Xuất khẩu dệt may tăng trưởng: Điểm khác biệt trị giá 5 tỷ USD

Điểm khác biệt lớn nhất về xuất khẩu dệt may năm nay chính là giá trị tuyệt đối tăng thêm 5 tỷ USD so với năm ngoái. Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2018, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2018 xuất khẩu toàn ngành dệt may đã vượt qua con số 36 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm ngoái. Việc thay đổi không chỉ về số lượng mà chất lượng tăng trưởng cũng thay đổi rõ nét, giá trị tuyệt đối tăng thêm 5 tỷ USD so với năm ngoái.

Bởi lẽ những năm "hoàng kim" như 2007-2008 mức tăng của ngành này đạt 34% nhưng thực tế về giá trị tuyệt đối cũng chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, trong khi những năm gần đây, mức tăng 10% thì trung bình cũng chỉ tăng từ 2,5-3 tỷ USD về kim ngạch.

"Do vậy, về con số tuyệt đối năm nay rất đặc biệt, đó là tăng được 5 tỷ USD và bằng 100% kim ngạch xuất khẩu của năm 2007, đây là điểm nổi bật nhất của xuất khẩu dệt may 2018," ông Lê Tiến Trường cho biết.

Có được kết quả nổi bật này phải đặt trong một loạt các bối cảnh như lợi thế về giảm thuế quan cho dệt may thời gian vừa qua không có, thậm chí tổng cầu chung năm 2018 về mặt hàng này cũng không thay đổi nhiều.

Trong khi đó, xét về lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước khác, đơn cử về tỷ giá thì hàng hóa Việt Nam đắt hơn của Trung Quốc khoảng 6% và đắt hơn khoảng 12% so với từ Ấn Độ. Chưa kể cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã có những ảnh hưởng nhất định về tiêu thụ mặt hàng này cộng với việc điều chỉnh lãi suất tại các quốc gia nhập khẩu đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu dệt may.

Chính vì vậy, theo lãnh đạo Vinatex, yếu tố đột biến về xuất khẩu dệt may trong năm 2018 đó chính là sự dịch chuyển của khu vực sản xuất cực lớn của thế giới là Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài cũng đã nhìn thấy cơ hội khi đầu tư vào dệt may Việt Nam thay vì các nước khác như Bangladesh hay Ấn Độ...

Nhìn xa hơn, theo ông Trường, đến thời điểm này các doanh nghiệp lớn và vừa của ngành dệt may gần như đều có các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, môi trường làm việc... Hơn nữa, người lao động cũng đã tìm thấy sự hấp dẫn trong ngành dệt may, dù cạnh tranh lao động vẫn diễn ra gay gắt.

Chất lượng tăng trưởng thời gian qua của tập đoàn đã thay đổi rất rõ nét. Thay vì đầu tư thêm các dự án mới để mở rộng qui mô, thì tập đoàn đã tập trung đầu tư chiều sâu, chú trọng đến việc tự động hóa, nâng cao năng suất lao động. Ví dụ, Tổng công ty cổ phần May 10 (doanh nghiệp trực thuộc Vinatex), thay vì đầu tư một nhà máy mới thì đã đầu tư một khâu từ cắt bằng tay sang cắt tự động. Thậm chí các khâu cực khó như bổ túi, cắt nách cũng được robot hóa hết, giúp tiết kiệm được nhiều qui trình sản xuất.

Trong thời gian tới, hướng đi của Vinatex vẫn là chú trọng nhiều hơn đến chất lượng xuất khẩu. Cụ thể, tập đoàn phấn đấu là lựa chọn trong top đầu các nhà cung ứng để giảm thiểu rủi ro trước các biến động của thị trường và tập trung sản xuất các mặt hàng khó nhất về kỹ thuật.

Tuấn Hưng (tổng hợp)