Vì sao giá dầu thô vẫn tăng mạnh ngay cả khi OPEC+ quyết định nâng sản lượng khai thác?

Giá dầu thô đã bật tăng mạnh hơn 3% trong ngày 1/4 lên sát mức 65 USD/thùng ngay sau khi liên minh OPEC+ quyết định nâng sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5 tới đây.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 8/3 đến 2/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng mạnh 3,4% tương ứng 2,12 USD lên 64,86 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 3,9% tương ứng 2,29 USD lên 61,45 USD/thùng.

Giá dầu thô bật tăng mạnh sau khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu quyết định sẽ dần nâng sản lượng khai thác trở lại trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2021.

Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết liên minh OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác thêm 350.000 thùng trong tháng 5, 350.000 thùng trong tháng 6 và nâng thêm 441.000 thùng trong tháng 7/2021. Như vậy, tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong tháng 5/2021 sẽ chỉ ở khoảng 6,5 triệu thùng/ngày.

Giới phân tích nhận định giá dầu thô bật tăng mạnh bất chấp việc nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên trong thời gian tới chủ yếu do liên minh OPEC+ đã đưa ra một lộ trình nâng sản lượng rõ ràng từ nay đến giữa năm 2021, thay vì bắt thị trường phải chờ đợi quyết định điều hành sản lượng mỗi tháng như những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ chỉ nâng dần sản lượng khai thác qua mỗi tháng thay vì đột ngột nâng sản lượng khai thác ở mức cao. Điều này giúp ngăn chặn những đợt biến động mạnh về giá dầu xung quanh hoạt động khai thác dầu thô của liên minh OPEC+. Liên minh OPEC+ hiện nắm hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết ông kỳ vọng mức tồn trữ dầu thô toàn cầu sẽ giảm xuống mức thông thường như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra trong vòng 2 đến 3 tháng tới đây. Ông Alexander Novak dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng ở mức từ 5 – 5,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Tân Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ bà Jennifer Granholm đã có cuộc điện đàm với Hoàng tử Abdulaziz bin Salman về chính sách khai thác dầu thô của khối OPEC và cho biết giá dầu thô nên được giữ ở “mức chấp nhận được”, qua đó cho thấy Hoa Kỳ kỳ vọng khối OPEC sẽ nâng sản lượng khai thác ở mức cao hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út đã cho biết thị trường dầu mỏ còn “mất rất lâu” mới có thể phục hồi trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Hãng phân tích Wood Mackenzie (Hoa Kỳ) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ phục hồi mạnh trong quý 3 tới đây trong bối cảnh việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nước này được đẩy nhanh, mở ra triển vọng nhanh chóng tái mở cửa nền kinh tế.

Tại khu vực Châu Âu, Pháp đã buộc phải tái phong toả toàn quốc lần thứ 3 nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba. Nhiều quốc gia Châu Âu khác như Đức và Italy cũng đang chật vật đối phó với dịch bệnh khi số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục tăng.

Tuy nhiên, các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại hầu hết các quốc gia Châu Âu đã phục hồi tốt. Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động công nghiệp của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2021 đã có mức tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử.

Giá dầu thô cũng được nâng đỡ nhờ thông tin về gói phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 2.000 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden công bố vào ngày 31/3.

Quang Đặng