Vấn đề án tồn đọng trong thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

TRẦN TRUNG (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Đà Nẵng là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhưng cũng chính vì vậy mà tình hình vi phạm pháp luật cũng phức tạp, tình hình thi hành án trong năm vừa qua có một số lượng không nhỏ án tồn đọng.

Từ khóa: Án tồn đọng, thi hành án, thi hành án dân sự, TP. Đà Nẵng, pháp luật, tòa án.

1. Cơ sở lí thuyết về tồn đọng trong thi hành án dân sự

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, được Nhà nước bảo đảm thực hiện, kể cả bằng biện pháp cưỡng chế, để điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì xã hội trong một trật tự có lợi cho giai cấp thống trị. Pháp luật thi hành án dân sự là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thi hành án là hoạt động tư pháp do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định để đưa bản án, quyết định của Tòa án hoặc các quyết định khác theo qui định của pháp luật, được thực hiện trên thực tế, nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Hoạt động thi hành án gồm có thi hành án dân sự và thi hành án hình sự. Trong đó, thi hành án dân sự là thực hiện các bản án, quyết định dân sự của Tòa án hoặc các quyết định khác do pháp luật quy định. Đó là các bản án, quyết định dân sự: “a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật này; d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam” (Khoản 1 Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015).

Trong tổ chức bộ máy nhà nước ta, thi hành án dân sự là một trong những lĩnh vực hoạt động tư pháp được chú trọng và là một nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Ngày 28/8/1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên ở nước ta được ban hành đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường và hoàn thiện tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự. Với đường lối đổi mới, cải cách bộ máy Nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng, Hiến pháp năm 2013 và một số luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã đặt ra những nguyên tắc mang tính nền tảng cho quá trình cải cách tư pháp, trong đó có cải cách về thi hành án dân sự.

Xác định thế nào là việc thi hành án dân sự tồn đọng và phân loại có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan Thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án và các cơ quan hữu quan trong giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng, việc chia thi hành án dân sự tồn đọng được xác định trên các căn cứ sau:

- Căn cứ vào điều kiện thi hành án dân sự: Vviệc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành và việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành.

- Căn cứ vào nghiệp vụ thi hành án dân sự: Số thi hành án dân sự dở dang, số chưa thi hành được, số hoãn thi hành án dân sự, số tạm đình chỉ thi hành án dân sự, số lý do khác.

Trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đề cập về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, trong đó có việc đổi mới và nâng cao hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự. Xác định vai trò công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay là góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư cả về vật chất và trình tự, thủ tục giải quyết án trong đó có các giải pháp giải quyết án tồn đọng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đối với các cơ quan Tư pháp nói chung và cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng.

2. Vấn đề tồn đọng thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây đi qua các nước Myanma, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Đà Nẵng phát triển năng động, nhưng cũng chính vì vậy mà tình hình vi phạm pháp luật cũng phức tạp, tình hình thi hành án trong năm vừa qua còn một số lượng không nhỏ án tồn đọng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2017, cụ thể:

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, tổng số việc thụ lý trong 6 tháng đầu năm 2017 là 11.460 việc (Biểu số: 06/TK-THA, Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng/ năm 2017, Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng). Trong đó, số việc năm trước chuyển sang là 4.818 việc, số việc thụ lý mới 6.642 việc. Rõ ràng, số việc năm trước chuyển sang năm 2017 không hề nhỏ, chiếm hơn 1/3 tổng số việc thụ lí. Trong số 4.818 việc chuyển sang năm 2017, loại việc chiếm số lượng lớn nhất là việc dân sự, tiếp đến là việc dân sự trong hình sự, việc kinh doanh thương mại, việc hôn nhân và gia đình, việc lao động, việc phá sản.

Cũng theo báo cáo, số việc có điều kiện giải quyết là 8.288 việc (Biểu số: 06/TK-THA, Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng/năm 2017, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng). Trong đó, thi hành xong là 4.732 việc, đình chỉ thi hành án là 164 việc, đang thi hành án là 3.304 việc, hoãn thi hành án là 54 việc, tạm đình chỉ thi hành án là 18 việc và các trường hợp khác là 16 việc. Số việc bị hoãn chủ yếu do người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án và số việc hoãn do “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định” - Theo Điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự (2014).

Đối với số việc đình chỉ thi hành án, chủ yếu là do người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án; quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế, đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án; người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác.

Trong số việc năm trước chuyển qua năm sau, một số lượng lớn thuộc trường hợp chưa có điều kiện để thi hành (2.904 việc - Biểu số: 06/TK-THA, Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng/ năm 2017, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng). Điều này là do người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được, phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác. Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.

