Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 diễn ra vào chiều 13/9/2018, ngay sau khi Hội nghị WEF ASEAN 2018 kết thúc, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) với chủ đề “Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy” đã thu hút được khoảng 1.200 doanh nghiệp tham gia.

Đây là lần đầu tiên một Hội nghị VBS doanh được tổ chức bên cạnh diễn đàn chính của WEF. Tại Hội nghị, không chỉ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn có bài phát biểu sâu sắc về "Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu".

Khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc đề cao thương mại tự do, toàn cầu hoá, Thủ tướng nói: "30 năm đổi mới, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa hội nhập. Tự do hóa đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam”. Tuy nhiên, thực trạng của Việt Nam chưa đạt được kỳ vọng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất nhưng muốn làm bạn với người giỏi nhấtThủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất nhưng muốn làm bạn với người giỏi nhất. Ảnh VGP

Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra những thành công của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững.

Theo các thống kê, hiện mới có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỉ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu.

Vì vậy, để khắc phục, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cần tham gia rộng rãi và sâu sắc hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng chỉ rõ: “Việt Nam đã xác định phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và theo đuổi giá trị cũng như tầm nhìn dài hạn. Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành cùng các doanh nghiệp; mong các doanh nghiệp FDI mở cửa hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hoá nhưng Việt Nam muốn làm bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời, Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng. Đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Cửa ngõ quan trọng trong chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt với chỉ số là 6,81% trong năm 2017 và 7,08% trong 8 tháng đầu năm - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện và làm đúng pháp luật để các doanh nghiệp FDI đầu tư tốt hơn. 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam cho thấy chỉ số tích cực về sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

Cũng theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế. Thêm vào đó, môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị - xã hội ở một số nước rơi vào bất ổn.

Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát... Và với lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong khối ASEAN, đến nay Việt Nam vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ, trong khi một số nước bắt đầu đánh mất lợi thế này của mình. Chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam còn là thành viên của WTO, tham gia ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định CPTPP đang được phê chuẩn, tiếp theo sẽ là hiệp định FTA với EU và RCEP.

Thủ tướng chia sẻ: “Có thể nói, giờ đây khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất. Đồng thời, Việt Nam có vị trí địa chiến lược tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Chúng tôi hiểu rằng khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, các doanh nghiệp phải phấn đấu cao hơn, sáng tạo mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách trong khu vực, đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thắng lợi của các bạn chính là thắng lợi của Chính phủ".

Ấn tượng của WEF tại Việt Nam

Bày tỏ quan điểm và những nhận định của mình về Việt Nam khi tới tham dự VBS, Chủ tịch WEF – ông Borge Brendecho biết, ông rất trân trọng và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong suốt những năm vừa qua.

Không những thế, ông cũng rất lạc quan về việc Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong tương lai, nhờ việc chủ động trong nắm bắt công nghệ, đề ra những chính sách phù hợp để tận dụng và phát huy cơ hội trong thời đại 4.0.

Tại VBS, Chủ tịch WEF rất lạc quan về việc Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong tương lai, nhờ việc chủ động trong nắm bắt công nghệTại VBS, Chủ tịch WEF rất lạc quan về việc Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong tương lai, nhờ việc chủ động trong nắm bắt công nghệ

Ông cho rằng, "Tám năm qua kể từ khi Việt Nam đăng cai tổ chức WEF Đông Á 2010, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển tuyệt vời khi chỉ số GDP tăng gần gấp đôi, giá trị xuất khẩu tăng gần gấp 3 lần, giá trị chứng khoán tăng gấp 2 lần. Việc đề ra những chính sách xã hội và việc làm của Việt Nam đã giúp cắt giảm tỉ lệ đói nghèo hiệu quả, từ 50% trong năm 1992 xuống còn 3% trong năm 2018.

Việt Nam là một điển hình cho các quốc gia ASEAN trong việc đẩy lùi đói nghèo. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng, không hề tự mãn, luôn nỗ lực cải cách và thay đổi để đảm bảo không bị tụt lại phía sau và tăng trưởng trong tương lai".

Nói về việc vượt qua các thách thức, ông Borge Brende cho hay, các chính phủ trên thế giới đang phải đối mặt với mức tăng cao của nợ công và yếu điểm trong hệ thống tài chính trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, Việt Nam đã thực sự có những biện pháp tốt để giảm nợ công, nợ xấu phù hợp, đảm bảo tính bền vững. Ông Borge Brende cũng bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ mở cửa thị trường hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh. Có thể những năm đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng WEF sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc đề ra các biện pháp tốt nhất để tiếp cận với nhiều thị trường lớn.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị VBS, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của Alphabeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

VBS 2018 được chia thành hai phiên quan trọng. Phiên đầu tiên với chủ đề: "Vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu" có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ tham dự vào cuộc đối thoại chuyên sâu về chủ đề này. Phiên thứ hai với chủ đề "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh" với sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.

Các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ cùng trao đổi về các chủ đề quan trọng như nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của công nghiệp 4.0; cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và phát triển, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư.

Bên cạnh đó, hai diễn giả nữ là bà Natasha Ansell, Tổng Giám đốc Citibank Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air cũng có cuộc trao đổi với các doanh nghiệp tham dự diễn đàn về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam. Tiềm năng nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án PPP là một trong những chủ đề chính được thảo luận.