Xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015

ThS. CAO NGỌC SƠN (Khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Hợp đồng là một trong những chế định quan trọng bậc nhất của Luật Dân sự, ngay từ thời kỳ cổ đại, hợp đồng đã được sử dụng như một trong những phương tiện bảo đảm cho quá trình giao lưu dân sự, trao đổi hàng hóa. Do đó, để đảm bảo cho nghĩa vụ trong hợp đồng được tôn trọng và thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định để tạo cơ chế giải quyết những tranh chấp cũng như bảo đảm duy trì trật tự xã hội. Bài viết nhằm làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến xác định thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định trong pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật Dân sự 2015 và một số văn bản có liên quan.

Từ khóa: Hợp đồng, vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự 2015.

1. Thực trạng áp dụng pháp luật trong xác định thiệt hại được bồi thường

Bộ luật dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 ban hành cùng thời điểm, cả hai văn bản luật đều điểu chỉnh các quan hệ trong hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên nội dung quy phạm điều chỉnh vấn đề xác định thiệt hại được bồi thường trong hợp đồng lại có đôi chút khác biệt. Theo đó khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự 2005 xác định “thiệt hại được bồi thường trong hợp đồng là những tổn thất vật chất thực tế”. Trong khi khoản 2 Điều 303 Luật thương mại 2005 quy định “giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị  tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.

Quy định nêu trên xác định hai loại thiệt hại được bồi thường là “tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra” và “khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Đối chiếu với quy định pháp luật quốc tế trong lĩnh vực hợp đồng, chúng ta có thể thấy hai loại thiệt hại này được ghi nhận khá rộng rãi trên thế giới. Theo Điều 7.4.2 PICC: “Thiệt hại bao gồm những tổn thất mà bên này đã phải gánh chịu và những lợi ích bị mất”[1]. Giải pháp tương tự được ghi nhận tại Điều 74 của CISG, điều này quy định rằng bên có quyền đòi bồi thường không những đối với những thiệt hại đã phải gánh chịu, mà còn cả đối với những thuận lợi mà bên này bị mất do việc không thực hiện[2]. Bộ nguyên tắc châu Âu cũng theo hướng này, tại Điều 9:502, theo đó thiệt hại được bồi thường gồm “mất mát mà bên có quyền đã phải gánh chịu và lợi ích bị mất”. Ở đây, bên cạnh yêu cầu chính về bồi thường thiệt hại đối với khoản lợi đáng ra được hưởng (có nghĩa là thiệt hại mà bất kỳ bên có quyền nào cũng bị ảnh hưởng từ việc không thực hiện đúng hợp đồng), người có quyền có thể yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại trong những hoàn cảnh cụ thể khi thiệt hại này đáp ứng các yếu tố dự liệu trước, được quy định tại Điều 9:503. Thực ra, nội dung như vừa nêu đã được quy định rõ tại Điều 252 Bộ luật Dân sự Đức và Điều 1149, Bộ luật dân sự Bỉ, Điều 1106 Bộ luật dân sự Tây Ban Nha…

Luật thương mại 2005 đã ghi nhận một quy định được thừa nhận trong nhiều hệ thống pháp luật và việc tiếp nhận này “phần nào đã đưa chế định bồi thường thiệt hại của Việt Nam hòa nhập với thế giới”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 không thực sự rõ về chủ đề này, nhất là khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng.

Những tồn tại nêu trên của Bộ luật Dân sự 2005 đã được thay thế, bổ sung tại khoản 2 Điều 419 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể là “Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại”. Nội dung này đã đưa pháp luật hợp đồng Việt Nam đến gần hơn với pháp luật hợp đồng của các nước phát triển trên thế giới. Đồng thời nội dung này cũng đã thống nhất với Luật thương mại, không có lý do gì để pháp luật thương mại khác với pháp luật dân sự liên quan đến các loại thiệt hại có thể được bồi thường.

Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau:

  “1.Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

  1. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
  2. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”.

Điều 13, Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại quy định “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm hại được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Điều 306, Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường do vi phạm nghĩa vụ quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, thiệt hại được bồi thường khi có hành vi vi phạm hợp đồng cần được xác định như sau:

  • Thứ nhất, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ;
  • Thứ hai, thiệt hại được bồi thường phải bao gồm cả thiệt hại về lợi ích mà đáng lẽ người bị vi phạm có thể được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Thứ ba, thiệt hại được bồi thường còn bao gồm cả những chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại do lợi ích mang lại;
  • Thứ tư, bồi thường thiệt hại về tinh thần;
  • Thứ năm, các bên có quyền thỏa thuận về mức độ thiệt hại.