Tổng số tiền thi hành án 6 tháng đầu năm 2017 là 2.591.683.488 đồng (Biểu số: 07/TK-THA, Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng/ năm 2017, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng). Trong đó, số tiền thụ lí trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.140.267.201 đồng, số tiền năm trước chuyển sang là 1.451.416.287 đồng. Trong đó, số tiền chiếm số lượng lớn là số tiền dân sự trong hình sự, số tiền kinh doanh và thương mại, tiền dân sự, việc hôn nhân và gia đình, việc lao động.

Số tiền 2.042.142.854 đồng (Biểu số: 07/TK-THA, Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng/ năm 2017, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng) là số tiền có điều kiện thi hành theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng. Trong số này, cơ quan Thi hành án đã giải quyết xong 278.327.846 đồng. Số tiền bị hoãn chiếm số lượng lớn (14.229.245 đồng) thuộc trường hợp đương sự đồng ý hoãn thi hành án. Số tiền còn lại thuộc các trường hợp người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, tài sản để thi hành án đã được tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định, tài sản được kê biên nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm, việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định.

Thực tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy, với những vụ việc cơ quan thi hành án dân sự xác định có điều kiện thi hành, khi cơ quan thi hành án dân sự thụ lý và tổ chức thi hành các bên đương sự đã thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán là trả tiền theo tháng nên vụ việc giải quyết bị kéo dài. Số án cấp dưỡng nuôi con phải thi hành nhiều năm cho đến khi người được nhận nuôi dưỡng đến tuổi vị thành niên, trong khi đó việc thi hành lại theo định kỳ tháng, quý, do vậy loại án này chỉ giải quyết xong theo định kỳ mà không thể xong hoàn toàn vụ việc được... Thêm nữa, nhiều việc tranh chấp, nhất là liên quan đến đất đai, nhà ở không thể thi hành được với nhiều nguyên nhân.

Đối với những vụ án xác định chưa có điều kiện thi hành, việc dân sự trong án hình sự chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết các đối tượng thi hành án phải qua thời gian chấp hành hình phạt tù, nhiều đối tượng trẻ, mắc vào tệ nạn xã hội, không có tài sản, nguồn thu nhập, không có việc làm ổn định, lang thang, trộm cắp, nhiều đối tượng nhiễm HIV, gia đình các đối tượng không có trách nhiệm nên việc thi hành án dân sự là không thể. Bên cạnh đó, vướng mắc mà các chấp hành viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ vấp phải là việc xử lý tài sản là bất động sản để bán đấu giá; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định thời hạn yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực thi hành, không quy định thời hạn kết thúc thi hành án, do vậy những vụ việc này không thi hành được thuộc diện tồn đọng và đành phải chuyển giao qua nhiều năm. Loại án khó thi hành án chủ yếu liên quan đến ma túy và các vụ án tranh chấp dân sự (vay nợ) không có khả năng thanh toán.

3. Nguyên nhân của tình trạng tồn đọng trong thi hành án dân sự

Số lượng lớn án tồn đọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là những nguyên nhân sau:

- Về cơ chế thi hành án, việc tách biệt giữa thi hành án hình sự và thi hành án dân sự đã dẫn đến tình trạng cùng một bản án nhưng có nhiều cơ quan khác nhau thi hành: hình phạt tù do cơ quan Công an đảm nhiệm, nhưng việc thi hành phần dân sự trong vụ án phạt tù do Bộ Tư pháp đảm nhiệm; còn việc thi hành các hình phạt như quản chế, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng cho hưởng án treo lại giao cho chính quyền cơ sở hoặc cơ quan tổ chức nơi người bị kết án làm việc thực hiện; đối với việc thi hành khoản khấu trừ thu nhập của người bị phạt cải tạo không giam giữ do ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức được giao giám sát người bị cải tạo không giam giữ thu, sau đó bàn giao cho cơ quan thi hành án để nộp vào ngân sách nhà nước. Giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Công an chưa có sự phối hợp trong việc tổ chức thi hành phần dân sự trong vụ án hình sự, chưa gắn việc thi hành nghĩa vụ dân sự với việc chấp hành hình phạt tù. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có qui định coi kết quả thi hành án dân sự là một điều kiện để xét miễn, giảm hình phạt tù, nên chưa tạo điều kiện khuyến khích người phải thi hành án tự giác thi hành phần án phí, phạt tiền, bồi thường, bồi hoàn trong bản án hình sự.

