Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Cùng với nguồn lực đầu tư từ nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, sẽ tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp vào lĩnh vực này, chúng ta có thể xây dựng được một lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hùng hậu.

Xây dựng cơ chế, chính sách

Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể:

Ban hành Quyết định số 9028/QĐ - BCT ngày 8 tháng 10 năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025.

Hiện Bộ Công Thương đang triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam (trong đó có 2 Trung tâm đã đi vào hoạt động). Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ sẽ đóng góp vào sự phát triển về giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế.

Những kết quả bước đầu

Những chính sách khuyến khích nói trên, cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực.

Trước hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

Hai là, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.

Ba là, năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam được cải thiện. Đối với ngành điện tử: Tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40%. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu Chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt tối đa đến 40%)…

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta còn khá non trẻ, không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém. Biểu hiện cụ thể như:

Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; Khả năng tài chính của doanh nghiệp yếu, vốn tự có thấp; Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp. Sản phẩm CNHT Việt Nam có giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật.

Bố trí nguồn lực thực hiện

Trình độ các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ở các phân tầng cao trong các chuỗi sản xuất. Trong khi đố, sản xuất CNHT đòi hỏi thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ kỹ thuật. Do đó, để nâng cao trình độ, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, Nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT tại 3 miền cho các ngành CNHT ưu tiên phát triển; đóng vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp CNHT và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.

Bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để triền khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong nước.

Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ với các chính sách của nhà nước.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hạ nguồn

Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Cùng với nguồn lực đầu tư từ nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, sẽ tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp vào lĩnh vực này, chúng ta có thể xây dựng được một lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hùng hậu, có quy mô ngày càng lớn, trình độ công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật trong các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Gia Viễn