TÓM TẮT:

Việc xác định đúng tư cách đương sự trong tố tụng dân sự là rất quan trọng, điều này là cần thiết để đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia tố tụng, cũng là để đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án được tiến hành một cách đúng đắn. Thực tế cũng đã có những trường hợp tòa án xác định sai tư cách đương sự. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến trong phạm vi những tranh chấp về bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, phân tích và đưa ra một số quan điểm cá nhân về việc xác định bị đơn và một số chủ thể liên quan trong trường hợp này.

Từ khóa: Bị đơn, người chưa thành niên, bồi thường thiệt hại.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm bị đơn được quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS): “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Như vậy, tư cách nguyên đơn và bị đơn gắn liền với hành vi khởi kiện. Trong đó, “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”.

Vậy, chúng ta sẽ xác định bị đơn theo căn cứ nào, nguyên đơn sẽ kiện ai trong trường hợp sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản bị thiệt hại (đặt giả thiết trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự)? Liệu người trực tiếp gây ra thiệt hại, xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của nguyên đơn có phải là bị đơn trong tất cả các trường hợp? Việc xác định chính xác thành phần đương sự trong vụ án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong tố tụng dân sự, là căn cứ ban đầu để thẩm phán xây dựng hồ sơ, giải quyết vụ án dân sự, đặc biệt là ở giai đoạn thụ lý vụ án dân sự. Điều này sẽ có ý nghĩa trong việc xác định có đủ điều kiện khởi kiện hay không, xác định thẩm quyền thụ lý vụ án theo lãnh thổ, theo cấp, theo sự lựa chọn của nguyên đơn...

Bên cạnh đó, chỉ khi xác định được đủ đương sự và chính xác tư cách đương sự trong vụ án thì thẩm phán mới có thể quyết định được chính xác các quyền và nghĩa vụ của họ về mặt nội dung, đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn. Xác định sai hay thiếu đương sự ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể và được coi là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, là căn cứ để hủy các bản án, quyết định.

Để xác định đúng đương sự trong vụ án dân sự, thẩm phán phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp; bên cạnh đó, trong một số trường hợp việc xác định tư cách đương sự còn phải căn cứ vào quy định của luật nội dung.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc xác định bị đơn trong trường hợp người chưa thành niên gây ra thiệt hại. Đây là một trong những trường hợp mà chúng ta phải căn cứ vào quy định của luật nội dung khi xác định bị đơn. Bởi người gây ra thiệt hại chưa hẳn đã là người phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLDS).

Tuy nhiên, trong trường hợp này, vẫn có quan điểm cho rằng, người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì người đó sẽ là bị đơn, cha mẹ, hoặc người giám hộ của người chưa thành niên chỉ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật. Về vấn đề này, tác giả không đồng tình với quan điểm trên và tác giả đưa ra quan điểm về việc xác định bị đơn trong các trường hợp cụ thể dưới đây.

2. Xác định bị đơn trong các trường hợp người chưa thành niên gây ra thiệt hại

Một cá nhân, cơ quan, tổ chức được xác định là bị đơn trong vụ án dân sự khi:

- Thứ nhất, là người bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự khởi kiện.

- Thứ hai, bị đơn là người được giả thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Khi một cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản do hành vi của người khác gây ra thì họ sẽ có quyền được bồi thường. Khi đó sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."

Nếu người có trách nhiệm bồi thường không bồi thường toàn bộ và kịp thời, không thỏa thuận được với người bị thiệt hại, thì khi đó sẽ phát sinh tranh chấp và người bị thiệt hại có thể khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và trong trường hợp này người bị khởi kiện là bị đơn. Và theo quy định tại Điều 584 BLDS nói trên, người gây ra thiệt hại chưa hẳn đã là người có trách nhiệm bồi thường, vì vậy, người gây ra thiệt hại chưa hẳn đã là bị đơn trong tất cả các trường hợp. Việc xác định ai là bị đơn phải căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối với người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường có thể thuộc về chính người đó hoặc đại diện theo pháp luật của người đó phụ thuộc vào độ tuổi của người chưa thành niên và người đó có thuộc trường hợp cần có người giám hộ hay đang trong sự quản lý của chủ thể khác hay không. Và trong những trường hợp này thì bị đơn sẽ được xác định khác nhau.

Việc xác định tư cách bị đơn trong những trường hợp này trước đây được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong hướng dẫn này vẫn chưa quy định hết về việc xác định bị đơn trong tất cả các trường hợp người chưa thành niên gây ra thiệt hại. Cụ thể, có thể chia ra các trường hợp dưới đây:

a. Trường hợp 1: Người chưa đủ 15 tuổi gây ra thiệt hại mà còn cha, mẹ

Đoạn 1 khoản 2 Điều 586 BLDS 2015 quy định: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này”.

Theo hướng dẫn trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP đã được đề cập ở trên, đối với trường hợp này, cha, mẹ của người gây thiệt hại được xác định là bị đơn dân sự, là người chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ bằng tài sản của cha, mẹ đối với thiệt hại do con mình gây ra. Bởi lẽ, người chưa thành niên dưới 15 tuổi là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, chưa nhận biết được hết những hậu quả cho xã hội do hành vi của mình gây ra và thực tế người chưa thành niên ở độ tuổi này phụ thuộc khá nhiều vào việc chăm sóc, giáo dục, quản lý của cha mẹ; do đó, khi cha mẹ không thực hiện đúng việc chăm sóc, giáo dục, quản lý để con gây ra thiệt hại cho người khác thì cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường. Và việc bồi thường trong trường hợp này là bồi thường bằng chính tài sản của cha, mẹ; nên cha, mẹ được xác định là bị đơn dân sự.

Tuy nhiên, luật cũng quy định tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà người con dưới 15 tuổi đó có tài sản riêng thì lấy tài sản của người con đó để bồi thường phần còn thiếu. Vậy, người con trong trường hợp này liệu có được triệu tập để tham gia tố tụng và tham gia với tư cách nào? Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: nếu người chưa thành niên có tài sản riêng thì họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nếu không có tài sản riêng thì không đưa người chưa thành niên vào tham gia tố tụng. Việc họ có tham gia tố tụng hay không có một số ý nghĩa nhất định, vì họ là người trực tiếp gây ra thiệt hại nên tòa án cần triệu tập đến để làm rõ hành vi thiệt hại cũng như yếu tố lỗi, đồng thời cung cấp chứng cứ nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án (nhưng họ cũng không thể tham gia với tư cách là người làm chứng, vì người làm chứng chỉ là người biết các tình tiết của vụ án).

Tòa án cũng có thể cho họ tham gia hòa giải để xác định hành vi gây thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại trong vụ án để quyết định mức bồi thường, nếu không triệu tập và không xác định tư cách của họ thì họ sẽ bị mất quyền khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trường hợp họ không có tài sản, có quan điểm cho rằng không đưa họ vào tham gia tố tụng, bởi lẽ người chưa thành niên là người không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, họ tham gia tố tụng tại tòa án phải có người đại diện hợp pháp, tuy trực tiếp gây ra thiệt hại nhưng họ không có tài sản bồi thường nên không liên quan đến yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.

Do vậy, tòa án không cần thiết phải triệu tập họ để trình bày ý kiến của mình trong phiên hòa giải về việc bồi thường. Họ cũng không có quyền kháng cáo bản án vì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của họ nên không xác định họ với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về vấn đề này, theo quan điểm cá nhân, tác giả cho rằng cần triệu tập người con là người chưa thành niên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho dù họ có tài sản riêng hay không, vì 2 lý do:

- Thứ nhất, luật đã quy định nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

- Thứ hai, việc người chưa thành niên có tài sản riêng để bồi thường hay không, chúng ta chưa thể khẳng định được ở giai đoạn thụ lý, xác định tư cách đương sự bởi bên phía bị đơn có thể sẽ cố tình giấu giếm việc có tài sản riêng. Và để xác định họ có tài sản riêng hay không, có thể chúng ta phải áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ, phải tiến hành chứng minh, mà những hoạt động này đương sự chỉ có thể thực hiện một cách tối đa sau khi có quyết định thụ lý vụ án, được pháp luật quy định những quyền và nghĩa vụ về chứng minh và cung cấp, thu thập chứng cứ, cũng như có thể nhận được sự hỗ trợ từ phía tòa án trong việc thu thập chứng cứ.

Vì vậy, trong trường hợp này, cần triệu tập người chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ họ có tài sản riêng hay không, để xác định trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu nếu có. Khi đó, cha, mẹ của người chưa thành niên sẽ vừa tham gia với tư cách là bị đơn, vừa là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.

b. Trường hợp 2: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ

Đoạn 2 khoản 2 Điều 586 BLDS quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.

Theo hướng dẫn trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, đối với trường hợp này thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi trong trường hợp này, luật quy định chính người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình, trách nhiệm bồi thường của cha mẹ chỉ đặt ra khi tài sản của con không có hoặc không đủ để bồi thường, tức là chỉ mang tính chất “bổ sung”.