Tuy nhiên thực tiễn áp dụng cho thấy, những quy định về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng tại Điều 419 vẫn còn một số vấn đề khó khăn khi áp dụng để giải quyết tranh chấp. Điều luật chỉ mới nêu ra một cơ sở chung, đề cập chủ yếu tới việc bên vi phạm có trách nhiệm phải bồi thường và mức phải bồi thường chứ chưa hẳn là xác định cần bồi thường những thiệt hại gì.

Do đó, chúng ta khó mà xác định được các loại thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường từ các quy định nêu trên. Thiết nghĩ, Bộ luật dân sự 2015 với tư cách là bộ luật chung thì cần cụ thể hóa việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại để việc áp dụng pháp luật có thể giải quyết được các yêu cầu về bồi thường thiệt hại phát sinh trong thực tiễn.

Trong phạm vi nội hàm của các loại thiệt hại được bồi thường, có hai loại thiệt hại mà pháp luật ghi nhận đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận rõ khi quy định thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và một khoản tiền bù đắp cho tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Đối với thiệt hại được bồi thường trong hợp đồng, chúng ta đều thống nhất rằng thiệt hại về vật chất được bồi thường.

Xin đưa ra một ví dụ như sau: A là tài xế xe tải. A đem xe tải đến tiệm của B để kiểm tra định kỳ và hẹn lấy xe sau 2 ngày. Nhưng B sơ suất làm mất xe của A. Cả hai đã đi tìm nhưng không thấy và B phải bồi thường do vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, A sẽ được B bồi thường những khoản nào?

Theo như quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu ở trên, B có trách nhiệm phải bồi thường cho A như sau:

  • Thứ nhất, bồi thường toàn bộ thiệt hại: A phải được bồi thường số tiền tương đương với chiếc xe mà B làm mất.
  • Thứ hai, bồi thường phần lợi ích đáng lẽ A được hưởng: B phải bồi thường tiền thù lao mà nếu không mất xe, A sẽ kiếm được cho đến khi A tìm được xe hoặc A có xe mới.
  • Thứ ba, bồi thường những chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại do lợi ích mang lại: B phải bồi thường chi phí A dùng để tìm kiếm chiếc xe bị mất.
  • Thứ tư, bồi thường thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Trong trường hợp của A, thiệt hại về tinh thần có thể không đề cập đến.
  • Thứ năm, A và B có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu việc thỏa thuận thành công, xem như việc bồi thường hoàn thành. Ngược lại, nếu hai bên không thể thống nhất mức bồi thường, A khởi kiện B tại tòa án, vậy mức chi phí mà A bỏ ra để thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chi phí tham gia quá trình tố tụng, thực hiện các thủ tục khởi kiện có được tính vào hay không. Đây là nội dung phổ biến trên thực tế mà chúng ta cần bàn luận.

Ví dụ thứ 2: A và B ký hợp đồng gửi giữ tài sản. A giao B giữ một bức tranh quý để chuẩn bị cho buổi đấu giá. B làm mất bức tranh. A và B đã nỗ lực tìm kiếm nhưng không tìm được. B phải bồi thường cho A những khoản nào? Xét tới ví dụ thứ 2, việc xác định thiệt hại mà bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường phức tạp hơn rất nhiều. Do bức tranh của A giao bên giữ là một tác phẩm nghệ thuật nên giá trị của nó không thể so sánh với một vật thể tương đương tại thời điểm hiện tại mà đánh giá. Thiệt hại về danh dự, uy tín và những lợi ích khác về nhân thân mà A đáng lẽ được hưởng trong trường hợp này cũng khó xác định.

Còn đối với thiệt hại (tổn thất) về tinh thần, vẫn có tranh cãi và tồn tại một quan điểm khá phổ biến là loại thiệt hại này có tồn tại hay không, có được chấp nhận trong lĩnh vực hợp đồng hay không. Về chủ đề này, trên thế giới, có hệ thống cho phép bồi thường thiệt hại về tinh thần, có hệ thống không cho phép bồi thường và có hệ thống cho phép bồi thường đối với một số trường hợp[3].

