trung và quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự nỗ lực và chủ động khắc phục khó khăn, sự sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của toàn dân nên nước ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng được phục hồi.

Đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này trước hết phải nói là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) tăng dần từ giai đoạn 2006 - 2010 đạt 17,2% thì đến giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,58%, đến giai đoạn 2016 - 2018 đạt 43,29%. Kế đến là sự chuyển dịch cơ cấu của các thành phần kinh tế, xu hướng chung là giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 29,34% năm 2010 xuống còn 28,69% năm 2015, khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 6,9% năm 2010 lên 18,07% năm 2015 và 42,1% vào năm 2018. Ngoài ra còn phải kể đến độ mở của nền kinh tế, nước ta không ngừng mở rộng các quan hệ kinh tế song phương, tiểu vùng, vùng, liên vùng và tiến tới tham gia liên kết kinh tế toàn cầu. Tính đến nay,  Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương trong đó có 6 FTA trong khuôn khổ ASEAN. Tháng 11/2017, Việt Nam đã cùng các nước đạt thỏa thuận cơ bản cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và chính thức ký kết vào tháng 3/2018. Cho đến cuối năm 2018, chúng ta có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút trên 300 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI). Số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước ta lên 69. (Hình 4).

Hình 4: GDP Việt Nam từ 2006 - 2018

GDP Việt Nam từ 2006 - 2018

3.2. Nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội và nó cũng quyết định đến quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm nhanh chóng hòa nhập nền kinh tế nước ta với khu vực và quốc tế, vì suy cho cùng, chính con người mới là yếu tố cơ bản nhất và quan trọng của toàn bộ lực lượng sản xuất. Tuy nhiên trong một thời gian dài vừa qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức và cũng chưa có các bước đi thích hợp. Đặc biệt là tại khu vực sản xuất - kinh doanh, nơi trực tiếp tạo ra sản phẩm và các hoạt động dịch vụ cho toàn xã hội lại càng chưa được quan tâm một cách thích đáng, chưa xem đấy là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhất là trong bối cảnh thế giới ngày nay đang có sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, nhờ đó mà trình độ kỹ thuật, quy trình công nghệ ngày càng được đổi mới một cách hết sức mau lẹ, thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế để tương thích với sự thay đổi nhanh chóng của máy móc thiết bị được đặt ra như một nhu cầu bức xúc. Nhìn chung, thực trạng nguồn nhân lực của chúng ta cho đến nay có những vấn đề sau:

Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực: Tốc độ gia tăng dân số nhanh tạo nên áp lực cho xã hội trong việc phân bổ và đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Mặc dù có những lợi thế về dân số và nguồn lực lao động, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực nước ta còn nhiều bất cập và yếu kém. Về tổng thể, thị trường lao động của Việt Nam có đặc điểm cung lớn hơn cầu. Tỷ lệ lao động qua học nghề, nhất là đào tạo nghề chính quy còn thấp, dẫn đến chất lượng lao động không cao, nguồn nhân lực dư thừa, phân bố mất cân đối, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay khá nghiêm trọng. Lực lượng lao động tuy đông, đơn giá thấp song chất lượng chưa cao, năng suất lao động hạn chế nên không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp trong tổng số lực lượng lao động xã hội (khoảng 23%). Phần lớn lao động có tay nghề chuyên môn làm ở các cơ quan trung ương, và tập trung ở thành thị. Ở nông thôn, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 10%. Trong các doanh nghiệp, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 32% (con số này ở Nhật Bản là 64,4%; Thái Lan 58,2%; Hàn Quốc là 48%). Cơ cấu lao động qua đào tạo giữa đại học, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật rất bất hợp lý 1 - 1,5 - 2,5 (trong khi các nước trong khu vực là 1 - 4 - 10). Lao động tuy tiếp thu nhanh, khéo tay và có tính sáng tạo, song tính kỷ luật yếu, tác phong và văn hóa công nghiệp thấp, năng suất lao động còn thấp.

Điều đáng lo ngại là kỹ năng nghề nghiệp của lao động lại chưa đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động. Cơ cấu lao động phân theo trình độ kỹ thuật hiện nay có những điểm bất cập, mất cân đối so với yêu cầu của sự nghiệp phát triển. Ngay cả trong số lao động ở các khu công nghiệp, số qua đào tạo nghề mới chỉ chiếm 30%, nếu tính cả số lao động có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp thì tỷ lệ này mới khoảng 35 - 40%, còn lại là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, người lao động dù đã qua đào tạo nghề nhưng khả năng làm việc độc lập, xử lý tình huống còn hạn chế, chưa thích ứng được với những thay đổi về công nghệ.

Thứ hai, sự bất cân xứng về số lượng và chất lượng lao động giữa nông thôn và thành thị:

Ở nước ta, mặc dù đã trải qua hàng chục năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại lao động nhưng đến nay ở khu vực nông thôn lao động vẫn còn35 triệu lao động và mỗi năm lại tăng thêm 1,6% tương ứng với trên 1 triệu lao động đến tuổi nhưng chưa có việc làm, chưa kể đến lực lượng lao động nông nhàn ở nông thôn. Lao động nông thôn chiếm 70% lực lượng lao động toàn xã hội nhưng chỉ tạo ra chưa đến 23% giá trị GDP quốc gia.

