VINACHEM-PVN: Chia sẻ, hợp tác, biến nguy thành cơ

Liên quan đến chính sách về sản xuất kinh doanh phân bón, nhiều ý kiến cho rằng, hai Tập đoàn PVN và VINACHEM cần có tiếng nói chung để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp thành viên, cả về sản phẩm, thị trường tiêu thụ và cả chi phí vận chuyển...

Ngày 27/2/2020, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của cơ chế chính sách hiện hành về sản xuất, kinh doanh phân bón.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thời gian qua, các đơn vị sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm. Để bán được hàng, các đơn vị đều phải đưa ra các chính sách khác nhau để giành thị phần.

Một trong những chính sách áp dụng là cạnh tranh về giá dẫn tới giá bán của cả hai đơn vị bị giảm, giá bán buôn thấp và thậm chí thấp hơn cả đạm nhập khẩu, dẫn tới giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của cả hai Tập đoàn.

PVN và vinachem
Toàn cảnh buổi làm việc

Ví dụ cụ thể, đại diện Đạm Phú Mỹ, ông Lê Cự Tân Tổng Giám đốc cho biết, hiện nay có một thực tế, cùng loại phân bón nhưng các đơn vị của VINACHEM (có cơ sở phía Bắc) vận chuyển vào bán phía Nam và ngược lại, các đơn vị sản xuất phân bón của PVN (có cơ sở phía Nam) vận chuyển bán ra phía Bắc. Việc này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực xã hội nói chung và nguồn lực của 2 Tập đoàn.

Do vậy, ông Lê Cự Tân mong muốn, có sự hợp tác của cả hai bên với mục tiêu khai thác tối đa thị trường mà mỗi đơn vị có lợi thế.

“Về đại lý, hiện đang có sự đan xen nên cần trao đổi để tránh chồng chéo, trên cơ sở hài hòa lợi ích của hai bên”, Tổng Giám đốc Đạm Phú Mỹ đề xuất.

Cùng lo ngại về vấn đề này, ông Bùi Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đề xuất, Đạm Ninh Bình và Đạm Phú Mỹ có thể bao tiêu sản phẩm của nhau, hoặc phân vùng thị trường. Đạm Ninh Bình sẽ đàm phán lại với Đạm Phú Mỹ trong công tác tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở giá của thế giới.

Trả lời về đề xuất của Đạm Ninh Bình, ông Nguyễn Đức Ninh – Tổng Giám đốc Đạm Hà Bắc khẳng định, sẽ sử dụng sản phẩm và cung ứng lẫn nhau trong tiêu thụ đạm Phú Mỹ.

Trong khi đó, đại điện Đạm Cà Mau, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc cho rằng, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh phân bón, các doanh nghiệp của PVN cần chung tay với các doanh nghiệp của VINACHEM để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đại diện Đạm Cà Mau cũng đề xuất, hai bên tạo diễn đàn đối thoại để nắm được thông tin các sản phẩm đầu vào, thông tin về thị trường tiêu thụ phân bón trong khu vực, từ đó có các chính sách và hướng đi phù hợp, cân đối trong sản xuất urê trong nước.

Đối với sản phẩm DAP, hiện VINACHEM có 2 nhà máy DAP với tổng công suất thiết kế là 660.000 tấn/năm với sản phẩm DAP, axit phôt phoric sản lượng cung cấp ra thị trường là 151.000 tấn/năm, axit sufuric có công suất 414.000 tấn/năm; nhu cầu lưu huỳnh khoảng 217.000 tấn- 222.000 tấn/năm.

Đại diện 2 đơn vị sản xuất DAP của VINACHEM, ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng Giám đốc DAP1 và ông Nguyễn Văn Đông - Tổng Giám đốc DAP2, mong muốn PVN xem xét, nghiên cứu, tạo điều kiện mua sản phẩm DAP của VINACHEM.

VINACHEM-PVN:
Tổng giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp phát biểu tại buổi làm việc

Trước những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hai bên, ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc VINACHMEM cho rằng, nhiều năm qua VINACHEM và PVN đã là đối tác trong sản xuất và kinh doanh phân bón và hóa chất, tuy nhiên, thực tế cho thấy cần phải thực sự hỗ trợ, hợp tác nhiều mặt tạo sự gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển.