Thực ra, tổn thất về tinh thần hoàn toàn có thể tồn tại xuất phát từ việc không thực hiện đúng hợp đồng. Ví dụ thứ ba: Ca sĩ A ký hợp đồng với một công ty tổ chức sự kiện. Để bảo đảm uy tín của mình, ca sĩ này đã nêu rất rõ các yếu tố trong việc dán các áp phích quảng cáo cho sự kiện. Tuy nhiên, công ty tổ chức sự kiện đã không tuân thủ nội dung của hợp đồng và ca sĩ này đã bị chỉ trích. Trong trường hợp này, uy tín của A bị ảnh hưởng và A có tổn thất về tinh thần. Trong vụ việc thứ ba được bình luận, Tòa án phải giải quyết “yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng” và xác định “có tổn hại tinh thần”. Như vậy, tổn thất về tinh thần tồn tại cả trong lĩnh vực hợp đồng.

Tuy nhiên, tổn thất về tinh thần này có được bồi thường hay không và nếu có thì xác định mức bồi thường như thế nào. Ở Việt Nam, nội dung này được đề cập tại khoản 1, Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần.

            Ở Pháp, từ rất sớm, Tòa án đã cho bồi thường tổn thất về tinh thần. Chẳng hạn, vào năm 1932, một công ty phục vụ mai táng đã phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho một gia đình đã ký hợp đồng với họ khi công ty này chậm trễ trong việc mai táng. Ở Anh nhiều nghiên cứu khẳng định: tổng thể các quyết định của Tòa án tối cao cho thấy một mong muốn lớn, không hoàn toàn, là coi bồi thường mất mát phi vật chất như nguyên tắc chung”[4]. PICC cũng chấp nhận bồi thường tổn thất về tinh thần. Điều 7.4.2 quy định “thiệt hại có thể là chi phí tiền tệ và bắt nguồn đặc biệt từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần” và trong phần bình luận có ghi “đó có thể là nỗi đau về thể xác và tinh thần, tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, thiệt hại về hình thể,… cũng như những xúc phạm đến danh dự hoặc uy tín. Quy tắc này sẽ có thể được áp dụng trong những gì liên quan đến thương mại quốc tế, ví dụ cho những hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, vận động viên cấp cao hoặc những nhà tư vấn thuộc một công ty hay một tổ chức”. Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng cũng xác định rất rõ tại Điều 9:501, khoản 2 rằng: “Thiệt hại có thể được bồi thường bao gồm thiệt hại phi vật chất” và trong phần bình luận chúng ta thấy nêu “thiệt hại có thể được bồi thường không giới hạn ở những mất mát tài chính mà có thể là tổn thất về tinh thần - đau đớn, bất tiện, bất an tâm lý - phát sinh từ việc không thực hiện đúng hợp đồng”. Phần bình luận có đưa ví dụ như sau: A đặt một kỳ nghỉ tại một trung tâm tổ chức du lịch với thời gian là một tuần trong một khách sạn sang trọng, đồ ăn đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế thì phòng thuê nhỏ và bẩn, đồ ăn thì tồi tệ. Ở đây, A được yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần mà mình đã gánh chịu (chịu bất tiện và niềm vui bị mất).

Theo tác giả, nếu luật đã quy định thiệt hại được bồi thường toàn bộ và quá trình giải quyết vụ án chứng minh được có tổn thất về tinh thần thì nên quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận và khống chế mức trần so với giá trị của hợp đồng bị vi phạm.

Khi các điều kiện về có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng phát sinh. Một trong những nguyên tắc được quy định tại Bộ luật Dân sự đó là nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Điều đó có nghĩa, về nguyên tắc “phải bồi thường toàn bộ thiệt hại” nếu không có thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nguyên tắc này vẫn còn ở dạng trìu tượng nên có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật Dân sự cũng ghi nhận nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại nhưng không cho biết nguyên tắc này được hiểu như thế nào. Ở đây, có hai cách hiểu: Thứ nhất, bồi thường toàn bộ thiệt hại là thiệt hại bao nhiêu thì được bồi thường bấy nhiêu; Thứ hai là bồi thường tất cả những thiệt hại mà pháp luật quy định. Điều đó có nghĩa, đối với cách hiểu thứ hai, nếu có thiệt hại mà không được pháp luật quy định thì không được bồi thường. Trước sự chưa cụ thể của Bộ luật Dân sự đối với bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, chúng ta nên theo cách hiểu thứ nhất: Thiệt hại bao nhiêu được bồi thường bấy nhiêu, cho dù thiệt hại phát sinh không được quy định trong một văn bản cụ thể.

