Điều này được cho là không bình thường, bởi từ tháng 4/2019 đã dự kiến việc kiểm tra vào tháng 6/2019. Ngược dòng thời gian, đây không phải là lần đầu tiên EU dời đợt kiểm tra, xem xét thẻ vàng. Ngày 23/10/2017, EU đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp.

Theo lộ trình, trong tháng 1/2019, nhóm chuyên gia kỹ thuật của EU sẽ sang VN để đánh giá lại việc tuân thủ các quy định IUU của Việt Nam. Tuy nhiên lộ trình này đã được dời lại vì cuối năm 2018 vừa có một đoàn sang và một lý do quan trọng hơn là luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật này được xây dựng dựa trên một số khuyến nghị của EU để xây dựng nghề cá bền vững. Chính vì vậy EU cần thêm thời gian để xem việc áp dụng các quy định của luật vào thực tế như thế nào. Tiếp đó có thông tin dời đợt kiểm tra sang tháng 4/2019, rồi tháng 6/2019, và đến nay tiếp tục dờì mốc thời gian đến tháng 11/2019.

Hiện nay, xuất khẩu thủy sản nước ta sang EU đang trong thời gian bị thẻ vàng. Có nghĩa là,  100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam mất thời gian và tốn thêm chi phí, gây ra hệ lụy tới đối tác khách hàng. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000 - 10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng). Tệ hại hơn, nếu đợt kiểm tra vào tháng 11 tới, không có cải thiện theo đánh giá của EC, Việt Nam có thể bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường này.

Nhưng vì sao EC lại nhiều lần dời mốc xem xét lại thẻ vàng cho Việt Nam. Thông tin từ VASEP cho biết, việc thay đổi thời gian xem xét "thẻ vàng" hải sản Việt Nam như nêu trên đã có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong nước với phía EU. Việc dời mốc này sẽ giúp Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có thêm thời gian chuẩn bị.

Trước đó, EC cũng thể hiện thiện chí của mình trong việc giúp Việt Nam khắc phục “thẻ vàng” khi đưa ra các điều kiện, khuyến nghị để Việt Nam khắc phục. Cụ thể, các khuyến nghị của EU liên quan đến các vấn đề tàu đánh bắt bất hợp pháp, rồi theo dõi số lượng các thứ…

Sau khi bị thẻ vàng, đã có ít nhất 62 doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, chỉ nhập khẩu hải sản được khai thác hợp pháp, tức không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định hay khai thác bằng ngư cụ bị cấm…

Nhưng vì cảnh báo của EU liên quan đến vấn đề khai thác, đánh bắt, chứ không phải chế biến nên việc doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản cam kết chống khai thác IUU chỉ là một động thái tích cực thể hiện quan điểm, cam kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chứ không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Để EC rút lại thẻ vàng, điều cốt lõi là các khuyến nghị của EC liên quan đến các vấn đề về tàu đánh bắt bất hợp pháp; theo dõi số lượng; truy xuất nguồn gốc; quản lý nguyên liệu hải sản nhập khẩu… được cải thiện đã đủ đến mức để EC “gật đầu” hay chưa, điều chỉ có thể biết sau đợt kiểm tra vào tháng 11 tới.

Hành vi bị coi là đánh bắt IUU

- Đánh bắt một loài cá trong danh mục nguy cấp quý hiếm

- Đánh bắt cá quá nhỏ.

- Đánh bắt cá vào thời gian sinh sản, tại khu vực sinh sản

- Đánh bắt mà sử dụng ngư cụ không đúng tiêu chuẩn, khiến loài sinh vật biển khác thuộc diện nguy cấp, quý hiếm bị mắc vào lưới

- Cá đánh bắt hợp pháp, nhưng không được khai báo, không có hồ sơ chứng nhận cá đó là hợp pháp.

- Tàu cá không có cờ, không đăng ký, không được gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc đã từng bị liệt vào danh sách đen