Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài được Quốc hội phê duyệt cho các bộ, ngành và địa phương năm 2018 là 60.000 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao gần 55.000 tỷ đồng. Số liệu tổng hợp trên Hệ thống Giám sát đầu tư công quốc gia cho thấy, đến hết quý III/2018, tỷ lệ giải ngân chưa đạt 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Những thay đổi gần đây về mặt thể chế nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài cho đầu tư phát triển, trong đó ngoài quy định việc các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97 ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay nước ngoài, Nghị định 132 ngày 1/10/2018 về quản lý và sử dụng ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi… Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thành chuẩn bị để kịp thời đàm phán 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) trong  năm tài khóa 2018 nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tiến độ giải ngân còn chậm. Vì các khoản vay nước ngoài nằm ở cả trung ương và địa phương, do đó để lý giải được tình trạng giải ngân chậm thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là từng bộ, ngành, địa phương nêu rõ nguyên nhân, do cơ chế chính sách? do khách quan? do nguyên nhân chủ quan của từng bộ, ngành và địa phương?

Báo cáo cập nhật của các bộ, ngành và địa phương cho thấy đến thời điểm này, nhiều địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thậm chí còn có thể hấp thụ thêm vốn do khối lượng thực hiện cao hơn so với kế hoạch vốn được giao, điển hình là Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Y tế và một số địa phương còn tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân kéo dài.

cau nhat tan
Cầu Nhật Tân, một công trình sử dụng vốn vay của Nhật Bản

 

Điều đáng quan tâm là các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, do đó nguồn vốn đầu tư được bảo đảm, vấn đề còn lại nằm ở chỗ có đủ sức tập trung triển khai để các dự án nhanh chóng mang lại lợi ích thiết thực hay không. Một vấn đề khác là các cơ quan chủ quản dự án phải rà soát kỹ lưỡng, đôn đốc thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay phải trả lãi suất này. Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương phải xác định rõ đâu là nguyên nhân chủ quan để tập trung khắc phục, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng; tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng dự án giải ngân nhanh thì thiếu vốn trong khi vốn được giao bị ách tắc trong các dự án thực hiện chậm.

Cũng có thể xử lý cấp bách bằng cách yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất phướng án xử lý theo hướng điều chuyển nhanh hơn nguồn vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án triển khai tốt, giải ngân nhanh. Hiện nay, một số bộ, ngành địa phương đã đưa ra đề xuất về phương án sử dụng dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành và địa phương làm vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Đối với các dự án không có khả năng thực hiện, các Bộ, ngành liên quan phải có báo cáo rõ để có phương án xử lý tiếp theo. Vừa qua Chính phủ đã dừng một số dự án do không bảo đảm về thời gian và hiệu quả sử dụng vốn.