Do có sự thiếu sót trong cách quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng nên một số Tòa án phải vận dụng các quy định trong phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định mức độ bồi thường trong bản án. Vì vậy, để có cơ sở buộc bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại đã gây ra và xem xét có giảm một phần trách nhiệm hay không, Bộ luật Dân sự nên quy định rõ bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và điều kiện để được miễn, giảm một phần trách nhiệm.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Điều 302 Luật Thương mại 2005 có quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Cách tiếp cận này ngắn gọn và đơn giản hơn nhiều so với Bộ luật dân sự 2015, nhưng lại chưa được bao quát hết các thiệt hại được bồi thường.

Bộ luật dân sự 2015, ngoài những tổn thất về vật chất thì tổn thất về tinh thần cũng được xem xét đến. Tổn thất về tinh thần đã rất phổ biến trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi tiến hành soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại về tinh thần đã được đưa vào cả lĩnh vực hợp đồng. Có thể xem đây là điểm tiến bộ, tiệm cận với pháp luật các quốc gia trên thế giới, “để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên không được thực hiện đúng hợp đồng và để pháp luật Việt Nam không quá xa với xu hướng chung của thế giới, nên cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần ngay cả đối với hợp đồng chịu sự chi phối của pháp luật thương mại nếu tổn thất đó thật sự tồn tại”[5].

Bộ luật dân sự 2015 cũng trao quyền cho Tòa án xác định mức bồi thường. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực thi quy định này. Theo quan điểm của tác giả, việc xác định tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hoàn toàn có thể áp dụng tương tự như xác định đối với thiệt hại ngoài hợp đồng tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015,  được quy định khá chi tiết tại  Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Do đó, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn các nội dung về việc áp dụng tương tự pháp luật trong việc xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Cụ thể là áp dụng mức bồi thường tổn thất về tinh thần tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các khoản thiệt hại được bồi thường không trùng lặp với khoản thiệt hại thực tế, khoản lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại có được thỏa thuận vượt quá khoản thiệt hại thực tế hay không.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Quốc hội (2004). Điều 7.4.2 Bộ quy tắc về Hợp đồng thương mại quốc tế 1994, sửa đổi, bổ sung 2004.

[2] Điều 74 Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế.

[3] G. Rouhette (chủ biên) (2003), Bộ Nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, Nxb Société De Législation Comparée.tr 400, 401.

[4] Roger Halson (2013). Contract law, Nxb Pearson., tr482

[5] Đỗ Văn Đại (2013), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 394.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2005.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  3. Quốc hội (2005). Luật Thương mại 2005.
  4. Liên hiệp quốc (1980), Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế.
  5. Đỗ Văn Đại (2010), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng, Nxb Chính trị Quốc gia 2010.
  6. Đỗ Văn Đại (2013), Luật hợp đồng Việt Nam bản án và bình luận bản án, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia 2014.
  7. Roger Halson (2013). Contract law, Nxb Pearson.
  8. Viện Thống nhất tư pháp quốc tế (1994), Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế 1994.

 

THE DETERMINATION OF THE DAMAGE CAUSED BY THE BREACH

OF CONTRACT AS PRESCRIBED IN THE 2015 CIVIL CODE OF VIETNAM

Master. CAO NGOC SON

Faculty of Law, Van Lang University

ABSTRACT:

Contract is one of the most important institutions of the Civil Code. Since the ancient times, the contract has been used as one of the means to ensure civil transactions and exchanges of goods. In order to ensure that the agreed obligations in the contract are respected and fulfilled, to protect the legitimate rights and interests of the parties in civil transactions, the liability for damages is prescribed by law. It creates the procedure to settle disputes as well as to maintain social order. This article clarifies the theoretical and practical issues related to the determination of the damage caused by the breach of contract which are prescribed in current laws, particularly the 2015 Civil Code and other related documents of Vietnam.

Keywords: Contract, breach of contract, compensation, the 2015 Civil Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]