Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Hải Phòng tự tin nâng tỷ lệ từ 3,53% lên 6,4% trong GDP toàn quốc vào 2025

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương và Bí thư Thành ủy Hải Phòng thống nhất mỗi năm một lần tổng kết sự phối hợp giữa hai bên, để rà soát, đề xuất bổ xung cơ chế phối hợp sao cho có hiệu quả hơn.

Sáng nay, ngày 8/5  tại Hải Phòng, đoàn công tác của Bộ Công Thương có buổi làm việc với TP. Hải Phòng về tình hình công nghiệp-thương mại trên địa bàn thành phố năm 2018, Quý I năm 2019 và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch cả năm 2019.

Phát biểu khai mạc tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự bứt phá của Hải Phòng trong những năm gần đây, cụ thể:

- Năm 2018: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố tăng 25,2% (cao hơn nhiều so với mức tăng 10,2% của cả nước). Xếp thứ Nhất trong Vùng ĐB sông Hồng và xếp thứ 5/63 cả nước.

Về giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018, Hải Phòng đạt 307.158,4 tỷ đồng (tăng 27,9% so với năm 2017).

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu: sản phẩm may mặc, lốp cao su, xi măng, sản phẩm thép các loại, màn hình các loại, máy giặt, máy hút bụi, xe mô tô, xe thùng, điện sản xuất, điện thương phẩm...

- 3 tháng đầu năm 2019: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,1% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,7%). Xếp thứ Nhất trong vùng ĐB sông Hồng và xếp thứ 8/63 tỉnh,thành cả nước.

Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 29 ngành có chỉ số sản xuất tăng trong đó: ngành sản xuất mô tơ, máy phát điện là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 211,16%; tiếp theo ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng 140,05%; ngành tái chế phế liệu đứng thứ 3 với mức tăng 114,71%...

Bộ trưởng cho rằng, chuyến đi này sẽ giúp đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, của vùng trong gắn tăng trưởng với phát triển bền vững, trong điều hành… từ đó cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng thể hơn trong tham mưu cơ chế chính sách.

Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết, mặc dù trong 3 năm gần đây, nhiều chỉ tiêu kinh tế của Thành phố tăng trưởng tốt, đặt nền tảng cho sự phát triển trong những năm về sau, nhưng theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã yêu cầu, Hải Phòng phải nâng tỷ lệ đóng góp từ 3,53% hiện nay lên 6,4% trong GDP toàn quốc vào năm 2025 là một sức ép rất lớn. Bởi lẽ, trong 15 năm, từ 2003 đến 2017, tỷ lệ đóng góp trong GDP toàn quốc của Hải Phòng mới nâng lên từ 2,97% lên 3,3%. Vì thế, Hải Phòng phải tiếp tục tạo ra những điều kiện để có sự tăng trưởng bứt phá như những năm qua mới đạt được yêu cầu của Nghị quyết 45.

Để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 45, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại, logistics, Hải Phòng đề xuất kiến nghị với đoàn công tác của Bộ Công Thương. Cụ thế:

- Xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ các vùng, miền, địa phương có ngành công nghiệp phát triển. Thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.

- Chỉ đạo tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư các công trình theo Quy hoạch phát triển điện lực TP. Giai đoạn 2016-2025, trong đó có các công trình trọng điểm là trạm biến áp 220 kV An Lão, trạm biến áp 220 kV Cát Hải…

- Phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược kết nối liên vùng như Sân bay Cát Bi giai đoạn 2, đương săt tốc độ cao từ Lào cai, Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng; trung tâm dịch vụ logistics quốc gia

- Nghiên cứu, đề xuất 1 số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics trong giai đoạn từ đầu tư xây dựng đến vận hành; hỗ trợ TP. Trong kêu gọi đầu tư phát triển các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn TP.

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu của Hải Phòng và các đơn vị tham mưu thuộc Bộ; Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh kết luận:

- Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhóm làm việc phối hợp với Hải Phòng xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp-thương mại nhằm khai thác được những cơ hội và nền tảng quan trọng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

- Trong thời gian tới khi CPTPP, EVFTA được hiện thực hóa, công nghiệp và thương mại được phát huy tối đa, nên vấn đề nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh đối với Hỉa Phòng vô cùng quan trọng, liên qua đến nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo doanh nghiệp.

- Việc phát triển hạ tầng đối với một thành phố có vị trí địa lý quan trọng như Hải Phòng là một yêu cầu vô cùng thiết yếu, trong đó có hạ tầng năng lượng. Vì vậy, Cục Điện lực, Cục điều tiết điện lực tổng hợp kiến nghị của Hải Phòng, để phối hợp với Hải Phòng, với EVN cụ thể hóa thành những nhiệm vụ với mục tiêu đảm bảo điện năng cho sự phát triển của Hải Phòng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương và Bí thư Thành ủy Hải Phòng thống nhất mỗi năm một lần tổng kết sự phối hợp giữa hai bên, để rà soát, đề xuất bổ xung cơ chế phối hợp sao cho có hiệu quả hơn. Với sự phối hợp cụ thể này, Hải Phòng tự tin nâng tỷ lệ đóng góp từ 3,53% hiện nay lên 6,4% trong GDP toàn quốc vào năm 2025.

Dưới đây là một số hình ảnh

a
a
a

 

 

 

Nguyễn Văn