Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2020, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Mỹ đạt 133,7 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trong tháng 7 này, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã tăng nhẹ 4,4%. 

Trong suốt 3 năm trở lại đây, Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn là ba thị trường lớn nhất và nhiều mong đợi của các DN XK cá tra Việt Nam. Do đó, mọi động thái và diễn biến từ những thị trường này đều tác động không ít tới tâm lý của các nhà XK cá tra Việt Nam. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường đặc biệt.

Đầu năm nay, các DN cá tra Việt Nam hi vọng nhiều vào việc tăng trưởng dương sang thị trường Mỹ sau một năm có nhiều tháng giảm sút.

Vì trong quý 1/2020, chỉ trong tháng 1/2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm 55,3%, sau đó đã tăng 67% và 26,3% so với cùng kỳ trong hai tháng còn lại của quý.

Tuy nhiên, kể từ quý 2, khi Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19, sự gia tăng đột biến số ca nhiễm virus corona đã khiến ngành dịch vụ thực phẩm Mỹ trở lại trạng thái phòng chống dịch bệnh.

Một số nhà hàng tự nguyện đóng cửa, nhiều tiểu bang và thành phố yêu cầu đeo khẩu trang ở tất cả các khu vực công cộng do ghi nhận các ca nhiễm tăng vọt.

Tới tháng 6/2020, ít nhất 16 tiểu bang đã tạm dừng hoặc hủy các kế hoạch mở lại nhằm đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Những tiểu bang này bao gồm Arizona, Texas, California, Florida, New York và New Jersey. Điều này tác động lớn tới hoạt động XNK cá tra sang thị trường Mỹ.

Ba tháng liên tiếp từ tháng 4-6/2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm lần lượt: 20,7%; 52,1% và 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 5/2020, Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA tuyên bố rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các nhà hàng và quán ăn trên khắp nước Mỹ phải đóng cửa, Cơ quan này đã quyết định ban hành quy định nới lỏng quy tắc dán nhãn có hiệu lực trong 60 ngày đối với các sản phẩm thịt, gia cầm, sản phẩm thủy sản (cá tra, cá thịt trắng) theo các quyền hạn quy định của cơ quan này.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không tác động nhiều đến các doanh nghiệp này NK và họ đã tiến hành kiểm kê lượng tồn kho cá tra tương đối chặt chẽ và duy trì việc dán nhãn tương tự cho cả dịch vụ thực phẩm và bán lẻ. Điều khó khăn nhất đối với các nhà NK và nhà bán hàng Mỹ trong thời gian này chính là dịch bệnh làm ngưng trệ toàn bộ hệ thống mua bán, XNK.

Theo nhận định của VASEP, với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu lớn, như: Mỹ, EU, Brazil… nên xuất khẩu cá tra quí II/2020 vẫn giảm.

Bên cạnh đó, thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay do tác động từ biến động của thị trường thế giới. Cho tới thời điểm này, COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước. 

Nếu quí II/2020, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi.