Xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn để giữ vững chuỗi cung ứng

Chủ động xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVI-19 đi đôi với nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực.
chuỗi cung ứng
Sản xuất trong Khu công nghiệp Thăng Long (ảnh minh họa)

 

Trong đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn Hà Nội, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, Thành phố đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh và phòng chống dịch bệnh.

Thành phố đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết nối, lưu thông thuận lợi vào các kênh phân phối với những hàng hóa được sản xuất, cung ứng, đảm bảo không đứt gãy trong sản xuất, cung ứng.

Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất, kinh doanh an toàn, bảo đảm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả” theo yêu cầu của Trung ương và Thành phố. Hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng dịch Covid- 19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, đơn vị.

Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp; các doanh nghiệp, đơn vị quản lý kinh doanh, khai thác chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện ích,… xây dựng Kế hoạch và nghiêm túc thực hiện quy định phòng chống dịch, đảm bảo nguyên tắc “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn; “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả”. Xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo sản xuất an toàn, phục vụ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân khi diễn biến dịch phức tạp đến Tết Nguyên đán 2022.

Bên cạnh đó, Thành phố ban hành các hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, giao nhận hàng hóa an toàn:  Quy trình đóng cửa/ngừng hoạt động, mở cửa trở lại đối với các điểm bán hàng khi xuất hiện trường hợp F0 tại điểm bán;  Hướng dẫn về quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn sản xuất các cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn; Hướng dẫn về kinh doanh thương mại dịch vụ an toàn...

Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVI-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Ngày 14/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội” đưa ra 7 nhóm nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến công tác xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình cụ thể, khả thi.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để các cấp, các ngành có cơ sở triển khai thực hiện; căn cứ tình hình dịch trên địa bàn thực hiện công bố mức độ dịch và các biện pháp áp dụng tương ứng; trong trường hợp cần thiết đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các biện pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của Thành phố.

Tiếp đến, ngày 29/10/2021 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 243 thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, giao cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đi đôi với tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua; bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”.

Với việc chủ động xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVI-19 đi đôi với nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, tránh bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh và phòng chống dịch bệnh, Thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong cao điểm của đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn Thành phố, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, gần 25% số doanh nghiệp phải đóng cửa và thu hẹp quy mô sản xuất; nhưng đến nay, cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất trên địa bàn Thành phố tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ với 99,6% số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh với quy mô sản xuất từng bước được phục hồi, mở rộng và phát triển; không có tình trạng thiếu hụt lao động.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của thành phố tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5% và tăng 7,2%; sản xuất và phân phối điện giảm2,4% và tăng 5,2%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,7% và tăng 8,8%; khai khoáng tăng 0,8% và tăng 0,2%. Một số ngành có chỉ số IIP trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 37,8%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,9%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 20%; da và sản phẩm liên quan tăng 11,1%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 10,8%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,6%; khai khoáng tăng 3,5%.

Hoàng Mai