Phố cổ Hội An (Quảng Nam) có nét văn hoá đặc trưng của cuộc sống đô thị hồi thế kỷ 16 – 17 ở xứ Đàng Trong với những ngôi nhà, phong tục, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc đại diện cho những tầng lớp thương gia phong kiến nơi phố Hội có những nét pha trộn du nhập nền văn hoá bang giao như của xứ sở Phù Tang, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc thì khi đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, họ lại được hoà mình, được chiêm ngưỡng một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp – nông thôn Việt Nam.

Làng cổ
Làng cổ Đường Lâm sở hữu gần 1.000 ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm

Nằm cách Hà Nội hơn 50km, Làng Cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, ngôi làng sở hữu tới 956 nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850... Được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với 5 gian, 2 chái. Gian giữa để thờ có bàn thờ, 2 bên được bày biện với sập gụ, tủ chè, bàn ghế tiếp khách thể hiện nề nếp gia phong của các cụ ngày xưa.

Nhà cổ
Cổng vào ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm 

Trong gần 1.000 căn nhà cổ ở Đường Lâm, có căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm vẫn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván. Ngôi nhà được xây dựng chính xác vào năm 1649. Với diện tích 100m2, trải qua gần 400 năm nhưng thật đặc biệt, ngôi nhà ngói năm gian này vẫn trường tồn, vẫn là nơi ở và nơi sinh sống của thế hệ thứ 12 của gia đình.

Nhà cổ
Mái nhà lợp ngói, võng xuống theo hình cánh diều 

Được xây cất bằng các loại vật liệu truyền thống của Đường Lâm là đá ong xây tường, ngôi nhà còn dùng thêm chất liệu gỗ làm cột, vì kèo. Những vật liệu này khiến ngôi nhà mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Với năm gian lợp ngói, có tất cả 30 cột gỗ bố trí theo 5 hàng và được kê trên chân đá xanh chắc chắc tạo nên sự vững chắc. Mái nhà lợp ngói, võng xuống theo hình cánh diều. Những người thợ Việt xưa  với bàn tay tài hoa cũng không quên chạm khắc công phu, tỉ mỉ nhiều hoa văn giản dị nhưng mềm mại trên nhiều phần chất liệu gỗ của căn nhà tạo nên sự duyên dáng cho căn nhà thuần Việt.

Nhà cổ
Những ngôi nhà với lối kiến trúc thuần Việt

Các chi tiết làm nên" linh hồn" của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên. Cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà là một đồ gia bảo, là lịch sử, văn hoá và cũng là nơi thờ tự thiêng liêng của mỗi dòng họ.

Làng cổ
Vật liệu chính tạo nên điều đặc biệt cho những ngôi nhà chính là đá ong

Đá ong là vật liệu có sẵn tại địa phương do quá trình latêrit hoá tạo nên. Đá ong khi chưa thành khuôn gạch thì mềm dẻo nhưng đẽo lên rồi càng để càng cứng. Không thể xoá được hình ảnh của làng chừng nào từng viên đá ong còn được dựng nhà. Từ xưa đến nay, đá ong ở đây vẫn là thứ sẵn có nhưng nó lại là vật liệu quý để xây dựng nên các công trình trong làng. Đặc tính của loại đá này là càng để lâu càng tốt, khi xây không tốn nhiều công trát, song vẫn đảm bảo cho khối tường dày, đủ làm mát nhà khi trời nóng, đủ sưởi ấm nhà khi trời lạnh.

Làng cổ
Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm

Trọng tâm của làng cổ Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ. Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu rồng toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải. Đình Mông Phụ được xây dựng vào năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông). Ngôi đình này mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Mường với những nét chạm khắc tinh tế có một không hai.

Đình làng
Trọng tâm của làng cổ Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ.

Hiếm có ngôi làng nào ở xứ Đoài lại nhiều giếng như Đường Lâm. Tại đây, những chiếc giếng công cộng thường được đặt ở giữa các xóm để người dân thuận tiện qua lại như giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Giang... Có tuổi đời 4 thế kỷ, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.

Giếng cổ
Giếng cổ làng Mông Phụ, Đường Lâm

Cùng với các di tích nổi tiếng tại ngôi làng cổ Đường Lâm, chùa Mía đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách tham quan. Với lịch sử lâu đời cùng đường nét kiến trúc độc đáo, chùa Mía không chỉ là một điểm sáng về văn hóa tâm linh mà còn là một nốt nhấn đặc biệt về nghệ thuật ở nơi xứ Đoài mây trắng.

Chùa Mía
Chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính.

Điểm đặc biệt ở nơi đây là một hệ thống tượng Phật không chỉ đặc sắc về hình dáng mà còn phong phú về số lượng. Ở đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng. Từ cử chỉ của ngón tay đến cách nhìn của khóe mắt, đều cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo phi phàm nhưng đầy từ bi hỉ xả.

Chùa Mía
Chùa Mía nơi lưu giữ hàng trăm pho tượng Phật cổ

Chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính. Đến nay, người Đường Lâm vẫn truyền tai nhau những câu chuyện đậm nét huyền bí về ngôi cổ tự này. Họ tin rằng, mọi lời cầu nguyện tại đây đều được linh ứng. Theo các bậc cao niên ở đây, năm 1945, khi đê sông Hồng bị vỡ khiến cả vùng Sơn Tây ngập trong biển nước nhưng thật kỳ lạ, nước lũ đã không thể xâm phạm đến khu vực chùa Mía và cuộc sống của dân làng cũng không bị xáo trộn. Người xứ Đoài cho rằng, thần linh chùa Mía đã che chở cho họ thoát khỏi sự tàn phá của thủy thần.

Chùa Mía
Chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính. Họ tin rằng, mọi lời cầu nguyện tại đây đều được linh ứng.

Ở Đường Lâm ngoài việc nơi này là một làng cổ nổi tiếng khắp cả nước thì nghề làm tương cũng là một đặc sản. Nổi tiếng chẳng kém gì làng Cự Đà, làng Bần, món tương ở Đường Lâm gần như nhà nào cũng có, được làm từ ngô, đỗ, hoặc gạo nếp ủ trong những chiếc chum sành với mùi thơm nức mũi.  Đến đây, sau khi đi thăm thú làng cổ, bạn nên thưởng thức những bữa ăn dân giã với rau muống chấm tương để thấy được tương ở Đường lâm ngon nhường nào.

Tương bần

Tương Đường Lâm
Ở Đường Lâm ngoài việc nơi này là một làng cổ nổi tiếng khắp cả nước thì nghề làm tương cũng là một đặc sản.

Rất nhiều nhà cổ trong làng vẫn còn giữ được nghề làm kẹo dồi, chè lam. Khi khách vào thăm nhà rất dễ dàng bắt gặp cảnh người nhà đang nấu kẹo chè lam hoặc đang cắt kẹo mời khách thưởng thức cùng với chén trà xanh.

Kẹo
Đến Đường Lâm bạn còn được thưởng thức món chè lam thơm lừng
Kẹo dồi
Và món kẹo dồi giòn tan thơm mùi lạc