Việt Nam cần làm gì để cải thiện chỉ số mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai?

Để cải thiện thứ hạng của các nhóm tiêu chí này, không chỉ liên quan đến ngành KH&CN, công nghệ sản xuất mà cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh.

Năm 2018 ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp cho đến từng người dân, qua đó góp phần tăng cường tiềm lực khoa học của đất nước khi Việt Nam có 8.393 công trình công bố khoa học quốc tế so với 6.202 công trình của năm 2010; chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng điểm từ thứ 47 lên thứ 45 trên thế giới; hơn 50% doanh nghiệp đánh giá công tác kiểm tra chuyên ngành, do Bộ KH&CN làm đầu mối, có tiến bộ rõ rệt…

Song thế vẫn chưa đủ, bởi nhìn trên tổng thể Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn thuộc nhóm quốc gia “non trẻ” gồm 58/100 quốc gia, đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81/100 và 75/100; xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo (Technology& Innovation), trong đó, hạng 92/100 về công nghệ nền (Technology Platform), hạng 77/100 về năng lực sáng tạo. Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp sau Malaysia (xếp hạng thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Trong 8 nhóm tiêu chí đánh giá của WEF có 2 nhóm thuộc về hạ tầng sản xuất truyền thống, 6 nhóm còn lại thuộc về động lực cho nền sản xuất tương lai thì có 2 nhóm liên quan đến KH&CN và nhân lực trình độ cao, Việt Nam đứng thứ 90/100.

Để cải thiện thứ hạng của các nhóm tiêu chí này, không chỉ liên quan đến ngành KH&CN, công nghệ sản xuất mà cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngay trong nghị quyết 02 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH&CN được chỉ định là đầu mối để hướng dẫn một số tiêu chỉ số về đổi mới sáng tạo, sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai…

Trên thực tế, năm 2018 vừa qua đã phát đi một tín hiệu đáng mừng là xuất hiện nhiều viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân. Trong tương lai, có thể có các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ chủ yếu từ khối doanh nghiệp tư nhân. Điều quan trọng là Bộ KH&CN sẽ đưa ra những chính sách khuyến khích nào để kết nối các viện nghiên cứu của doanh nghiệp tư nhân với các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, trong trường ĐH một cách bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu KH&CN? Đó là câu hỏi lớn nhằm hướng tới cải thiện chỉ số mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai

Cùng với đó, những sản phẩm mang hàm lượng KH&CN cao của doanh nghiệp cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế bình đẳng như các cơ sở nghiên cứu của các viện, trường như hiện nay. Bởi lẽ, mục tiêu cao nhất của các cơ quan quản lý  là khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam có hàm lượng KH&CN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới.

25 quốc gia dẫn đầu về chỉ số mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan, Singapore, Slovenia, Tây Ban Nha.