Việt Nam Ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định 1189/QĐ-TTg, ngày 05/8/2020 Ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Theo đó, các nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch thực hiện Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

văn kiện Lahay
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Văn kiện gia nhập cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Ảnh: Bộ KH&CN

 

1. Thực hiện các tuyên bố và áp dụng trực tiếp Thỏa ước La Hay

a) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập Thỏa ước La Hay.

b) Tổ chức áp dụng trực tiếp các quy định của Thỏa ước La Hay theo Văn kiện 1999, trừ các quy định nêu trong tuyên bố của Việt Nam.

2. Công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đảm bảo phù hợp với Thỏa ước La Hay nhằm nội luật hóa các quy định, rút dần các tuyên bố của Việt Nam đã nộp theo văn kiện gia nhập.

3. Công tác thực hiện việc tiếp nhận và xử lý đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp

a) Đối với đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp có nguồn gốc Việt Nam, xây dựng quy định về đơn, việc tiếp nhận đơn, chuyển đơn và các quy định liên quan khác.

b) Đối với đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam, xây dựng các quy định về việc tiếp nhận đơn, xử lý đơn và các quy định liên quan khác.

4. Công tác chuẩn bị nguồn lực cho Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Xây dựng hệ thống phần mềm tại Cục Sở hữu trí tuệ phục vụ cho công việc xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp bao gồm cơ sở dữ liệu đơn quốc tế, chương trình tiếp nhận đơn, chương trình cập nhật dữ liệu, chương trình tra cứu, chương trình quản trị và xử lý đơn,...

b) Thiết lập hệ thống phần cứng tại Cục Sở hữu trí tuệ phục vụ cho công việc xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp bao gồm hệ thống máy tính, máy in, máy quét chất lượng cao, hệ thống đường truyền Internet có tốc độ cao, ổn định.

c) Tổ chức, xây dựng, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý đơn quốc tế kiểu dáng công nghiệp; phổ biến, cập nhật thông tin thường xuyên đến các cán bộ thuộc các bộ phận liên quan khác để hỗ trợ việc thực hiện Thỏa ước một cách hiệu quả.

5. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Thỏa ước La Hay

a) Tăng cường phổ biến về Thỏa ước La Hay cho các đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, công chúng nói chung trên phạm vi toàn quốc thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung của Thỏa ước và những lợi ích có thể nhận được từ việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước; đặc biệt quan tâm đến phổ biến kiến thức cho các đại diện sở hữu công nghiệp.

b) Biên soạn và xuất bản tài liệu hướng dẫn (sách hướng dẫn, tờ rơi, website, ấn phẩm, băng đĩa,...) bao gồm các nội dung liên quan đến lợi ích của việc tham gia Hệ thống La Hay và những hướng dẫn cụ thể liên quan đến quy trình thủ tục nộp và xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng như những điểm cần lưu ý khi sử dụng Hệ thống này.

c) Xây dựng các chương trình đào tạo và biên soạn các giáo trình chính thống về sở hữu trí tuệ cho các nhóm đối tượng học viên khác nhau trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

d) Về lâu dài, xây dựng trang tin điện tử giới thiệu chi tiết về Hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp để mọi đối tượng quan tâm có thể học tập, trao đổi, cập nhật và theo dõi các xu hướng phát triển trên thế giới.

6. Hợp tác quốc tế

Triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác quốc tế, đặc biệt là WIPO, để hỗ trợ việc thực hiện Thỏa ước La Hay tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Ngày 01/10/2019, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry.

Với việc tham gia Văn kiện Geneva 1999, Việt Nam sẽ chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu ảnh hưởng từ các Văn kiện còn lại. Ngoài ra, Việt Nam có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Liên minh La Hay quy định chung cho các văn kiện của Thỏa ước.

PV