Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam: Tự chủ - Sáng tạo

Ngày 02/12/2015, tại Hà Nội, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất.

Với việc ứng dụng triển khai KHCN vào sản xuất kinh doanh - dịch vụ, Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam đã gắn kết chặt chẽ thực tiễn sản xuất công nghiệp và đời sống, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Phòng thí nghiệm của Viện

Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam có tiền thân là Phòng Thí nghiệm thuộc Sở Mỏ Đông Dương được thành lập năm 1955, sau được đổi tên thành Viện Hóa học Công nghiệp. Năm 2007, Viện Hóa học công nghiệp được chuyển đổi thành tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động theo mô hình tự trang trải, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, lấy tên là Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam.

Đổi mới cơ bản cả lượng và chất

Với việc kế thừa những thành tựu hoạt động KHCN đã đạt được từ nhiều năm trước kết hợp phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, trong giai đoạn 2014-2015 hoạt động KHCN của Viện đã có những bước đổi mới cơ bản cả về lượng lẫn về chất. Bên cạnh những công trình nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng, phần lớn các công trình nghiên cứu của Viện đều tập trung theo định hướng của các chương trình, đề án KHCN trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực: công nghệ hóa dầu, công nghệ hóa dược, công nghệ khai thác chế biến khoáng sản, công nghệ phân bón, công nghệ vật liệu mới, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu nano, công nghệ xử lý môi trường…

Ngoài ra, theo yêu cầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Viện tập trung nghiên cứu với các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn nhằm cải tiến, hợp lý hóa công nghệ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước tạo ra các sản phẩm có chất lượng tương đương, giá thành thấp để thay thế hàng nhập ngoại; tư vấn cho các đơn vị trong việc lựa chọn công nghệ, nguyên vật liệu, sản phẩm…

Giai đoạn 2010-2014, Viện đã tham gia thuyết minh đề xuất nhiệm vụ, dự tuyển đấu thầu thực hiện nhiệm vụ và đã trúng thầu hoặc được lựa chọn, đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ và Tập đoàn với tổng kinh phí trong 4 năm đạt trên 110 tỷ đồng. Viện cũng đã và đang chủ trì 24 đề tài/dự án cấp Nhà nước trong đó 01 đề tài đã được nghiệm thu xuất sắc, 08 đề tài còn lại đã được nghiệm thu đạt loại Khá (02 đề tài Chương trình Hóa dược; 01 đề tài thuộc Chương trình Công nghiệp môi trường; 02 đề tài độc lập cấp Nhà nước giao trực tiếp; 01 Nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư ; 02 đề tài thuộc Đề án Nhiên liệu sinh học; 01 Đề tài độc lập cấp Nhà nước giao trực tiếp). Hiện tại Viện đã và đang chủ trì gần 50 đề tài cấp Bộ và 60 đề tài cấp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; phần nhiều các đề tài đều có tính ứng dụng cao…

Gắn kết nghiên cứu với ứng dụng

Quan trọng hơn, nhiều kết quả nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn như: Sản phẩm thuốc tuyển quặng Apatit VH-2000 cung cấp cho Công ty CP Apatit Việt Nam từ năm 2002 đến nay, thay thế cho 60-70% lượng thuốc tuyển nhập khẩu với giá bán cạnh tranh; Sản phẩm chất chống kết khối cho phân bón (phân đạm ure, phân hỗn hợp NPK, phân phức hợp DAP) được cung cấp cho các cơ sở sản xuất trong nước thay thế hoàn toàn hóa chất nhập khẩu với chất lượng tương đương và giá bán cạnh tranh, chỉ bẳng 60-70% hóa chất cùng loại của nước ngoài…

Với mức độ tăng trưởng bình quân 15-20%/năm, hoạt động ứng dụng triển khai KHCN vào sản xuất kinh doanh – dịch vụ đã chứng minh rằng công tác nghiên cứu KHCN của Viện đã thực sự gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất công nghiệp và đời sống, các đề tài nghiên cứu được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất và góp phần phục vụ sản xuất.

Để có được kết quả trên, những năm qua, Viện luôn luôn chú trọng trong công tác đầu tư phát triển và chống xuống cấp nhằm tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu triển khai và cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường và an toàn lao động, PCCN. Trong 5 năm qua (2011-2014), kinh phí dành cho việc đầu tư, xây lắp, mua sắm trang thiết bị nghiên cứu, cỉa tạo hạ tầng chống xuống cấp tại Viện là 25,8 tỷ đồng, phần lớn được trích từ hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh - dịch vụ.

Về mô hình hoạt động, Viện đã sớm xây dựng định hướng tự chủ, tự trang trải từ trước năm 2000 nên trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010, mặc dù chỉ được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng bằng hiệu quả hoạt động triển khai, Viện đã hoàn toàn tự chủ được kinh phí hoạt động hàng năm. Rất nhiều sản phẩm chủ lực xuất phát từ các đề tài nghiên cứu đã được triển khai vào sản xuất kinh doanh tại Viện, tạo ra doanh thu, việc làm và thu nhập cho người lao động. Viện luôn tạo dựng được các ý tưởng khoa học hoặc các sản phẩm gối đầu cho các năm sau; tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững.

Đặc biệt, về tư duy khoa học, cán bộ nghiên cứu trong Viện luôn bám sát nhu cầu thực tiễn của các cơ sở sản xuất trong và ngoài Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như định hướng phát triển khoa học công nghệ của Nhà Nước thông qua các chương trình, đề án KHCN trọng điểm, từ đó đề xuất các nhiệm vụ có tính ứng dụng cao; việc nghiên cứu triển khai luôn được cơ sở sản xuất chấp thuận và phối hợp thực hiện

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động, Viện đã đẩy mạnh công tác đào tạo và hợp tác quốc tế như: Ký kết được thoả ước hợp tác về hoá học và công nghệ dầu mỏ với Pháp. Theo nội dung hợp tác đó, phía Pháp sẽ tư vấn cho Viện sửa sang các phòng thí nghiệm, lựa chọn trang thiết bị phù hợp, đào tạo nhân lực; Hợp tác với Canada về phát triển và thiết kế một số chất xúc tác chính cho công nghiệp lọc và hóa dầu; Ký kết các thỏa thuận chung với Cộng hoà Liên bang Đức; Hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu, xây dựng, phát triển hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại Việt Nam.

Việc hợp tác quốc tế với các nước có trình độ công nghệ KHKT tiên tiến mở ra hướng phát triển mới cho lực lượng cán bộ trẻ tiếp cận với tiến bộ KHKT trên thế giới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song nhờ tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, tập thể CBCNV Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng triển khai KHCN vào thực tiễn. Thành tích của Viện có ảnh hưởng lớn và góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định về việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

Nhân dịp này, ông Hoàng Văn Hoan - Viện trưởng; ông Hoàng Văn Tuấn - Phó Viện trưởng; bà Vũ Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.


Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam




Ba cá nhân của Viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

Hiện nay, Viện có một đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản gần 250 người. Trong đó có khoảng 60 người là phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ; 130 người có trình độ đại học, số còn lại là kỹ thuật viên hoặc công nhân kỹ thuật lành nghề.


Trần Bản