- Một số bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật đã được cơ quan thi hành án thi hành xong, nhưng sau đó có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, xử hủy bỏ và bản án giám đốc thẩm lại không đề cập tới việc giải quyết hậu quả do việc thi hành bản án, quyết định đã bị hủy bỏ, gây thiệt hại cho quyền lợi của các bên cũng như những người có quyền, lợi ích liên quan và gây khó khăn cho việc thi hành bản án mới, dẫn tới việc đương sự khiếu nại kéo dài. Một số bản án, quyết định của tòa án có nội dung không rõ, không phù hợp với thực tế, có sai sót... khi cơ quan thi hành án có văn bản đề nghị tòa án giải thích hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì thường không được trả lời kịp thời hoặc không có hồi âm.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng trong thời gian qua là do nhiều trường hợp người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện, cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình. Trong khi đó, theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt hành chính đối với hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với những trường hợp phải thi hành án khoản tiền lớn.

- Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng thi hành án còn kém hiệu quả là do hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà. Để không tái diễn tình trạng cơ quan công quyền "vô cảm", gây mất lòng tin của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có cơ chế để luật sư tham gia vào quá trình thi hành án. Hiện lực lượng luật sư nước ta rất đông, nhưng không được chủ động tham gia đầy đủ, liên tục vào giai đoạn thi hành án. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự chưa tạo được hành lang pháp lý để luật sư tham gia từ bước này. Việc có chấp thuận luật sư tham gia theo dạng ủy quyền của đương sự hay không tùy sự linh hoạt của mỗi cơ quan thi hành án. Trong khi đó, sự tham gia của luật sư là một trong những giải pháp bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan và giảm khiếu nại, tố cáo.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự

Với những yêu cầu của tình hình trong nước và thế giới, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp giữa sự phát huy nội lực và nhân tố bên ngoài, trong đó nâng cao hiệu quả thi hành án nói chung, nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự nói riêng, là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay.

- Về vấn đề xử lý vi phạm trong thi hành án dân sự

Hệ thống hóa đầy đủ các quy định pháp luật về xử lí vi phạm pháp luật và pháp điển hóa chúng thành một đạo luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Điều này có thể được triển khai thực hiện bằng hai cách:

Một là, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự.

Việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự là khá cần thiết. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thì việc cụ thể hóa các nội dung pháp luật liên quan đến nhau trong một lĩnh vực bằng một đạo luật chung là phù hợp. Điều đó cũng có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn thực thi pháp luật, là cơ sở để quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật được thuận lợi và hiệu quả hơn, giúp cho việc tiếp cận, tìm hiểu cũng như quá trình pháp điển hóa pháp luật được dễ dàng và thuận lợi hơn. Đồng thời, nó sẽ giúp cho quá trình phát hiện những điểm không phù hợp trong nội dung pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời, nhanh chóng và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Pháp luật về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau với cấp độ giá trị pháp lý khác nhau, chưa được điều chỉnh trong một đạo luật chung. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận và áp dụng trong thực tế. Chính điều này dẫn đến nguy cơ thiếu toàn diện, hoàn chỉnh và không đầy đủ về nội dung pháp luật. Do đó có thể xem xét việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn bộ nội dung pháp luật về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự một cách tập trung, thống nhất. Trong đó, quy định đầy đủ và cụ thể về các loại vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, đối tượng chịu trách nhiệm pháp lý, thời hiệu, các hình thức và biện pháp xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự, trình tự, thủ tục và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự.

Hai là, quy định toàn bộ nội dung xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự thành một chương riêng trong Luật Thi hành án dân sự.

Theo cách thức này, trong Luật Thi hành án dân sự bên cạnh những quy định về tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, còn có những quy định về xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Ưu điểm nổi bật của cách thức này là sẽ xây dựng được một đạo luật chung về toàn bộ các vấn đề trong lĩnh vực thi hành án dân sự, từ tổ chức, hoạt động đến quá trình xử lí vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự. Theo đó, quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật cũng rất thuận lợi, dễ dàng, đồng thời, việc tiếp cận, tìm hiểu của người dân cũng đơn giản hơn. Chúng ta sẽ có được cách nhìn tổng thể và toàn diện về toàn bộ quá trình thi hành án dân sự. Điều này cũng rất phù hợp với định hướng xây dựng pháp luật hiện nay ở nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung.

- Về vấn đề xử lí vi phạm pháp luật hành chính trong thi hành án dân sự

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự được thực hiện theo các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời, cần thiết ban hành một văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị định của Chính phủ quy định về vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Cần quy định rõ hành vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm hành chính trong thi hành án dân sự là loại trách nhiệm pháp luật do các cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Về đối tượng chịu trách nhiệm hành chính trong thi hành án dân sự, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm hành chính trong thi hành án dân sự. Do đó, cần có quy định cụ thể về đối tượng chịu trách nhiệm hành chính, đó là cá nhân có năng lực trách nhiệm hành chính và đạt độ tuổi nhất định, cơ quan hoặc tổ chức có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

- Vấn đề xử lý vi phạm kỷ luật trong thi hành án dân sự

Pháp luật thi hành án dân sự cần bổ sung quy định về vi phạm kỷ luật và trách nhiệm kỷ luật trong thi hành án dân sự, theo đó, vi phạm kỷ luật trong thi hành án dân sự được xác định rõ là những hành vi trái với những quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Vấn đề xử lý kỷ luật đối với công chức và lao động hợp đồng trong cơ quan thi hành án dân sự cần được quy định riêng trong Luật Thi hành án dân sự hoặc một văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư của Bộ Tư pháp.

