Dự án Phát triển năng lực Tổ chức Năng suất quốc gia về xây dựng năng lực đào tạo, đánh giá và chứng nhận chuyên gia năng suất (CBD) khởi động vào đúng thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới. Do đó, ngày 30/3/2020, VNPI đã phối hợp với Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tổ chức hội nghị trực tuyến khởi động Dự án về Phát triển năng lực Cơ quan chứng nhận chuyên gia cải tiến năng suất, nhằm nâng cao năng lực tư vấn, đào tạo cho các chuyên gia năng suất trong nước có đủ năng lực, được chứng nhận mang tầm khu vực và thế giới. Các chuyên gia hỗ trợ Dự án từ các nước Nhật Bản, Singapore và Malaysia cũng tham gia Hội nghị trực tuyến.

hội nghị trực tuyến vnpi
Các chuyên gia của VNPI tham gia khóa đào tạo diễn ra trực tuyến tại 4 điểm cầu: Việt Nam, Nhật Bản, Singapore và Malaysia

 

Để chuẩn bị cho Dự án này, VNPI đã phải rất nỗ lực để được APO công nhận là một tổ chức đang đi đầu trong phong trào năng suất quốc gia tại Việt Nam, thông qua các chương trình và hoạt động khác nhau bao gồm đào tạo về năng suất và chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng mạng lưới năng suất. Các hoạt động đánh giá và công nhận doanh nghiệp nỗ lực cải thiện năng suất qua các công cụ cải tiến. Gần đây nhất là Chương trình chứng nhận đai đen Lean Six Sigma. Những hoạt động này sẽ duy trì tăng trưởng năng suất quốc gia và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. “Với những nền tảng này, VNPI mong muốn phát triển năng lực để trở thành một tổ chức chứng nhận và vận hành theo chương trình chứng nhận APO với sự hỗ trợ của APO” – ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, Phụ trách VNPI cho biết.

Chương trình hỗ trợ của APO bao gồm đào tạo và tư vấn cho VNPI trong việc thiết lập cơ cấu tổ chức, hệ thống tài liệu và các quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu của APO đối với tổ chức chứng nhận chuyên gia cải tiến năng suất. Trong 5 ngày diễn ra hội nghị (30/3-3/4/2020), nhiều nội dung đã được các bên thảo luận như yêu cầu APO-AB 1003:2020 cho tổ chức chứng nhận cá nhân, APO-PS yêu cầu đối với chuyên gia cải tiến năng suất và tiêu chuẩn ISO/IEC 17024:2012 đối với tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công Thương, Tổng thư ký APO - Ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan cho biết, nhờ các nỗ lực trong thời gian qua, nên VNPI được đánh giá là tổ chức đi đầu trong phong trào năng suất quốc gia tại Việt Nam. Với mong muốn nâng cao năng lực và uy tín của VNPI tại các quốc gia thành viên của APO, nâng cao vai trò từ một nhà cung cấp đào tạo đơn thuần đến tổ chức chứng nhận, APO sẽ hỗ trợ để VNPI được công nhận là Tổ chức chứng nhận APO tại các quốc gia thành viên. “Chúng tôi hy vọng VNPI có thể được công nhận vào tháng 9 năm nay và có thể chứng nhận các chuyên gia năng suất địa phương tại Việt Nam, cũng như từ các quốc gia thành viên APO khác” - ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan nói. APO đồng thời cũng cam kết ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, trong đó có phát triển nguồn năng lực chuyên gia năng suất cho Việt Nam.

hội nghị trực tuyến vnpi
Tổng thư ký APO - Ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan (người ngồi bên trái) trả lời phỏng vấn trực tuyến

 

Cũng theo ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan, một chuyên gia năng suất có được Chứng nhận APO-VNPI, cũng đồng thời có được rất nhiều lợi thế như: Cải thiện triển vọng nghề nghiệp và kinh doanh; Sử dụng logo chứng nhận ủy quyền trên các tài liệu kinh doanh; Niêm yết trong sổ đăng ký trực tuyến công khai của VNPI; Kết nối với những người được chứng nhận khác trong mạng lưới chuyên gia năng suất; Cơ hội tham gia các nhiệm vụ, hội nghị quốc tế và các sự kiện khác của APO; Được cam kết liên tục cập nhật, phát triển chuyên môn.

Dự án sau khi triển khai hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao năng lực tư vấn, đào tạo cho các chuyên gia cải tiến năng suất trong nước, đồng thời phát triển mạng lưới chuyên gia cải tiến năng suất được đào tạo bài bản, có đầy đủ năng lực, tính tin cậy và được chứng nhận mang tầm khu vực và thế giới.

 

Tổ chức Năng suất Châu Á (APO)

APO là một tổ chức liên chính phủ cam kết cải thiện năng suất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Được thành lập vào năm 1961, APO đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực thông qua các dịch vụ tư vấn chính sách và nỗ lực xây dựng năng lực thể chế.

Hiện APO có 21 quốc gia thành viên, gồm: Bangladesh, Campuchia, Cộng hòa Trung Quốc, Fiji, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore , Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Các quốc gia này cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy năng suất của họ trên tinh thần hợp tác lẫn nhau bằng cách chia sẻ kiến ​​thức, thông tin và kinh nghiệm và phối hợp với APO thông qua các tổ chức năng suất quốc gia (NPO) được chỉ định.

Phát triển năng lực Tổ chức Năng suất quốc gia

Ngày 04/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia và yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong đó có dự CBD.