Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil tăng hơn 50%, đạt 47,44 triệu USD

Tính đến nửa đầu tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil tăng gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 47,44 triệu USD. Năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ Latinh khá tốt, trong đó nổi bật nhất là Mexico và Brazil.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm nay, 96% sản phẩm cá tra Việt Nam XK sang Brazil là phile đông lạnh. Có gần 20 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang tham gia tích cực xuất sang thị trường này, trong đó, giá trị XK lớn nhất là Công ty TNHH Công Nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA – Cần Thơ); Công ty Cổ phần Hùng Cá 6 (HUNG CA Co.,Ltd – Đồng Tháp) và Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II (CADOVIMEX II - Đồng Tháp).

Việt Nam đang là nguồn cung sản phẩm cá thịt trắng dẫn đầu và chi phối tại Brazil. Có thể nói rằng, năm 2021, nếu các DN cá tra ĐBSCL cố gắng giữ được an toàn dịch bệnh Covid trong nhà máy, ổn định được công suất chế biến thì Brazil, một số thị trường tiềm năng khác tại Nam Mỹ là những cơ hội mới cho các DN cá tra Việt Nam.

Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, lương thực của Brazil được dự báo là sẽ tăng mạnh từ nay tới cuối năm và cả năm 2022. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường Brazil trong thời gian tới.

Số liệu thống kê cập nhật mới nhất của ITC cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản đông lạnh của Brazil cũng tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu cá thịt trắng tăng 14,5%, riêng nhập khẩu phile cá tra từ Việt Nam tăng 41,3%. Năm nay, cá tra, cá hồi là hai sản phẩm thủy sản được yêu thích của các nhà nhập khẩu Brazil. Khoảng 96% sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Brazil là phile đông lạnh.

Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, trong năm 2021, nếu các doanh nghiệp cá tra đồng bằng sông Cửu Long giữ được an toàn dịch bệnh Covid-19 trong nhà máy, ổn định được công suất chế biến thì sẽ tận dụng được thị trường Brazil và một số quốc gia khác ở Nam Mỹ.

Thanh Xuân