Lót lá thay mâm

Có khách “Xì - Gòn” ghé thăm nên chú Bảy, ở cạnh khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp hối thúc bà xã cùng “sắp nhỏ” bắt con lóc nái nướng trui, bày mâm rượu lạt đãi người phương xa.

Có thể quả quyết rằng, không loại bánh tráng nào đem cuốn miếng thịt cá lóc nướng trui hay gắp thịt ba rọi luộc trộn mắm tôm (tép) bạc “hợp rơ” bằng chiếc lá sen non. Chính chất chan chát xen chút đắng nhẹ và hậu vị ngọt thanh tân nơi nhựa lá sen giúp nhóm vật thực đi cùng càng hấp dẫn hơn. 

Và nói là rượu lạt cho khiêm tốn chứ thật ra, rượu sen thượng phẩm hẳn hoi. Mùi rượu phảng phất hương sen rất rõ nét. Được biết, cần khoảng 32 - 35 bông sen Đồng Tháp vừa hé nở, lấy nhụy rồi sao qua mới đem ngâm vào rượu đế nếp khoảng 42 - 43 độ. Lại ủ trong mát suốt cả năm, mới thu được 1 chai (650ml) rượu trắng hồng, trong veo, ngát hương sen. Thêm điểm cộng khác: dẫu đêm qua cao hứng uống tới quắc cần câu, sáng dậy vẫn không nghe nặng đầu và khô cổ.

Món thơm khẩn hoang sang trọng hơn khi “cặp kè” cùng sen

 

Giữa quán gió “cao cẳng” (chòi lá dạng nhà sàn) Sen Hồng của chú Bảy, ngó trước ngoảnh sau gặp toàn sen. Công bằng mà nói, sản vật Đồng Tháp nói riêng và miệt Tây Nam bộ nói chung, nay không còn ê hề như hơn 20 năm trước. Bù lại, một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao (lươn, rắn, ếch...) đang chen chân bù đắp phần nào, cho bức tranh trù phú của đồng bằng bớt trống vắng.

Cũng nhờ vậy, chúng tôi mới nhận ra tính bao dung của từng cọng ngó sen trong món gỏi ếch nái già. Mỗi đũa gỏi ngó sen chen đùi ếch là miếng ngon đùm bọc, tương hỗ của một quần thể hít thở cùng sinh cảnh. Tựa như măng, ngó sen “chơi đẹp” ở chỗ, chỉ hỗ trợ hết mình chứ không vùi dập hay lấn át vật thực đi cùng. Thường thì, nó ưa đóng vai phụ hơn chính, trong nhiều món thơm quen.

Trồng sen thu lãi cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa

 

Bất ngờ nữa, gặp được một món ăn chân phương vừa lạ vừa quen và dễ nghiện là hạt sen rang muối. Vỏ hạt sen ngả màu nâu tím, lấp lánh những tinh thể muối bám bên ngoài tựa như ngọc. Món “ngọc Tháp Mười” này tưởng đơn giản nhưng không phải. Sen hạt, phải chọn hàng tách “nóng” trong ngày. Quan trọng hơn, phải biết chọn độ già của từng gương sen. Dạng hạt sen này, gần đạt ngưỡng “cứng cạy” giống cơm dừa khô rám vậy. Cỡ đó, cơm sen không còn bở nữa và tích tụ đủ đầy chất ngọt béo tự nhiên.

Thư thái trà sen

Một số bạn bè ở Công ty du lịch Sông Sen và Đài truyền hình Đồng Tháp nhiệt tình dẫn chúng tôi đến cửa hàng đặc sản của tỉnh nhà, số 40/5 Trần Thị Nhượng, P.4, TP. Cao Lãnh. Nổi bật nhất có gần chục sản phẩm về sen, như: trà sen, hạt sen sấy...

