Xuất khẩu nông sản Việt Nam: Làm sao tận dụng tốt cơ hội trong quá trình hội nhập?

Hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này hầu hết được dỡ bỏ. Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ các cam kết tự do hóa thương mại ma

PV: Xin ông điểm lại một số tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 2016, có những điểm gì khác biệt so với năm 2015?

Tiến sỹ Trần Công Thắng: Năm 2016 xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi so với năm 2015. Nhìn chung các mặt hàng xuất khẩu chính đều có xu hướng tăng lên so với năm 2016 trừ mặt hàng gạo, sắn. Tình trung bình đến hết tháng 11/2016, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Cà phê, tiêu, rau quả và điều là bốn mặt hàng có mức tăng xuất khẩu mạnh nhất trong năm vừa qua. Xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,6 triệu tấn và 2,98 tỷ USD, tăng 36,1% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu tiêu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 170 nghìn tấn và 1,37 tỷ USD, tăng 36,7% về khối lượng và tăng 15,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Rau quả tiếp tục có sự tăng trưởng tốt với giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng đầu năm 2016 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu hạt điều 11 tháng đầu năm 2016 đạt 320 nghìn tấn về lượng và 2,59 tỷ USD kim ngạch, tăng 6,2% về khối lượng và tăng 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Một số mặt hàng cây trồng khác như cao su, chè, rau quả cũng có sự tăng trưởng xuất khẩu dù thấp hơn so với cà phê, tiêu, điều. Xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,1 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, tăng 12,3% về khối lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu chè 11 tháng đầu năm 2016 đạt 118 nghìn tấn và 197 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn và lợn sống dù chưa lớn nhưng có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Trong 10 tháng đầu năm 2016 trị giá xuất khẩu thịt lợn đạt 74,1 triệu USD, tăng mạnh 50,6% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu lợn sống của Việt Nam đạt 107,0 triệu USD trong 11 tháng 20016, tăng mạnh so với 15,5 triệu USD năm 2015.

Thủy sản là mặt hàng có sự tăng trưởng trung bình trong năm 2016. Xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2016 đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tôm là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt 2,58 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng kim ngạch 44%. Tiếp đến là cá tra, với kim ngạch đạt 1,39 tỷ USD, chiếm 24%. Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản lớn khác lần lượt là: cá ngừ (354,7 triệu USD, chiếm 7%), mực, bạch tuộc (298,3 triệu USD, chiếm 5,8%).

Cùng với các mặt hàng nông sản, thủy sản thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản trong 11 tháng 2016 cũng có sự tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 0,8%), đạt 6,5 tỷ USD.

Trong khi đó, tiếp tục đà giảm liên tiếp trong những tháng qua, xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 với 36% thị phần. Indonesia, Philippin tiếp tục giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong khi đó Gana trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 11,5% thị phần.

PV: Theo ông đánh giá, Việt Nam đã tận dụng tốt những cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản ra thị trường quốc tế chưa? Tại sao?

Tiến sỹ Trần Công Thắng: Có thể nói thời gian vừa qua, Việt Nam đã hội nhập rất nhanh, rộng và sâu với thế giới. Hàng loạt các FTAs thế hệ mới đã được ký kết và tạo cơ hội thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đây là một trong những lợi ích lớn nhất của hội nhập. Thời gian qua chúng ta cũng đã tận dụng khá tốt cơ hội này, chúng ta không ngừng khai thác thị trường cũ, phát triển thị trường mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cùng với các ban ngành khác liên tục có những đàm phán nhằm khơi thông thị trường đưa sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài, rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại Việt Nam và nước ngoài được thực hiện. Nhờ đó mà xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh chóng từ khoảng 20 tỷ USD năm 2010 lên tới trên 30 tỷ USD như hiện nay. Chúng ta xuất khẩu nông sản đi trên 200 nước trên thế giới trong đó 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, rau quả, sắn, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều năm qua, nông lâm thủy sản là ngành có cán cân thương mại luôn dương và đóng góp lớn vào cán cân thương mai của toàn nền kinh tế.

Mặc dù có sự tăng trưởng tốt nhưng có thể nói chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội nhằm đẩy mạnh kim ngạch và lượng xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn nữa ra thị trường bên ngoài. Có nhiều lý do, trong đó phải kể đến một số lý do sau:

Thứ nhất, chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu thô hoặc sơ chế (gạo, cà phê, cao su, chè, sắn). Gần đây, xuất khẩu cà phê tinh (chế biến) tăng chậm, vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê thô. Chính vì thế giá trị xuất khẩu của chúng ta thấp dù lượng xuất khẩu khá cao.

