Vấn đề định tội đối với tội giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành (Phần 1)

NCS. ThS. ĐOÀN TRỌNG CHỈNH và ThS. LÊ THỊ MINH THƯ (Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - Hutech)
Tóm tắt:
Sự khác nhau cơ bản giữa Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích là ý thức chủ quan của người phạm tội, được chứng minh bởi các yếu tố như các dấu hiệu thuộc mặt khách quan như hành vi tấn công, vị trí tấn công trên cơ thể người bị hại, nguyên nhân và thời gian chết của nạn nhân, vũ khí, hung khí tấn công, mức độ và cường độ tấn công; hậu quả, mức độ nghiêm trọng của thương tích và các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Tranh chấp trong việc định tội giữa 2 tội danh này thường xảy ra trong 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, Tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Trường hợp thứ hai, Tội giết người với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả chết người. Trong bài viết này, tác giả phân tích trường hợp thứ nhất, Tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Từ khóa: Cố ý gây thương tích, định tội, tội giết người, phạm tội chưa đạt.

1. Đặt vấn đề
Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, “là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện”1. Các quy định của pháp luật cũng như lý luận về tội danh này tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi áp dụng quy định của pháp luật về tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn khi định tội. Một trong những khó khăn đó là xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu của Tội giết người hay Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Dù đã có nhiều hướng dẫn giải quyết hai tội phạm này như Nghị quyết số 01/NQ ngày 19/4/1989, Nghị quyết số 04/NQ ngày 29/11/1996 của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) và Công văn số 03/CV ngày 22/10/1987, số 140/CV ngày 11/12/1998 của Tòa án nhân dân tối cao nhưng vẫn chưa đáp ứng hết những yêu cầu cụ thể riêng biệt để áp dụng thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là giai đoạn hiện nay. Khi cùng một hành vi phạm tội nhưng định tội danh khác nhau bởi mặt khách quan của Tội giết người và Tội cố ý gây thương tích khá giống nhau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người phạm tội cũng như chính cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Phân biệt Tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
2.1. Mặt khách quan
Giữa giết người chưa đạt khi phương pháp giết người là gây thương tích như bắn, chém, đánh, bóp cổ,… với cố ý gây thương tích có mặt khách quan rất giống nhau: cũng đều có những hành vi gây thương tích cho người khác và không có hậu quả chết người. Tuy nhiên, mặt chủ quan và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì rất khác nhau: một bên người phạm tội mong muốn cho hành vi của mình gây hậu quả làm chết người nhưng hậu quả đó không xảy ra ngoài ý muốn của họ; một bên người phạm tội chỉ muốn gây thương tích, không nghĩ đến và cũng không hề muốn có hậu quả chết người.
2.2. Mặt chủ quan
Muốn nhận định mặt chủ quan của người phạm tội buộc phải đánh giá, đối chiếu, phân tích các tình tiết khách quan một cách toàn diện và biện chứng để làm căn cứ định tội trong từng trường hợp cụ thể, khó có thể nêu lên thành những nguyên tắc chung. Tuy nhiên, qua thực tiễn có thể rút được một số căn cứ sau:
Thứ nhất, căn cứ vào các dấu hiệu khách quan để phân biệt. Hành vi khách quan của hai tội này về cơ bản là giống nhau, đều có hành vi tấn công vào con người cụ thể. Hành vi có thể được thực hiện với công cụ, phương tiện phạm tội hoặc không có công cụ phương tiện phạm tội, hoặc có thể thông qua một sức mạnh khác,… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người phạm tội có sự lựa chọn mức độ tấn công, hung khí sử dụng, vị trí tấn công nhằm vào trên cơ thể nạn nhân để đạt được mục đích phạm tội của mình là giết người hay chỉ nhằm gây thương tích. Nếu hành vi tấn công mang tính quyết liệt, sử dụng hung khí nguy hiểm để tấn công vào những vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân với quyết tâm phạm tội đến cùng nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra là do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội thì trong trường hợp này định tội giết người là thỏa đáng. Trong trường hợp hành vi phạm tội không thỏa mãn những yếu tố nêu trên thì cần cân nhắc, kết hợp với việc làm rõ ý thức chủ quan của người phạm tội để định tội cho đúng. Trong khi cân nhắc, đối chiếu một cách toàn diện và biện chứng mọi tình tiết khách quan của vụ án để tìm ý thức chủ quan của người phạm tội, cần đặc biệt chú ý đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi khách quan, nghĩa là đến khả năng làm chết người nhiều hay ít của hành vi đó (hành vi tấn công, cách tấn công, tấn công mạnh hay nhẹ, tấn công vào chỗ nào trong cơ thể nạn nhân, dùng vũ khí gì,…). Nếu xác định được rằng người phạm tội có những hành vi ít nguy hiểm, ít khả năng gây chết người, thông thường nên định tội là cố ý gây thương tích. Đây là trường hợp rất thường gặp của các vụ đánh nhau thông thường, có gây ít nhiều thương tích, mặc dù người phạm tội luôn miệng la hét sẽ giết chết nạn nhân và tay cầm vũ khí có thể giết được người, nhưng trong thực tế, qua cách tấn công, có thể thấy rõ người phạm tội chú ý gây những vết thương ít khả năng làm chết người (Ví dụ như: chỉ đánh chém vào tay chân những vết bình thường, đấm vào những chỗ ít nguy hiểm v.v…). Nếu trái lại, hành vi là cố ý và rất nguy hiểm có rất nhiều khả năng làm chết người, thì định Tội giết người (chưa đạt).
Trên thực tế, những trường hợp mặc dù đã rõ ràng người phạm tội có ý định giết người hoặc khi không xác định được rõ ý thức của người phạm tội, nhưng nếu đang nửa chừng hành động, người phạm tội thấy nạn nhân đã bị thương tích mà chủ động tự mình chấm dứt tấn công, tuy biết rõ còn có thể tiếp tục hành động thì thường định tội là cố ý gây thương tích mà không định Tội giết người (chưa đạt).