Sự mất cân đối nông thôn - đô thị về nguồn nhân lực được thể hiện ở chỗ: Số lao động có trình độ kỹ thuật ít ỏi tập trung chủ yếu ở khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, còn trong khu vực sản xuất trực tiếp chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (93% cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc ở các cơ quan Trung ương, 6% ở cấp tỉnh, và cấp huyện chỉ chiếm 0,3%).

Lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên chất lượng lao động thấp và có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa số lượng và tay nghề của lao động giữa nông thôn và thành thị, không những không tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế mà còn có thể kéo nền kinh tế đi xuống. Chúng ta cần kịp thời đưa ra được những cải cách thích hợp về phát triển về nguồn nhân lực, nếu không sức lao động dồi dào, nhân công rẻ, cần cù chỉ là lợi thế cấp thấp, sớm bị xói mòn.

4. Giải pháp nguồn nhân lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Trong thời đại bùng nổ thông tin và kinh tế tri thức, việc đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là tại các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Đó cũng chính là một trong những biện pháp quan trọng làm gia tăng nhanh chóng hàm lượng chất xám trong giá thành sản phẩm, từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường. Chính vì thế, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp cần gắn liền với công tác nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện pháp quản lý và xem đó như là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong tổng thể chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, cần xem đây là khâu đột phá quan trọng để gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại thị trường nội địa, cũng như trên thị trường thế giới trong bối cạnh cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay. Đứng ở góc độ vĩ mô, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo theo chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới để đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Thứ hai, cần khuyến khích và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác giữa các trường đại học, các cơ quan, các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phục vụ cho yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường, tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước kết hợp với tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng cao.

Thứ tư, cần có những chính sách chăm sóc sức khỏe tăng cường chất dinh dưỡng cho người lao động, vì nguồn nhân lực có sức khỏe tốt và tăng trưởng kinh tế là 2 vấn đề có mối quan hệ nhân quả. Một trong những biện pháp nâng cao sức khỏe cho người lao động chính là mức lương tối thiểu phải bảo đảm duy trì đầy đủ chất dinh dưỡng cho người lao động. Ngoài ra, hệ thống y tế cần phải phát triển về số lượng và chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

5. Kết luận

Chúng ta đã tìm hiểu về tăng trưởng kinh tế, bản chất của tăng trưởng kinh tế là gia tăng tổng sản phẩm của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định. Chúng ta cũng đã tìm hiểu quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua 3 thập niên từ năm 1986 - 2018, một chặng đường dài với nhiều gian nan. Thành công có, thất bại cũng có nhưng nhìn chung đó là một giai đoạn nền kinh tế có những chuyển biến tích cực.

Nền kinh tế luôn hoạt động và không ngừng biến đổi, việc xác định được các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế có vai trò rất quan trọng. Nền kinh tế có phát triển tốt hay không là phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, trình độ khoa học - công nghệ. Việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và nhân tố vốn nhân lực nói riêng có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong việc định hướng các chính sách cho nền kinh tế. Dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt và chính xác của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các ngành sự năng động hiệu quả của các doanh nghiệp là những yếu tố cấu thành giúp cho các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thành công tốt đẹp trong tương lai.

Song, việc nghiên cứu tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay, vai trò và giải pháp về vốn nhân lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn cho từng vấn đề cụ thể. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn từng giải pháp cụ thể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. David Begg - Stanley Fischer – Rudiger Dornbusch (1992), “Economics”, Nhà xuất bản Giáo dục.
  2. N. Gregory Mankiw (2014), “Kinh tế học vĩ mô”, Cengage Learning.
  3. Trần Thọ Đạt (2005). “Các mô hình tăng trưởng kinh tế”. NXB Thống kê.
  4. Nguyễn Như Ý, Trần Thị Bích Dung (2017). “Kinh tế vĩ mô” NXB Thống kê.
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016).
  6. Tổng cục Thống kê (2018).
  7. Tradingeconomic.com; World bank (2018).
  8. VCCI (2015).
  9. Việt Nam report (2014).
  10. Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thị Phong Lan (2013), Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay, truy cập ngày 1/11/2017 từ http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2013/21694/Nhung-thanh-tuu-co-ban-ve-phat-trien-kinh-te-xa.aspx
  11. Không đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 (http://soha.vn/khong-dat-duoc-muc-tieu-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-hien-dai-vao-nam-2020- 20160412220115189.htm)

THE ROLE OF HUMAN RESOUERCES IN THE ECONOMIC GROWTH OF VIETNAM AND SOLUTIONS

Master. TRAN BA THO

University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Economic growth is always a matter of concern to governments around the world. A high economic growth creates favorable conditions for a country to improve its competitiveness, transform its economic structure and provide abundant resources for handling public welfare issues such as education, health and poverty reduction, and improve living standards of residents.This article is to propose major solutions and macro policies to mobilize and optimize the use of resources in order to promote the economic growth effectively and conduct the national industrialization and modernization process successfully.

Keywords: Vietnam economy, economic growth, human resources, solution.