Theo đó, các hành vi vi phạm kỷ luật trong thi hành án dân sự cần được quy định theo hướng phản ánh rõ nét đặc trưng của ngành thi hành án chứ không phải là những hành vi được mô tả chung như pháp luật hiện hành. Pháp luật thi hành án dân sự cần có những quy định riêng về các hành vi vi phạm kỷ luật của công chức và lao động hợp đồng trong cơ quan thi hành án dân sự như: Hành vi không thực hiện các quyết định về thi hành án; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc chấp hành viên thi hành án trái pháp luật; phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản bị kê biên; thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật...

Về hình thức và biện pháp xử lý kỷ luật trong thi hành án dân sự, trên cơ sở các hình thức và biện pháp xử lý kỷ luật chung đối với công chức như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc và đối với lao động hợp đồng, như: cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, pháp luật thi hành án dân sự cần quy định cụ thể hình thức xử lý đối với mỗi hành vi vi phạm kỷ luật cụ thể trong thi hành án dân sự, đặc biệt là những hành vi mang tính đặc thù, như: Không ra quyết định thi hành án, ra quyết định thi hành án trái pháp luật...

- Sự tham gia của luật sư

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến chất lượng thi hành án còn kém hiệu quả là do hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà, để không tái diễn tình trạng cơ quan công quyền "vô cảm", gây mất lòng tin của doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có cơ chế để luật sư tham gia vào quá trình thi hành án. Hiện lực lượng luật sư nước ta rất đông, nhưng không được chủ động tham gia đầy đủ, liên tục vào giai đoạn thi hành án. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự chưa tạo được hành lang pháp lý để luật sư tham gia từ bước này. Việc có chấp thuận luật sư tham gia theo dạng ủy quyền của đương sự hay không tùy vào sự linh hoạt của mỗi cơ quan thi hành án. Trong khi đó, sự tham gia của luật sư là một trong những giải pháp bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp liên quan và giảm khiếu nại, tố cáo.

Luật Thi hành án dân sự chưa giải quyết được những bất cập hiện nay, đáng chú ý là trình tự, thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài. Lượng án tồn đọng tuy có giảm qua từng năm nhưng vẫn còn tồn nhiều việc cần thi hành án mà chưa quy định rõ sự phối hợp, kết hợp giữa quản lý nhà nước theo ngành và theo địa bàn.

- Tăng cường hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự

Việc tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự. Qua đó, hoạt động này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về thi hành án nói chung.

Việc tăng cường kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên và toàn diện trên tất cả các mặt cũng như toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát phải đảm bảo được thực hiện một cách khách quan, trung thực, nghiêm túc, đồng thời phải bảo đảm được sự chặt chẽ, sâu sát trong toàn bộ quá trình thực hiện. Mục tiêu quan trọng là làm cho việc tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự được triển khai, thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, qua đó, kịp thời phát hiện những lỗ hổng, những hạn chế, bất cập hay những biểu hiện tiêu cực, vi phạm để có biện pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục, đảm bảo cho công tác này được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo khách quan, công khai và dân chủ trong thực tiễn.

Để nâng cao hiệu quả khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sử dụng đồng bộ các biện pháp, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan; Phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc khắc phục án tồn đọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Thi hành án dân sự (2008).

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (2014).

3. Bộ luật Dân sự (2015).

4. Nghị định số 110/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

5. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng năm 2017, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

THE MATTER OF REMAINING CASES IN CIVIL

CASE EXECUTION IN DANANG CITY

● TRAN TRUNG

Faculty of Law, Da Nang University of Economics

ABSTRACT:

Civil case execution has an important role in litigation in general and case resolution in particular. This is the final stage of litigation, ensuring that the case and courts decision are strictly observed, contributing to the effectiveness of the law, protecting legal right and benefit of organizations, individuals and the State; whereby maintaining political – social stability, enhancing the effectiveness and efficiency of the State apparatus. Da Nang is one of the provinces with socio-economic development, however there are a rising number of law violation and remaining unexecuted cases.

Keywords: Remaining cases, Case execution, Civil case execution, Danang, Law, Court.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây