Vì sao thị trường Ấn Độ và Pakistan được lựa chọn cho xuất khẩu trái thanh long

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu thanh long Việt Nam qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ấn Độ và Pakistan...

Bên lề Hội nghị giao thương trực tuyến “Thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021”, Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ nhanh liên quan đến việc lựa chọn, thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang hai thị trường Ấn Độ và Pakistan.

xuất khẩu thanh long việt nam
Cục trưởng Vũ Bá Phú chia sẻ lý do lựa chọn thị trường Ấn Độ và Pakistan để thúc đẩy xuất khẩu quả thanh long Việt Nam

Phóng viên: Thưa ông, tại sao lần này chúng ta lựa chọn thị trường Ấn Độ và Pakistan?

Cục trưởng Vũ Bá Phú: Thanh long được xếp vào loại cây trồng có giá trị cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Hiện nay, thanh long Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn trong năm 2021, tăng khoảng 10% so với vụ mùa năm 2020.

Trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp nhiều khó khăn.

Việc xuất khẩu chủ yếu qua thị trường truyền thống Trung Quốc thời gian qua cũng cho thấy rất rõ nhiều bất cập, nhất là mỗi khi một số cửa khẩu đường bộ tạm ngưng thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nên trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tiệm cận với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Sở dĩ chúng tôi chọn Ấn Độ và Pakistan để tổ chức hội nghị giao thương cho trái thanh long Việt Nam là vì Ấn Độ là thị trường đông dân, với trên 1,36 tỷ người, có dung lượng tiêu thụ lớn, được Bộ Công Thương đánh giá khá tiềm năng để phát triển xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Bên cạnh Ấn Độ, Pakistan dù là thị trường nhỏ, chưa nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam nhưng có thể có những hướng thị trường ngách cho các sản phẩm chế biến từ thanh long.

Phóng viên:  Cục Xúc tiến thương mại sẽ có những hoạt động gì hỗ trợ các doanh nghiệp xuất thanh long sang 2 thị trường này?

Cục trưởng Vũ Bá Phú: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong bối cánh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hội nghị giao thương để hỗ trợ tiêu thụ cho nông sản vào vụ thu hoạch. Điển hình vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức thành công chương trình kết nối giao thương cho quả vải của Hải Dương và Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, Sơn La…

Đối với quả thanh long, ngay tại Hội nghị này, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thanh long của Việt Nam hỏi đáp trực tuyến với các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Pakistan để nắm bắt được thông tin thị trường cũng như những quy định đối với mặt hàng thanh long tại các nước sở tại.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam sẽ có cơ hội giao thương trực tuyến với các nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối thanh long của Ấn Độ và Pakistan. Thông qua những phiên giao thương này, doanh nghiệp Việt Nam có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như trao đổi, đàm phán, thiết lập quan hệ đối tác, hướng tới hợp tác, ký kết hợp đồng kinh doanh.

Phóng viên: Với 2 thị trường này, Cục xúc tiến thương mại có lưu ý gì tới các doanh nghiệp và người trồng?

Cục trưởng Vũ Bá Phú: Yêu cầu của thị trường Ấn Độ không quá cao về chất lượng và tiêu chuẩn, tuy nhiên, yêu cầu về giá là rất quan trọng do thu nhập bình quân đầu người của người dân Ấn Độ còn thấp hơn so với Việt Nam và giá cả hoa quả nội địa của Ấn Độ rất thấp do chính sách hỗ trợ của chính phủ và năng suất khá cao.

Vì vậy, sản phẩm trái cây nhập khẩu vào Ấn Độ thường nhắm đến phân khúc có thu nhập trung bình trở lên và những sản phẩm mà Ấn Độ không/chưa sản xuất được hoặc chất lượng thấp hơn.

xuất khẩu thanh long việt nam
Để phát triển xuất khẩu thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long sang Ấn Độ và Pakistan, các địa phương và doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý phát triển các vùng trồng chất lượng cao đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của thị trường

Thị trường Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam: Từ các mặt hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao.

Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động.

Do thu nhập bình quân theo đầu người của Pakistan chưa cao nên khi xuất khẩu thanh long nói riêng và hàng hóa nói chung sang thị trường này yếu tố giá cả cần được chú trọng.

Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối các khách hàng nhập khẩu triển vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Hạ An