Ngoài các mặt hàng về phân bón như đạm, DAP... VINACHEM còn có nhiều các mặt hàng như sản xuất săm lốp ô tô, xe máy các loại, các chất tẩy rửa, điện hóa... cũng rất mong được hợp tác cùng các doanh nghiệp của PVN.

VINACHEM và các đơn vị thành viên mong muốn và cam kết mua các sản phẩm của PVN và các đơn vị thành viên của PVN để phục vu nhu cầu sản xuất và tiêu thụ. Trên cơ sở nhu cầu và khả năng cung cấp từng năm hai bên sẽ thống nhất và ký các hợp đồng riêng biệt, phù hợp với định hướng phát triển của hai bên.

Đồng thời, ông Phùng Quang Hiệp cũng đề nghị, PVN và các đơn vị thành viên của PVN mua các sản phẩm của VINACHEM và các đơn vị thành viên, bao gồm DAP, săm lốp ô tô; sản phẩm cao su kỹ thuật, các sản phẩm ắc quy, chất tẩy rửa, hóa chất, axít.. phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của PVN.

VINACHEM-PVN
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp thành viên, lãnh đạo hai bên VINACHEM và PVN thống nhất, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, hai bên cần nghiên cứu xây dựng diễn đàn đối thoại, hợp tác thường xuyên, định kỳ hàng quý/năm giữa lãnh đạo các đơn vị thành viên để cùng nhau chia sẻ, làm việc với các cơ quan liên quan, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để đưa phân bón về diện chịu thuế 0% hoặc 5%...

Hai bên sẽ thành lập các tổ công tác chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; chia sẻ thông tin về kế hoạch sản xuất để khai thác, chia sẻ thông tin về thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế, thế mạnh sẵn có của PVN và VINACHEM như có thể phối hợp trong việc bao tiêu sản phẩm chéo của nhau, củng cố hợp tác về vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy sản xuất phân bón; cung cấp thông tin về định hướng, chiến lược phát triển kinh doanh để giảm thiểu áp lực cạnh tranh giữa các đơn vị trong nước, đồng thời có giải pháp hữu hiệu giảm áp lực cạnh tranh từ nước ngoài trong các năm tới.

Đối với sản xuất kinh doanh hóa chất, hai bên có thể nghiên cứu triển khai đầu tư về hóa chất như các loại hoá chất cơ bản và hóa chất công nghiệp: NaOH, PAC, Clo, HCL, NH3 lỏng… để cung cấp cho các Nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, đạm; cung cấp dịch vụ xử lý chất thải; cần định hướng, chủ động nghiên cứu, sử dụng hóa chất trong công tác thăm dò khai thác dầu khí.

VINACHEM-PVN:
Lãnh đạo PVN tặng quà lưu niệm lãnh đạo VINACHEM

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và đầu tư, hai bên thống nhất nghiên cứu giải pháp về công nghệ, trong đó sử dụng các loại hóa chất khác nhau. Kế đó, xem xét, nghiên cứu việc sản xuất dầu bọc hạt đáp ứng đặc tính kỹ thuật của PVFCco với giá cạnh tranh để chủ động được nguồn hàng trong nước cũng như thay thế được việc nhập khẩu nguyên liệu này cho sản xuất NPK thời gian tới.

Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất phát triển mạnh về lĩnh vực hóa dược; cùng nhau hợp tác, nghiên cứu đầu tư các sản phẩm chất phụ gia; đặc biệt hai bên có thể xây dựng mô hình doanh nghiệp đầu tư “không có vốn” mà chỉ góp nhân sự nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học với nhân sự bên nào thì bên đó trả lương và sản phẩm là phải của chung.

Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN khẳng định, PVN sẽ quyết tâm cùng VINACHEM tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm đã được nêu trong buổi làm việc.

Tổng Giám đốc PVN mong muốn, các đơn vị của PVN và Vinachem trong thời gian tới có những định hướng chia sẻ, cung cấp dịch vụ thế mạnh của nhau để hợp tác cùng phát triển.

 

Hồng Liên