Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu hạt điều tháng 6/2020 đạt 45 nghìn tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 5,1% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 5/2020, so với tháng 6/2019 tăng 15,5% về lượng, nhưng giảm 1,7% về trị giá.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều ước tính đạt 228 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 6/2020 ở mức 6.000 USD/tấn - mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, giảm 2,4% so với tháng 5/2020 và giảm 14,9% so với tháng 6/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 6.579 USD/ tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Hiệp hội Hạt điều Thế giới, nguồn cung hạt điều thô năm 2020 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2019 do quá trình chăm sóc ở khu vực châu Phi không hiệu quả làm giảm năng suất. Sản lượng hạt điều thô toàn cầu năm 2020 dự báo giảm 21 nghìn tấn so với năm 2019.

Tổng nguồn cung hạt điều thô cho năm 2020 bao gồm lượng tồn cũ chuyển qua và lượng thu hoạch mới giảm 167 nghìn tấn so với năm 2019. Tình trạng dư cung hạt điều thô đã chấm dứt từ đầu năm 2020 khi lượng tồn kho từ năm 2019 đã được sử dụng hết.

Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Ấn Độ giảm mạnh trong quý II/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Ấn Độ sẽ tăng mạnh vào tháng 8/2020 theo chu kỳ.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giao dịch hạt điều gần đây chậm lại. Nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, EU đề nghị lùi thời hạn giao hàng cho các đơn hàng hạt điều WS, LP. Trong khi một số khách hàng khác đề nghị lùi thời hạn giao hàng cho chủng loại hạt điều W320 do lượng hạt điều chiên, rang tồn kho lớn.

Trước tình hình đó, một số nhà máy chế biến hạt điều vừa và nhỏ đã tạm ngừng sản xuất hoặc giảm công suất. Hiện nay, cả nước có 3.000 nhà máy chế biến hạt điều, trong đó các nhà máy chế biến quy mô nhỏ chiếm 70 – 80%, song tổng công suất không quá lớn.