Một ví dụ cụ thể là vụ án đã được giải quyết ở tỉnh Đ: N.V.H tức giận vì vợ nộp đơn xin ly hôn, đã rút con dao đâm vợ nhiều nhát vào mặt, mũi và tay trái làm chị bị chảy mất nhiều máu, nhợt nhạt mặt mày. Thấy vậy, H hoảng sợ không đâm nữa, ngồi chờ người đến bắt. Khi giải quyết vụ án, Tòa án sơ thẩm định Tội giết người (chưa đạt)2 nhưng Tòa án cấp phúc thẩm định Tội cố ý gây thương tích3. Tác giả đồng tình với quan điểm định tội của Tòa án cấp phúc thẩm. Khi không xác định được rõ ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng người phạm tội đã tự nguyện chấm dứt hành động nửa chừng (tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội) thì chỉ nên định tội là cố ý gây thương tích, vì tội phạm chỉ mới đến mức độ này. Và cách giải quyết như vậy cũng mang tính nhân đạo, có tác dụng tốt hơn đối với việc đấu tranh chống tội phạm.
Bên cạnh đó, khi người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn mặc kệ cứ làm, hậu quả nạn nhân sống cũng được mà chết cũng mặc, trường hợp nạn nhân không chết thì định Tội cố ý gây thương tích. Ví dụ4: S là thợ cắt tóc, đang cắt tóc cho khách thì có K đến sinh sự, chửi mắng S là “đồ chó”. S nổi giận dùng dao cạo sắc “cầm quay cán trở lên, nắm chắc cán dao vào lòng bàn tay, lưỡi dao trở xuống, sống dao dựa vào phía cổ tay với một tư thế vững chắc, chém K một nhát vào mặt đứt mũi và một nhát vào gần nách đứt xuyên qua hai chiếc áo, gây một vết thương dài 30cm…” Rõ ràng, hành vi của S là rất nguy hiểm, có thể làm chết người, đây là điều mà S có thể và phải nhận thức được. Tuy nhiên, nhận thức được mà vẫn làm, thái độ của S là thái độ mặc kệ, đến đâu thì đến. Với thái độ tâm lý đó sẽ định Tội giết người (cố ý gián tiếp) nếu hậu quả chết người xảy ra. Trong trường hợp cụ thể này, hậu quả mới làm nạn nhân bị thương nên S chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích. Nhưng khi lượng hình, cần thấy rằng trường hợp này nghiêm trọng và cần bị xử phạt nặng hơn những trường hợp cố ý gây thương tích khác, vì thái độ tâm lý nguy hiểm hơn.
Mặt khác, hậu quả của tội phạm trong cả hai tội giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích có thể đều chỉ làm nạn nhân bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe. Vì vậy, cần lưu ý rằng mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân không phải là căn cứ để xem xét việc định tội. Có thể có trường hợp tỉ lệ thương tích thấp, thậm chí dưới 11% nhưng vẫn định Tội giết người. Điều này thể hiện qua ví dụ sau5: T và chị M là vợ chồng. Do mâu thuẫn, T và chị M ly thân nhưng vẫn sống cùng nhà. Trưa ngày 2/3, T chờ chị M ngủ trưa dậy xuống nhà vệ sinh rửa mặt, T lấy một cây búa loại dùng để đóng đinh, đứng từ phía sau đánh mạnh nhiều cái vào đầu chị M. Nghe tiếng kêu cứu của chị M, chị Tr là người giúp việc trong nhà chạy vào can ngăn thì cũng bị T dùng búa đánh liên tiếp nhiều cái vào đầu. Trước khi bỏ chạy, T còn quay lại dùng búa đánh chị M thêm một cái nữa vào đầu. Kết quả giám định pháp y, chị M bị thương tật 5% vĩnh viễn; chị Tr cũng bị thương tật 5% vĩnh viễn. Tòa sơ thẩm đã tuyên T phạm Tội giết người.
Thứ hai, căn cứ vào các dấu hiệu chủ quan. Đây là các dấu hiệu quan trọng và có tính chất quyết định cho việc định Tội giết người phạm tội chưa đạt hay Tội cố ý gây thương tích. Theo tác giả, trước hết cần thống nhất nhận thức những nội dung cơ bản mặt chủ quan của hai tội danh này mà quan trọng nhất là lỗi của người phạm tội. Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý, cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên xảy ra) nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác họ có ý thức chấp nhận hậu quả đó (nếu xảy ra). Tuy nhiên, lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người chỉ có trong trường hợp người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra. Nếu thấy trước hậu quả chết người tất nhiên xảy ra thì đó là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra thì việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không còn có ý nghĩa trong việc định tội, nhưng việc xác định này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra.
Tóm lại, nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người chưa đạt. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích (nếu thương tích đủ cấu thành tội phạm này). Như vậy, về lý luận Tội giết người phạm tội chưa đạt chỉ có trong trường hợp người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp. Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp trong tội giết người nhiều khi rất phức tạp và phải căn cứ vào hành vi khách quan.
Khi không xác định rõ ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng hành vi khách quan thì thể hiện rõ không phải chỉ cố ý gây thương tích mà là cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác thì phạm Tội giết người như dùng mã tấu, dao, súng nhằm vào những bộ phận quan trọng trong cơ thể người khác để chém, đâm, bắn thì cho dù hậu quả không dẫn đến chết người thì cũng phạm Tội giết người vì khi sử dụng các hung khí, phương tiện nguy hiểm đó buộc bị cáo phải nhận thức được có thể và tất yếu dẫn tới tước đoạt tính mạng của người khác. Hoặc trường hợp sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (như ném lựu đạn vào chỗ đông người; bắn súng vào chỗ đông người, đặt mìn, dùng xe ô tô lao vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào nguồn nước,…) tuy không có hậu quả chết người nhưng cũng định Tội giết người vì hậu quả chết người hoàn toàn có thể xảy ra. Còn đối với Tội cố ý gây thương tích thì lỗi của người phạm tội có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, người phạm tội có thể mong muốn cho hậu quả thương tích hoặc hậu quả tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, nhưng cũng có thể không mong muốn mà chỉ có ý thức chấp nhận hậu quả đó.
Tuy nhiên, các yếu tố để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội như đã phân tích ở trên chỉ mang tính chất tương đối. Để định tội danh được chính xác cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các yếu tố trên và cần được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với các chứng cứ khác mới có thể xác định được đúng bản chất của tội phạm và ý thức chủ quan của người phạm tội. Ví dụ như chứng minh được sự quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng để đạt được mục đích phạm tội. Việc không thực hiện được tội phạm đến cùng, không giết chết được nạn nhân là do trở ngại khách quan; Khi thực hiện hành vi tấn công hết sức nguy hiểm, người phạm tội có cơ sở để tin rằng đã đạt được mục đích phạm tội, nạn nhân tất yếu phải chết. Việc nạn nhân sống sót nằm ngoài tính toán của người phạm tội. Việc xem xét phải toàn diện, nếu tuyệt đối có một trong các yếu tố này sẽ dẫn đến việc xem xét, đánh giá vụ án theo ý chí chủ quan, dẫn đến việc định tội danh không chính xác.

(Còn tiếp)

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Bài viết “Bình luận tội giết người theo BLHS năm 2015” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà - Ngô Duy Thi, https://kiemsat.vn/binh-luan-toi-giet-nguoi-theo-blhs-nam-2015-50490.html
2 Xem thêm bản án số 25/2015/HSST ngày 05/4/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
3 Xem thêm bản án số 30/2015/HSPT ngày 12/7/2015của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
4 Xem thêm bản án số 22/2016/HSST ngày 12/3/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
5 Xem thêm bản án số 21/2015/HSST ngày 27/3/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2. Bản án số 25/2015/HSST ngày 05/4/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
3. Bản án số 30/2015/HSPT ngày 12/7/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Bản án số 22/2016/HSST ngày 12/3/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
5. Bản án số 21/2015/HSST ngày 27/3/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.
6. Bài viết “Bình luận tội giết người theo Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà - Ngô Duy Thi, https://kiemsat.vn/binh-luan-toi-giet-nguoi-theo-blhs-nam-2015-50490.html.

Disputes in the guilty plea for murdering

under Vietnam’s current criminal code

Master. Doan Trong Chinh
Lecturer, Faculty of Law,
Ho Chi Minh City University of Technology
Master. Le Thi Minh Thu
Lecturer, Faculty of Law,
Ho Chi Minh City University of Technology

Abstract:
The basic difference between murder and intentional injury is the subjective consciousness of the offender which is demonstrated by objective factors such as offensive behavior, injuries on the victim’s body, causes and duration of the victim’s death, weapons, the level and intensity of attack, consequences and the severity of injuries, and subjective factors including causes, motives and criminal purposes. Disputes in the guilty plea between these two offenses often occur in two cases. In the first case, the crime of murder is identified in the case of a crime that has not been committed yet or intentionally harms other person’s health. In the second case, the crime of murder is identified in the case of intentionally harming other person’s health, leading to the death. This article focuses on the first case.
Keywords: Causing injury intentionally, judgment, murder, crime that has not yet been committed.