Quy định về trách nhiệm bồi thường và việc xác định tư cách tố tụng đối với trường hợp này khác với trường hợp người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại. Bởi lẽ, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người chưa thành niên ở độ tuổi này đang dần hoàn thiện hơn, có tính độc lập tương đối. Trong một chừng mực nào đó, sự chăm sóc, giáo dục, quản lý của cha mẹ có sự ảnh hưởng ít hơn so với người dưới 15 tuổi.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, bị đơn dân sự lại là người chưa thành niên nên không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, vì vậy, cha, mẹ của con chưa thành niên vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vừa là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Mặc dù khoản 6 điều 69 BLTTDS có quy định: “Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.

Như vậy, người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình tham gia tố tụng nhưng chỉ trong 2 trường hợp đã tham gia hợp đồng lao động, hoặc tham gia giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình. Và theo quy định tại Điều 116 BLDS: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Vậy việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có phải là một giao dịch dân sự, là hành vi pháp lý đơn phương? Về vấn đề này cũng có một số quan điểm khác nhau, tuy nhiên tác giả đồng tình với quan điểm đây không phải là hành vi pháp lý đơn phương. Hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là giao dịch, trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: Lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế, hứa thưởng, thi có giải...

Tại Điều 275 BLDS quy định: “Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng;

2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3. Thực hiện công việc không có ủy quyền;

4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

6. Căn cứ khác do pháp luật quy định”.

Như vậy, hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một nghĩa vụ phát sinh do pháp luật quy định, không phải là hợp đồng, cũng không phải là hành vi pháp lý đơn phương. Do đó, hành vi trái pháp luật gây thiệt hại không phải là giao dịch dân sự, vì vậy trường hợp này người chưa thành niên khi tham gia tố tụng vẫn phải có người đại diện. Và cha, mẹ của con chưa thành niên vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vừa là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

c. Trường hợp 3: Người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ

Đây là trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; hoặc có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.

Trách nhiệm bồi thường được quy định tại khoản 3 Điều 586 BLDS: “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, trong trường hợp này cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự. Về trường hợp này, theo ý kiến cá nhân của tác giả, nên xác định người chưa thành niên vẫn là bị đơn dân sự và người giám hộ của người đó sẽ là đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên trước tòa án và đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi lẽ, khi người được giám hộ gây ra thiệt hại thì luật quy định người giám hộ trước hết được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.

Như vậy, về bản chất, đây là quan hệ đại diện, người giám hộ trong trường hợp này chỉ là người thay mặt người chưa thành niên, dùng tài sản của người chưa thành niên để thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Và nếu tài sản này đủ để bồi thường thì việc bồi thường không ảnh hưởng gì đến quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Trường hợp này tương tự như trường hợp thứ hai đã phân tích ở trên, khi người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại, thì việc tham gia tố tụng vẫn phải thông qua người đại diện là cha, mẹ của người chưa thành niên, nhưng tài sản dùng bồi thường vẫn là tài sản của con chưa thành niên. Chỉ khi  người được giám hộ gây thiệt hại mà không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường, người giám hộ mới phải bồi thường thiệt hại bổ sung bằng tài sản của mình nếu họ có lỗi khi thực hiện việc giám hộ. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường khi người được giám hộ gây thiệt hại.

d. Trường hợp 4: Người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý

Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 599 BLDS:

1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”.

Như đã phân tích ở trên, trong tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người có trách nhiệm bồi thường sẽ là bị đơn. Đối với trường hợp này, luật quy định trường học có trách nhiệm bồi thường nếu người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý. Do vậy, trường hợp này trường học sẽ được xác định là bị đơn. Tuy nhiên, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi có thể được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì họ sẽ có trách nhiệm bồi thường nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý.

3. Kết luận

Việc xác định đúng tư cách đương sự trong tố tụng dân sự là rất quan trọng, điều này là cần thiết để đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia tố tụng, cũng là để đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Trên đây là một số phân tích và quan điểm cá nhân của tác giả trong trường hợp xác định tư cách đương sự trong tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2015.
  2. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015.
  3. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005.
  4. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
  5. Bài viết “Quyền khởi kiện và việc xác định tư cách tham gia tố tụng” của tác giả TS. Trần Anh Tuấn, Khoa Pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/374

IDENTIFYING DEFENDANT IN CASES CAUSED BY JUVENILE

Master. NGU THI NHU HOA

Lecturer, Faculty of Law, Vinh University

Master. NGUYEN THI PHUONG THAO

Lecturer, Faculty of Law, Vinh University

Abstract:

It is very important to determine the correct status of litigants in civil proceedings to ensure the rights and obligations of the subject and also to ensure the implementation of resolution of the case properly. In fact, there have been cases where the court misidentified the defendant. This article discusses disputes on compensation made by juveniles, analyses and makes some personal views about the determination of defendant and some related subjects.

Keywords: Defendant, juvenile, compensation.