WB công bố các dự án đầu tiên hỗ trợ khẩn cấp chống Covid - 19

Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt đợt một chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới, áp dụng cơ chế thủ tục nhanh, dành riêng để ứng phó COVID-19.

Các dự án đợt đầu, giá trị lên đến 1,9 tỷ USD sẽ hỗ trợ 25 quốc gia, và các chương trình mới đang được chuẩn bị trên 40 quốc gia theo thủ tục nhanh. Ngoài ra Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực trên toàn cầu tại các dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ với trị giá lên đến 1,7 tỷ USD, bao gồm tái cơ cấu, sử dụng các hợp phần khẩn cấp trong các dự án hiện tại (CERC), kích hoạt các gói tín dụng rút vốn trong trường hợp thiên tai thảm họa (CAT DDO) tại mọi khu vực.

WB

Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng chuẩn bị triển khai tới 160 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các biện pháp ứng phó COVID-19 nhằm giúp các quốc gia giải quyết hệ quả y tế trước mắt của đại dịch, đồng thời trợ lực để khôi phục kinh tế. Chương trình kinh tế này nhằm rút ngắn thời gian hồi phục, tạo điều kiện tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ người nghèo và những người dễ tổn thương. Các hoạt động trên sẽ tập trung mạnh vào người nghèo, chú trọng tài trợ dựa trên chính sách, bảo vệ các hộ nghèo nhất và môi trường.

Ông David Malpass Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết:  “Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hành động nhanh và đồng loạt nhằm giảm sự lây lan của COVID-19, chúng tôi đã và đang triển khai các hoạt động ứng phó y tế tại trên 65 quốc gia. Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường năng lực ứng phó đại dịch COVID-19 của các quốc gia đang phát triển và rút ngắn thời gian khôi phục kinh tế và xã hội. Các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì vậy nhân viên của chúng tôi trên khắp thế giới đang tập trung vào các giải pháp cấp quốc gia và khu vực để xử lý khủng hoảng đang diễn ra.”

Ngoài ra, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đang cung cấp gói tài chính 8 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp khu vực tư nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch và để giữ việc làm. IFC đang nỗ lực triển khai nhanh đầu tư tại khoảng 300 công ty ở các thị trường mới nổi nhằm đẩy mạnh hoạt động của khu vực tư nhân.  

Các hoạt động của IFC bao gồm gia hạn dòng tài chính thương mại và dòng tín dụng vốn lưu động cho các tổ chức tài chính đối tác, đồng thời hỗ trợ những khách hàng hiện hành trong các ngành hạ tầng, chế tạo chế biến, nông nghiệp và dịch vụ dễ bị tổn thương bởi đại dịch. IFC đến nay đã cam kết được 470 giao dịch trị giá tổng cộng 545 triệu USD cho các dòng tài chính thương mại thông qua Chương trình Tài chính Thương mại Toàn cầu, 54% trong số đó dành cho các quốc gia thu nhập thấp và có nhà nước non yếu, 29% tại Tiểu vùng Sa-ha-ra châu Phi và vùng Trung Đông Bắc Phi.  

Nguyên Hà