Xuất khẩu điều sang Ý: Bộ Công Thương luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Chiều 17/3/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã chủ trì cuộc họp với 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều để tìm giải pháp liên quan đến vụ việc điều Việt Nam xuất khẩu sang Italia bị vướng mắc trong thanh toán.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chủ trì cuộc họp với 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chủ trì cuộc họp với 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều chiều 17/3

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ngay từ những ngày đầu sau khi tiếp nhận thông tin từ Hiệp hội và các doanh nghiệp về việc hàng hóa bị thất lạc, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhanh chóng, chủ động vào cuộc để tìm hiểu và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay tạm thời đã kiểm soát được 8 container hàng tại Italia. 

Song song đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi 4 công thư tới Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Kinh tế, Bộ Kinh tế Tài chính Italia, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ xem xét việc này phù hợp theo quy định của pháp luật.

Cục trưởng Phan Văn Chinh chia sẻ thêm, về mặt pháp lý ta đã có thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương, còn trên thực địa, các Tham tán tại Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã vào cuộc rất nhanh theo đề nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp. 

Đối với những lô hàng đã được kiểm soát tại cảng, theo quy định ở Italia cũng như các nước trên thế giới, hàng sẽ bị giữ lại trong thời gian nhất định. Nếu người nhận không có chứng từ đầy đủ, hàng sẽ bị đưa vào diện vô chủ và bán thanh lý trả tiền lưu kho, lưu bãi. Do vậy, giai đoạn tiếp theo doanh nghiệp phải làm đủ các thủ tục giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ kiện ra tòa quốc tế.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chủ trì cuộc họp với 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều

Theo ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Vinacas, tính đến nay, đã có 8/36 container điều được kiểm soát và giữ tại cảng. Tuy nhiên, số container nhân hạt điều còn lại có nguy cơ bị thất thoát rất lớn, có khả năng mất 50%. Đối với số container đã được kiểm soát, các doanh nghiệp tham dự bày tỏ mong muốn Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục chỉ đạo các Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hỗ trợ giải quyết về mặt pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu điều lấy được hàng.

Ông Bạch Khánh Nhựt nhận định đây là một trong những vụ có dấu hiệu lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều, cũng như lĩnh vực nông nghiệp, và rủi ro vẫn sẽ còn. Thời gian tới Vinacas sẽ đưa ra nhiều cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường, người mua, nhà môi giới. Đồng thời, qua việc này, Chính phủ cần có những chính sách thực tế về pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.

Hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp tại cuộc họp đều mong muốn nhận lại được số hàng đã bị thất lạc. Thậm chí, các doanh nghiệp cho biết đang xin các hãng tàu cho cược hàng với giá trị 100% (mỗi container hàng hiện có giá trị 200.000 USD) do điều là thực phẩm, nếu thời gian lưu tại cảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng. Tuy nhiên, có hãng tàu yêu cầu cược hàng với giá trị gấp đôi, thời gian trong vòng 6 năm, đây quả là một yêu cầu quá khó với doanh nghiệp. 

Theo ý kiến của đại diện của Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương tại cuộc họp, hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc, chúng ta hiện mới nghe và suy luận theo một chiều đây là hành vi lừa đảo nhưng chưa có cơ sở khẳng định do doanh nghiệp bên phía Italia chưa lấy hàng.

Tuy nhiên qua vụ việc này, khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường.

Hồng Lực