Xuất khẩu lao động: Doanh nghiệp phải tạo dựng được thương hiệu

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) với PV Báo Thanh tra xung quanh hoạt động XKLĐ đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục

+ Trong bối cảnh công tác XKLĐ gặp nhiều khó khăn, sắp tới, Hiệp hội sẽ có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thưa ông?

- Để cạnh tranh, tăng quy mô đưa lao động XK lên con số hàng trăm ngàn lao động mỗi năm như kỳ vọng của Chính phủ, theo các chuyên gia, cần có chiến lược đầu tư phát triển ngành Công nghiệp “XK nhân lực” một cách bài bản hơn, hiệu quả hơn. Trong xu thế hội nhập, chúng ta không thể xem nhẹ việc tạo thương hiệu cho đội ngũ lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc bằng uy tín và chất lượng.

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng nhu cầu nhận lao động nước ngoài vẫn có, vấn đề là chúng ta có cạnh tranh được không? Muốn cạnh tranh được thì điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng lao động. Những định hướng mà Hiệp hội đã vạch ra trong những năm trước thì đến nay vẫn đúng, các DN cần tiếp tục thực hiện. Ví dụ, chúng ta cần rà lại các thị trường, các hợp đồng để tiếp tục phát triển những thị trường tốt. Còn những thị trường lâu nay có mức thu nhập trung bình hoặc tương đối thấp như Malaysia thì các DN cố gắng tìm các hợp đồng tốt, có thu nhập khá hơn; đồng thời cách tiếp cận và tuyển chọn lao động cũng phải đổi mới và phải làm rất thực chất. Kinh nghiệm những năm trước cho thấy, chúng ta tổ chức công tác tuyển chọn, đưa đi thật chu đáo và sau đó lấy chính tiếng nói của những người lao động (NLĐ) để tuyên truyền cho những người khác là cách làm rất hiệu quả, cần tiếp tục nhân rộng.

+ Còn phía DN, theo ông họ cần nỗ lực những gì để bảo đảm cạnh tranh về XKLĐ?

- Phía các DN đương nhiên phải biết tạo dựng thương hiệu. Các DN không thể ào ào chạy đua theo số lượng, mà phải tập trung về chất lượng lao động để giữ thị trường XK mang tính ổn định, bền vững. Đồng thời, xây dựng tốt hơn cơ chế phối hợp, phân cấp trách nhiệm, phát huy sự tham gia của các tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cộng đồng DN, tổ chức tốt các chương trình hỗ trợ cho DN và NLĐ để hoạt động XKLĐ đạt chất lượng và hiệu quả cao, bền vững.

Ngoài ra, việc xếp hạng DN là điều nên làm. Ngay từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đề án đổi mới, chấn chỉnh, sắp xếp DN hoạt động XKLĐ, trong đó đã đề cập đến việc xếp hạng DN mạnh. Điều này sẽ thúc đẩy các DN phát triển, cạnh tranh lành mạnh với nhau.

+ Thưa ông, được biết, Hiệp hội vừa đưa ra chương trình đào tạo đối với NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chương trình này có gì mới hơn so với các chương trình giáo dục định hướng trước đây?

- Giáo dục định hướng có vai trò quan trọng, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của NLĐ trong thời gian sống và làm việc ở nước ngoài. Nhờ thế, họ có thể sống và làm việc tốt hơn ở nước ngoài, đặc biệt là nâng cao được ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ cương. Có được điều đó, nhu cầu nhận lao động Việt Nam ở các thị trường sẽ ngày càng cao hơn.

Vì thế, Hiệp hội rất quan tâm đến việc làm sao để nâng cao chất lượng của NLĐ. Một trong những giải pháp là tìm cách hỗ trợ NLĐ, DN có những bài giảng giáo dục định hướng có chất lượng. Hiệp hội đã soạn thảo một hệ thống bài giảng cho NLĐ bao quát được nội dung, yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước với lời lẽ ngắn gọn, dễ tiếp thu; đồng thời đang tiếp tục nghiên cứu các bộ bài giảng cũng như xây dựng các cuổn cẩm nang để trang bị cho NLĐ ở 3 thị trường Nhật Bản, Ả rập Xê út, Malaysia.

Năm nay, Hiệp hội tiếp tục vận động các DN thực hiện Bộ quy tắc ứng xử dành cho các DN XKLĐ; đồng thời nghiên cứu để ban hành quy trình, thủ tục đánh giá việc thực hiện của các DN. Như vậy, với 2 mũi nhọn là nâng cao chất lượng lao động và chất lượng hoạt động của DN, chúng ta sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh khó khăn của thị trường hiện nay.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
  • Tags: