Vận dụng mô hình học tập kết hợp (Blended learning) trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THỊ THU HUYỀN (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

  Phương thức dạy và học trực tuyến hiện nay được xem là giải pháp tối ưu hiện nay khi người học không thể tham gia học tập theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên hiện tại để đạt được hiệu quả tối ưu của phương thức này, cả người dạy và người học cần phải có thời gian để thay đổi và thích ứng, đó là lý do cho ra đời mô hình học tập kết hợp (Blended learning), mô hình này là kết hợp giữa dạy và học theo phương thức truyền thống và trực tuyến, mô hình vừa phát huy được ưu điểm của phương thức dạy học truyền thống vừa giúp người dạy và người học có thời gian để làm quen dần với mô hình trực tuyến. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn của mô hình Blended learning khi áp dụng vào giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay, bài viết sẽ đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả của mô hình này khi áp dụng vào thực tế.

Từ khóa: học trực tuyến, dạy học truyền thống, Blended learning, học kết hợp.

1. Đặt vấn đề

Mô hình học tập kết hợp được xem như bước đệm để giúp người học thay đổi và làm quen dần với mô hình học trực tuyến. Mô hình này được phát triển dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ số trong dạy học giúp người học rèn luyện ý thức tự học, tính chủ động trong việc lựa chọn không gian học, thời gian học, hạn chế được phần nào nhược điểm của mô hình dạy và học theo phương thức truyền thống (người dạy và người học phải gặp gỡ trực tiếp và cố định tại một địa điểm và thời gian đã quy định sẵn). Hiện nay việc ứng dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học là một lựa chọn hợp lý, ngoài việc phát huy được các lợi thế của lớp trẻ khi tham gia học, mô hình còn giúp người dạy có thể linh động và đa dạng hơn các phương pháp giảng dạy để thu hút người học.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình Blended learning

2.1. Cơ sở lý thuyết về mô hình Blended learning

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã làm cho giáo dục từ xa hình thành và phát triển một cách rộng rãi (McBrien và cộng sự, 2009). Hầu hết các thuật ngữ: học tập trực tuyến, học tập mở nhờ sự hỗ trợ của công nghệ máy tính đều có điểm chung là khả năng sử dụng máy tính được kết nối với mạng wifi cung cấp khả năng học tập mọi lúc, mọi nơi trong bất kỳ địa điểm nào miễn là có mạng kết nối wifi (Cojocariu và cộng sự, 2014).

Theo Singh & Thurman, (2019): "học tập linh hoạt trong môi trường đồng bộ hoặc không đồng bộ, sử dụng các thiết bị khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính,... có truy cập internet. Trong những môi trường này người học có thể ở bất cứ đâu để học tập và tương tác với người hướng dẫn, bạn bè và các đối tác khác".

Học tập đồng bộ có thể cung cấp rất nhiều cơ hội trong giao tiếp xã hội (McBrien và cộng sự, 2009).

Đến nay, đã có nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã hoàn toàn đưa công nghệ số vào công tác giảng dạy. Việc nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình học trực tuyến cũng có những khó khăn trong vấn đề liên quan đến công nghệ như: lỗi tải xuống, sự cố cài đặt, sự cố đăng nhập, sự cố với âm thanh và video,… Thỉnh thoảng người học thấy việc học trực tuyến là nhàm chán, không có hứng thú. Người học cảm thấy thiếu mối quan hệ cộng đồng, thiếu hỗ trợ về vấn đề kỹ thuật, khó hiểu đối với các mục tiêu giảng dạy,… là những rào cản lớn đối với việc học trực tuyến (Song và cộng sự, 2004). Trong một nghiên cứu, người học được phát hiện là không được chuẩn bị đầy đủ để giữ cân bằng giữa công việc, gia đình và cuộc sống xã hội của họ với việc học tập của họ trên mạng. Người học cũng được phát hiện là chuẩn bị kém cho một số năng lực học tập điện tử và năng lực kiểu học thuật (Parkes và cộng sự, 2014). Chất lượng các khóa học cần được cải thiện liên tục, các bài giảng phải được thiết kế theo cách sáng tạo, tương tác và phù hợp, lấy người học làm trung tâm và được kết hợp với việc giảng dạy theo nhóm (Partlow & Gibbs, 2003). Người dạy phải dành nhiều thời gian để đầu tư vào bài giảng để tạo ra hiệu quả khi đưa ra các hướng dẫn học trực tuyến, tạo điều kiện cho người học phản hồi, đặt câu hỏi và mở rộng phạm vi kiến thức (Keeton, 2004). Người dạy phải tập trung vào phương pháp sư phạm học tập hợp tác, học tập tình huống và học tập dựa trên dự án thông qua các hướng dẫn trực tuyến (Kim & Bonk, 2006). Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của phương pháp học trực tuyến cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của phương pháp giảng dạy truyền thống (giảng dạy trực tiếp). Vì vậy, mô hình học tập kết hợp giữa 2 phương pháp trực tuyến và trực tiếp cũng đã được áp dụng thực hiện ở nhiều các trường đại học và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Cụ thể tại Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT ngày 22/4/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định về việc "ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo qua mạng là việc sử dụng các trang thiết bị điện tử, phần mềm, học liệu điện tử và mạng viễn thông (chủ yếu là mạng internet) hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nhằm đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, một số mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo qua mạng phổ biến là: Đào tạo kết hợp - Blended learning, học tập điện tử - e-Learning".

Mô hình học tập kết hợp hay còn gọi là đào tạo kết hợp (Blended learning) là “việc kết hợp phương thức học tập điện tử (e-Learning) với phương thức dạy - học truyền thống (theo đó người dạy và người học cùng có mặt) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và chất lượng giáo dục”. Trong đó “Học tập điện tử (e-Learning) là hình thức học tập, qua đó người học có thể tự học mọi lúc, học mọi nơi thông qua các học liệu điện tử đa phương tiện (lời giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, đồ họa,…). Các hình thức học tập như m-Learning (học thông qua thiết bị di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình tương tác), u-Learning (học thông qua các phương thức tương tác thực tế ảo diễn ra bất kỳ nơi nào), hay smart-Learning (phương tiện học tập thông minh) đều là các hình thái của học tập điện tử e-Learning” (Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT).

2.2. Mô hình Blended learning

Mô hình Blended learning là sự kết hợp giữa mô hình học dạy học truyền thống và mô hình dạy học trực tuyến theo một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này có thể tăng giảm tùy thuộc vào mức độ áp dụng. Theo Nguyễn Hoàng Trang (2018), hiện nay có 3 mức độ để áp dụng mô hình dạy học Blended learning, bao gồm:

  • Mức độ 1: Người dạy sử dụng hình thức chính là học tập truyền thống khi giảng dạy, tuy nhiên có cung cấp thêm các tài liệu trực tuyến để người học tra cứu thông qua Internet.
  • Mức độ 2: Người dạy thiết kế xen kẽ các bài giảng trực tuyến bên cạnh các bài giảng theo phương thức truyền thống để giúp người học làm quen dần với hình thức học tập trực tuyến. Việc trao đổi, thảo luận, hỗ trợ người học sẽ được mở rộng thực hiện thông qua các công cụ hỗ trợ như: Email, Forum,… bên cạnh gặp mặt trao đổi trực tiếp.
  • Mức độ 3: Bên cạnh việc thiết kế xen kẽ các bài giảng trực tuyến như mức độ 2, ở mức độ 3 người học sẽ được kiểm tra và đánh giá bằng hình thức trực tuyến.

Căn cứ vào 3 mức độ có thể áp dụng của mô hình Blended Learning như trên, hiện nay trên thế giới có 6 mô hình Blended Learning đang được áp dụng để giảng dạy cho bậc đại học, bao gồm:

  • Mô hình Face-to-Face Drive: Sử dụng mô hình giảng dạy truyền thống là chính trong việc giảng dạy, tuy nhiên có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu học tập và thực hiện các bài đánh giá. Theo đó, người học sẽ giành thời gian để tham gia học tập, trao đổi, thảo luận trực tiếp tại lớp còn việc đọc tài liệu hay thực hiện các bài tập sẽ thông qua Internet. Mô hình này giúp người dạy có nhiều thời gian hơn để hỗ người học, phù hợp với lớp học có sự phân khúc hay chênh lệch về kiến thức giữa các thành viên trong lớp học.
  • Mô hình Rotation: Người học sẽ học luân phiên giữa 2 mô hình học tập truyền thống và học tập trực tuyến theo một lịch trình đã được công bố. Mô hình này tạo được tính linh hoạt trong việc dạy và học, người dạy có thể hỗ trợ người học các nội dung của buổi học trực tuyến vào các buổi học truyền thống dựa theo nhu cầu của người học.
  • Mô hình Flex: Người dạy đưa ra định hướng, hướng dẫn người học chủ động học tập theo mô hình học tập trực tuyến, giờ học trực tiếp sẽ giành để trao đổi, thảo luận và giải đáp thắc mắc. Mô hình này giúp người học phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu, người học có thể chủ động sắp xếp thời gian học, không gian học cũng như thời lượng học cho phù hợp với bản thân.
  • Mô hình Online Lab: Trong suốt thời gian của khóa học, người học tham gia học trực tuyến tại các phòng máy chuyên dùng, đồng thời chịu sự quản lý và giám sát của các giám sát viên khóa học. Mô hình này giúp giảm bớt áp lực về phòng học trực tiếp, giảm số lượng người tham gia giảng dạy, tuy nhiên sẽ làm tăng số lượng của giám sát viên.
  • Mô hình Self-Blended: Cho phép người học có thể đăng ký học trực tuyến các môn học ngoài chương trình học. Mô hình này phù hợp với bậc đào tạo đại học, khuyến khích người học nâng cao kiến thức, mở rộng chuyên môn, học thêm các môn học theo sở thích cá nhân.
  • Mô hình Online Driver: Sử dụng hoàn toàn mô hình học tập trực tuyến trong dạy và học. Người học dựa trên các hướng dẫn, bài giảng, bài tập,… do người dạy cung cấp thông qua Internet để tiến hành học. Các vấn đề thắc mắc cần hỗ trợ, trao đổi đều được tiến hành trực tuyến. Mô hình này phù hợp với người học cần sự linh động về thời gian học, lịch học, có thể áp dụng cho bậc đại học, sau đại học, hệ đại học vừa học vừa làm,…

3. Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

3.1. Thuận lợi khi áp dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

Khi đề cập đến thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay, bài viết sẽ đề cập đến 3 đối tượng chính, tham gia trực tiếp trong mô hình Blended learning, bao gồm:

  • Đối với người học:

Lợi thế của mô hình Blended learning là giúp người học có thể tự chủ động về không gian học, thời gian học, nội dung học dựa trên năng lực học của mỗi người điều này đáp ứng được mong muốn có được tính chủ động, linh hoạt trong lịch học. Ngoài ra, mô hình Blended Learning còn tạo ra môi trường tương tác cho người học, giúp người học tích cực và chủ động hơn trong học tập thông qua việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau giúp tăng kỹ năng mềm cho người học (Đàm Quang Vinh, Nguyễn Thị Hải Yến, 2017).

  • Đối với người dạy:

 Theo Vũ Thị Thu Minh (2020), việc sử dụng kết hợp giữa mô hình học tập truyền thống và học tập trực tuyến sẽ làm giảm thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp, tạo điều kiện để người dạy có thời gian tập trung cho các công việc khác như: nghiên cứu khoa học, tham gia hội thảo, tư vấn nghề nghiệp,…

  • Đối với các cơ sở giáo dục:

Mô hình Blended Learning mang đến lợi ích cho các cơ sở giáo dục trong việc giảm áp lực về hệ thống phòng học, giảm bớt chi phí cố định trong khâu đào tạo trực tiếp như: điện, nước, vệ sinh,… do giảm thời lượng người học tham gia học tập trực tiếp tại trường.

3.2. Khó khăn khi áp dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

  • Đối với người học:

Mặc dù đối tượng tham gia học là thế hệ trẻ, khả năng tiếp thu công nghệ rất nhanh chóng, tuy nhiên sẽ bị giới hạn đối với lượng người học chưa được tiếp xúc với công nghệ, thiếu các công cụ để phục vụ học trực tuyến (Laptop, điện thoại, hệ thống Wifi, 4G…), có thể kể đến người học ở các khu vực nông thôn hoặc miền núi.

Đa số người học đã quen với cách học truyền thống của cấp phổ thông như: “cầm tay chỉ việc”, tâm lý học phải có thầy/cô kề bên, hướng dẫn, học tập theo cách thụ động, do đó trong trường hợp áp dụng mô hình Blended Learning trong giảng dạy mà người học không có khả năng tự học, tự nghiên cứu sẽ dẫn đến tâm lý sợ, chán nản, kết quả học tập giảm sút do không tìm ra được phương pháp học tập phù hợp.

  • Đối với người dạy:

Mô hình Blended learning đòi hỏi người dạy phải thiết kế được học liệu điện tử (Slide bài giảng, Video bài giảng, Tài liệu tham khảo,…) phục vụ cho các buổi học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với người dạy không có chuyên môn về công nghệ thông tin việc sử dụng các công cụ phần mềm để thiết kế, lên kịch bản, quay video, cắt ghép chỉnh sửa video,… là điều rất khó, cần phải có thời gian để học tập và nghiên cứu.

Mô hình Blended learning là sự chuyển tiếp dần từ mô hình học tập truyền thống sang mô hình học tập trực tuyến, nó đòi hỏi phải người dạy phải có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy để thu hút người học. Người dạy cần có công cụ để quản lý, giám sát nhằm kiểm tra việc học trực tuyến của người học,… điều này dẫn đến khối lượng công việc của người dạy tăng lên do cần có nhiều thời gian để đầu tư nghiên cứu.

  • Đối với các cơ sở giáo dục

Yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở giáo dục khi áp dụng dạy trực tuyến phải có “Hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng internet phải có đủ băng thông, năng lực đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng, không để xảy ra hiện tượng nghẽn mạng hay quá tải”, phải có Hệ thống quản lý học tập, Hệ thống quản lý nội dung học tập để có thể truyền tải nội dung học tập đến người học, theo dõi được tiến trình học tập của người học,… (Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, đối với cơ sở giáo dục hiện tại, việc đáp ứng hoàn toàn, đầy đủ các cơ sở vật chất như yêu cầu để phục vụ học trực tuyến là điều chưa thể.

Hầu hết các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn chưa đưa ra được chính sách hỗ trợ người dạy để khuyến khích người dạy trong việc đầu tư, nghiên cứu tìm ra các phương pháp giảng dạy hay học thêm các khóa học để phục vụ cho việc thiết kế học liệu trong giảng dạy theo mô hình Blended learning.

4. Một số kiến nghị để áp dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay

  • Đối với người học:

Để học tập theo mô hình Blended learning người học cần có sự chuẩn bị về các công cụ để phục vụ cho học trực tuyến như: điện thoại, laptop, hệ thống kết nối nối mạng,… Kết quả học tập của người học ngoài chịu sự tác động của phương pháp giảng dạy, tài liệu học tập, trang thiết bị thì yếu tố chính là do bản thân người học. Người học phải có sự chuẩn bị tâm lý, phải làm quen dần với các phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tìm ra cách học phù hợp với bản thân. Người học cần mạnh dạn hỏi, trao đổi, thảo luận,… để tìm được sự hỗ trợ khi cần và nâng cao các kỹ năng mềm cần thiết.

  • Đối với người dạy:

Để áp dụng được mô hình Blended learning trong giảng dạy, thu hút được sự quan tâm của người học, người dạy cần thiết kế và cung cấp tài liệu học tập đa dạng, phù hợp với khả năng của người học. Để làm được điều này, người dạy cần đầu tư thêm thời gian cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc thiết kế bài giảng, thay đổi phương pháp giảng dạy,…

Người dạy cần lập kế hoạch chi tiết trong lịch trình giảng dạy: nêu rõ tỷ lệ kết hợp được sử dụng trong mô hình Blended learning (bao nhiêu phần trăm dùng cho mô hình học tập truyền thống, bao nhiêu phần trăm dùng cho mô hình học tập trực tuyến) để người học có thể chủ động trong việc sắp xếp thời gian học cho phù hợp.

Để người học có thể dễ dàng tiếp cận được với tài liệu tự học, người dạy cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, có các kênh thông tin online để thuận tiện trong việc hỗ trợ, góp ý và khích lệ người học. Bên cạnh đó, để khuyến khích người học nâng cao khả năng tự học, người dạy cần thiết kế các công cụ để giám sát người học (Bài kiểm tra ngắn, bài thảo luận nhóm,…), người dạy cần phải tạo ra kênh thông tin để người học có thể dễ dàng trao đổi thông tin khi cần, khuyến kích người học mạnh dạn hỏi và chia sẻ thông tin.

  • Đối với các cơ sở giáo dục:

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm: Hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet đáp ứng được nhu cầu người học tránh tình trạng nghẽn mạng, quá tải khi người học tham gia tải tài liệu, xem video tự học, làm bài tập, bài kiểm tra online,… Xây dựng Hệ thống quản lý học tập: không bị giới hạn thời gian, không gian, cho phép người học có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi; hệ thống cần đơn giản, có hướng dẫn cụ thể để người học dễ dàng tiếp cận và có các công cụ để người học có thể đánh giá được quá trình tự học của bản thân. Đối với Hệ thống quản lý nội dung học tập cần cung cấp các học liệu điện tử đa dạng, phù hợp với sở thích, cách học của nhiều người, như: Sách điện tử, Video dạy học, Bài giảng điện tử…

Phải có sự trao đổi, chia sẻ nguồn lực dạy học số giữa các trường, như: Xây dựng chung nguồn học liệu, học tập các kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý, chính sách hỗ trợ người dạy, người học khi áp dụng mô hình dạy học Blended learning.

Cần có cơ chế riêng để khuyến khích người dạy đầu tư cho mô hình dạy học Blended learning: Tăng cường các buổi tập huấn sử dụng phần mềm dạy học, các công cụ phục vụ dạy học trực tuyến,… đưa ra chính sách để hỗ trợ người dạy như: thay đổi hệ số tính giờ giảng đối với các môn học có áp dụng mô hình dạy học Blended learning, có thay đổi phương pháp dạy học, có làm mới tài liệu học tập phục vụ mô hình dạy học Blended learning,…

5. Kết luận

Mô hình học tập kết hợp (Blended learning) là một bước chuyển tiếp từ mô hình học tập truyền thống sang mô hình học tập trực tuyến. Xu hướng dạy và học theo mô hình trực tuyến là một xu thế tất yếu trong tương lai, do đó việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân sự giảng dạy phục vụ cho mô hình Blended learning cũng là một yếu tố để phục vụ cho học tập trực tuyến trong tương lai. Để áp dụng thành công mô hình Blended learning trong dạy học ngoài sự đầu tư, thay đổi từ nhà trường, người dạy thì yếu tố chính vẫn là do bản thân của người học, người học cần phải thay đổi nhận thức của bản thân, tìm ra phương pháp tự học cho phù hợp để phát huy hết tác dụng của mô hình Blended learning.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cojocariu, V.-M., Lazar, I., Nedeff, V., & Lazar, G. (2014). SWOT analysis of e-learning educational services from the perspective of their beneficiaries. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 116, 1999-2003.
  2. Nguyễn Hoàng Trang (2018). Một số vấn đề trong tổ chức dạy học Blended learning và kinh nghiệm quốc tế. Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Giáo dục cho mọi người - Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Giáo dục Quốc gia Hàn Quốc, tr.105.
  3. Singh, V., & Thurman, A. (2019). How many ways can we define online learning? A systematic literature review of definitions of online learning (1988-2018). American Journal of Distance Education, 33(4), 289-306.

   4.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.

  1. Vũ Thị Thu Minh (2020). Blended learning và khả năng áp dụng tại Trường Đại học Hùng Vương. Tạp chí Khoa học, số 37/2020.

 

IMPLEMENTING THE BLENDED LEARNING MODEL IN VIETNAM’S HIGHER EDUCATION SECTOR

Master. PHAM THI THU HUYEN

Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

The current online teaching and learning methods are considered the optimal available solution when many learners cannot take part in traditional learning methods. However, it takes both learners and lecturers time to adapt to online learning methods. As a result, the blended learning model is developed as it takes advantages of  traditional and online teaching methods to improve the teaching and learning performance of lecturers and learners. By analyzing the advantages and disadvantages of the implementation of blended learning model in Vietnam’s higher education sector, this paper makes some recommendations to improve the effectiveness of this model.

Keywords: online learning, traditional teaching, blended learning, hybrid learning.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 23, tháng 10 năm 2021]