Ẩm thực sen Đồng Tháp vừa bình dị vừa lộng lẫy sắc hương

 

Chị Nguyễn Thị Lài, nguyên chủ nhiệm câu lạc bộ đặc sản tỉnh nhà đồng thời làm giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hương Sen Việt, và cũng là chủ cửa hàng, niềm nở cho biết: “Doanh số bán các sản phẩm từ sen mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng. Trà lá sen bán chạy nhất vì công dụng an thần và giúp giảm cân”.

Chúng tôi được mời dùng thử vài tách trà lá sen, để chứng thực lời chị Lài. Nước trà phớt xanh màu mạ non hoặc tương tự màu xanh nhạt của lá sen thời con gái. Đặc biệt, phảng phất mùi hương cốm mới, tựa như danh trà Thái Nguyên thượng hạng. Hớp ngụm đầu, nghe ra chuỗi vị nồng chát - đắng nhẹ cùng chút ngai ngái của nhựa lá sen tươi. Sau cùng là hậu vị thanh ngọt. 

Mềm môi rượu hương sen Tháp Mười!

 

Theo chị Lài, sản phẩm này được sấy lạnh, nhằm rút bớt lượng nước trong lá sen ra và giữ lại độ ẩm 5%. Cũng theo chị, Đồng Tháp có 10 cơ sở với công ty chế biến dòng trà lá sen. Chủ yếu là, họ mang lá phơi khô xắt bán.

Tuy vậy, không thể nói dạng trà này hoàn toàn có lợi cho sức khỏe, dù các nhà sản xuất ở đây luôn thỏa thuận chỉ thu mua lá sen an toàn. Bởi, họ sen súng với mấy đám lục bình trôi nổi ưa hút kim loại nặng trong đất, nước. Dược sĩ Ngô Khánh Huy ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thừa nhận: “Lá sen Tháp Mười chứa hàm lượng kim loại nặng cao. Do trong đất phèn trũng luôn tích tụ chúng nhiều, chủ yếu là mangan, chì, đồng, kẽm với một ít cyanur”.

Tuyệt vời món hạt sen rang muối!

 

Cho nên, rất cần giải pháp khử kim loại nặng trong từng gói trà lá sen túi lọc tinh tươm. “Dùng áp suất cao ép hơi nước từ lá ra. Đó gọi là sấy tuần hoàn với nhiệt độ âm 10 độ C. Nhờ vậy, nhóm kim loại nặng mới kể, cũng theo đó bị loại. Mỗi mẻ mất 8-12 tiếng”, dược sĩ Huy giảng giải về cách khử độc tố trong túi trà lá sen của Công ty Khánh Thu, cũng ở huyện Tháp Mười.

Công phu cỡ đó, vẫn chưa thấm vào đâu so với chuyện chọn bông sen nguyên liệu và thưởng thức trà hoa sen sấy thăng hoa. “Phải chọn những bông sen vừa chớm nở. Một mẫu sen, thu hoạch tối đa được 200 bông mỗi ngày”, dược sĩ Huy cho biết. Thời gian sấy một mẻ trà bông sen tốn gấp đôi so với trà lá sen. Trước đó, công nhân sẽ cẩn thận rắc vào mỗi hoa khoảng 5% lượng trà ô long để “kích” hương. Kích cỡ hoa thành phẩm, bằng miệng chung uống trà. Được biết, mặt hàng trà hoa sen chỗ công ty dược sĩ Huy chủ yếu xuất sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Doanh thu trung bình 400-600 triệu đồng/tháng. Riêng dòng trà lá sen ở thị trường nội địa, khách hàng miền Bắc chuộng nhất. 

Rau lá sen non vừa kích thích thèm ăn vừa có lợi cho sức khỏe

 

Vẫn còn nhiều sản phẩm tiềm năng giá trị cao dựa vào việc khai thác hệ sinh thái sen như mật ong sen, tơ sen... Mãnh lực và trữ lượng sen Đồng Tháp đang “nở nồi” thật đáng nể!