Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn ở ASEAN cho đầu tư tư nhân

Hãng kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton cho rằng Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á đối với dòng đầu tư tư nhân (PE).

Thị trường Việt Nam năm 2018 ghi nhận 38 thương vụ đầu tư vốn tư nhân với tổng vốn hơn 1,6 tỷ USD; chỉ xếp sau Singapore và bám đuổi “sát nút” Indonesia tại Đông Nam Á. Đáng chú ý, có tới 27/38 thương vụ là rót tiền vào các start-up, tăng 56% so với năm 2017.

Tăng mạnh cả về số lượng lẫn giá trị

Dựa theo số liệu từ Global M&A Review 2018 do nhà phân tích Bureau Van Dijk của Moody’s thực hiện, báo cáo mới được công bố của Hãng kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton cho rằng Việt Nam là một trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á đối với dòng đầu tư tư nhân (PE).

Theo đó, thị trường Việt Nam năm 2018 ghi nhận 38 thương vụ PE với tổng vốn hơn 1,6 tỷ USD, tăng 41% về số lượng và tăng gần gấp 3 lần về giá trị đầu tư. Như vậy, tại Đông Nam Á, dòng vốn PE chảy về Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và bám đuổi “sát nút” Indonesia.

Trong đó, các ngành công nghệ tiếp tục duy trì sức hút mạnh mẽ, nhất là thương mại điện tử và công nghệ tài chính khi chiếm tới 40% tổng số thương vụ. Cùng với đó là sự tham gia ngày càng lớn hơn của các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

Đáng chú ý, có tới 27/38 thương vụ là rót tiền vào các start-up, tăng 56% so với năm 2017.

Sức hấp dẫn với dòng PE vào Việt Nam trong 12 tháng tới cũng cho thấy công nghệ tài chính tiếp tục dẫn dắt thị trường, sau đó là giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thương mại điện tử và vận tải-giao nhận.

Dữ liệu được Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) chỉ ra tại Hội nghị Ngân hàng về số hóa mới đây cũng ghi nhận đang có khoảng 100 công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam và không ít trong số đó có sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng góp phần gia tăng nhu cầu với các phương tiện thanh toán điện tử. Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao thứ 3 thế giới. Ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Giá trị hàng hóa giao dịch trực tuyến của Việt Nam trên GDP cũng đạt 4% (vượt xa mức trung bình của ASEAN - 2,8%)…

Dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng kéo theo nhu cầu lớn hơn về giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam hiện chiếm 5,7% GDP (xếp thứ 29/126 quốc gia).

Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc sẽ hụt nguồn cung năng lượng để đáp ứng phát triển kinh tế xã hội vào khoảng năm 2020 cũng là động lực lớn cho các dòng vốn tư nhân đang tìm kiếm kênh đầu tư.

Ngoài ra, thu nhập người dân cao hơn cùng với sự cải thiện về dân trí đang khiến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe trở thành “nam châm” thu hút PE.

Nhân sự cao cấp chưa khó chung tiếng nói

Tuy là thị trường rất hấp dẫn cho dòng vốn tư nhân nhưng khảo sát của Grant Thornton cũng cho thấy những thách thức cố hữu để người mua có thể “xuống tiền”. Đó là doanh nghiệp (DN) được “hét giá” quá cao so với tiềm năng. Còn mức độ chấp nhận của bên bán về việc DN sẽ có thêm người đồng quản trị không lớn. Sự thiếu minh bạch thông tin của DN đang “rao bán” cũng như các vướng mắc và khó hiểu trong một số quy định và thủ tục đầu tư cũng khiến bên mua không thể đi tới chặng đường cuối cùng.

Trong khi đó, từ phía DN tư nhân đang “khát vốn”, khảo sát cũng cho thấy gọi vốn PE và phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) chỉ là lựa chọn xếp sau đi vay ngân hàng.

Vì sao như vậy?

Kết quả khảo sát đã lý giải rằng mâu thuẫn về chiến lược và tầm nhìn trong phát triển DN là cản trở lớn nhất giữa DN và nhà đầu tư. Tiếp đó là các khó khăn trong chia sẻ quyền lực, sự hà khắc trong các điều khoản ràng buộc để được nhận vốn như: Kết quả kinh doanh, cam kết về thời gian gắn bó của nhân sự chủ chốt, đòi hỏi quá mức trong công bố thông tin…

Tương tự, tới 92% nhà đầu tư cho rằng xây dựng đội ngũ lãnh đạo tài năng cho DN mình đang rót vốn là ưu tiên quan trọng nhất, sau đó mới là thực thi chính sách cải thiện hiệu quả hoạt động DN, chuyển đổi số cho DN… Trong khi đó, ông chủ DN tư nhân tại Việt Nam đa phần “lớn lên” từ các công ty gia đình với những thành viên sáng lập đồng thời cũng là nhà quản lý DN. Do đó, chuyện thay đổi lãnh đạo trong những DN như vậy là không hề đơn giản.

Có lẽ vì vậy nên chỉ có 15% các DN đã nhận vốn PE nói rằng “muốn nhà đầu tư hỗ trợ xây dựng chiến lược thương mại”. Thay vào đó, phần lớn “chủ cũ” chỉ kỳ vọng “chủ mới” giúp xây dựng đội ngũ bán hàng, tiếp thị và công nghệ số hiệu quả hơn.

Bởi đa số DN tư nhân cho hay rất tin tưởng vào hệ thống quản trị công ty, với hơn 80% cho rằng DN đang thực hiện tốt tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính minh bạch và chất lượng của hệ thống báo cáo thông tin tài chính lẫn phi tài chính. Tuy nhiên, bên lề Khảo sát trên của Grant Thornton, Báo cáo về Quản trị Công ty Việt Nam năm 2018 (Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam và Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam thực hiện) cho thấy năng lực quản trị công ty của DN Việt vẫn còn nhiều yếu kém, chỉ đạt 41,3 điểm, thua xa mức trung bình của ASEAN - đang là 71 điểm.

Có vẻ dù được đánh giá là điểm đến rất hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư tư nhân nhưng các thách thức để đôi bên mua-bán tìm được “tiếng nói chung” cũng không hề nhỏ. Cải thiện các thách thức này có lẽ sẽ đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trên bản đồ thu hút PE ở khu vực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá rằng đang có rất nhiều thuận lợi trong ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hội nhập quốc tế.