Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động

Năm 2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng 19,5% và 169,5% so với năm 2017.

Hãng kiểm toán PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh duy trì 10%. Tỉ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán 11,57%, giảm 14,02% so với năm 2010. 

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng. Số lượng thẻ đến tháng 9 năm 2018 đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy. 

Theo các chuyên gia, chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán được cải thiện là do nhiều đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như áp dụng xác thực sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt...), QR code, số hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment), sử dụng điện thoại thông minh làm thiết bị chấp nhận thanh toán (mPOS)… Những công nghệ, giải pháp mới này đã nâng cao độ an toàn, bảo mật giao dịch và đem lại sự tiện lợi, giảm chi phí, được người tiêu dùng và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ đón nhận tích cực.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm những mô hình thanh toán mới, buộc các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), ngành Ngân hàng sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu như đã đặt ra.

"Có thể coi đây là giai đoạn nước rút, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để vừa thực hiện thành công đề án, vừa bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc thực thi chiến lược này cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Banking Vietnam 2019 sẽ là diễn đàn thảo luận chuyên sâu, nhằm tìm kiếm những giải pháp công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam hiện nay để giải quyết n`hững vấn đề này", bà Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm cả trong lĩnh vực dịch vụ công. Các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ được triển khai gấp rút cùng với thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ công, bảo đảm kết nối với Cổng dịch vụ quốc gia và hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để các tổ chức, cá nhân có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Theo Doanh nhân Việt