Thứ hai, nhìn chung chất lượng nông sản của chúng ta còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là lý do mà giá xuất khẩu nông sản của chúng ta thường xuyên thấp hơn 20-30% so với các nước khác trên thế giới. Chất lượng thấp còn ảnh hưởng rất lớn tới uy tín hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ ba, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Chất lượng thấp cộng với việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm làm cho các nông sản xuất khẩu của Việt Nam không vượt rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và bị trả về, có nhiều doanh nghiệp còn bị phạt hợp đồng. Đây là vấn đề rất đáng tiếc vì khi chúng ta tham gia WTO hay ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, chúng ta muốn xuất khẩu sang các thị trường lớn, giá cao thì nông sản của chúng ta phải vượt qua rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước này. Tuy nhiên, nhiều lo hàng xuất khẩu của ta không đảm bảo an toàn vệ sinh và vấn đề này là hết sức nghiệm trọng. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2015 có 40 lô hàng bị trả về trên tổng số 181 lô hàng thủy sản bị cảnh báo về an toàn thực phẩm (gấp 3 lần 2014). Từ đầu năm đến nay, có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty Việt Nam bị 38 quốc gia nhập khẩu trả về, trong đó có DN bị trả về tới 70 lô hàng. Không chỉ bị nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm, mà còn nhiễm vi sinh, vi khuẩn gây bệnh và bơm tạp chất. Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 16 lô hàng xuất khẩu vào EU bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm. Việt Nam hiện “đứng đầu bảng” về số lô hàng vi phạm ATTP, trong số các quốc gia xuất khẩu vào EU.

Không chỉ thủy sản mà lúa gạo xuất khẩu năm 2016 cũng ghi nhận nhiều lô hàng XK bị trả về khi XK vào thị trường Hoa Kỳ. Theo cục BVTV đến hết tháng 10/2016 có 29 lô gạo xuất khẩu bị Hoa Kỳ trả về. Hầu hết số gạo bị trả về vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết. “Có 6/29 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.Các mặt hàng khác như trái cây, tiêu cũng đang trong tình trạng báo động về chất lượng đặc biệt là tồn dư hóa chất BVTV.

Thứ tư, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại còn yếu.

Chúng ta có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng và là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu… tuy nhiên, chúng ta lại không có thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng này. Điều này làm giảm vị thế của các nông sản Việt Nam ở các thị trường nhập khẩu và hạn chế việc đưa sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam vào thị trường khác. Rất nhiều sản phẩm Việt Nam đang tồn tại dưới thương hiệu của các nước khác.

Bên cạnh đó, việc xây dựng truy xuất nguồn gốc rất yếu. Đây đang là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước Châu Âu đối với các loại nông sản xuất khẩu vào thị trường này. Trong khi đó các sản phẩm của Việt Nam phần lớn vẫn chưa làm được điều này.


PV: Để tận dụng tốt cơ hội của hội nhập đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thì chúng ta cần phải làm gì?

Tiến sỹ Trần Công Thắng: Để tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu nông sản thì Việt Nam cần thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, trong đó theo tôi cần tập trung vào:

1. Thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng tại các thị trường chính, vượt qua được hàng rào thuế và phi thuê theo các cam kết. Trong đó tập trung vào 3 việc sau:

· Tổ chức lại sản xuất trong đó đồng ruộng được tích tụ theo quy mô lớn, nông dân được tổ chức lại thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, thu hút doanh nghiệp vào xây dựng chuỗi giá trị liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác.

· Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh để cạnh tranh hiệu quả với hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước và đáp ứng yêu cầu hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

· Tổ chức các hoạt động dịch vụ hậu cần, kênh phân phối để xúc tiến thương mại và phát triển thị trường hiệu quả cho nông sản xuất khẩu. Từng bước đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi thị trường toàn cầu.

2. Nâng cao năng lực hội nhập cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và nhận thức của hộ nông dân, trong đó tập trung vào:

· Thông tin đầy đủ và tổ chức tập huấn những nội dung mới của các FTA để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân kịp thời nắm bắt và điều chỉnh chính sách, quy định cho phù hợp với những nội dung cam kết mới.

· Xây dựng tổ chức lực lượng hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý, giải quyết tranh chấp, phòng chống rủi ro khi tham gia thị trường quốc tế.

· Xây dựng bộ máy và tăng cường năng lực của đội ngũ thanh tra kỹ thuật, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá, thao túng thị trường, vi phạm pháp luật cạnh tranh.

· Hoàn thiện bộ máy và tăng cường năng lực kiểm dịch, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ,… đối với hàng xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng các sản phẩm chăn nuôi, rau quả.

· Đổi mới vai trò, nâng cao năng lực của hiệp hội nhất là trong việc tư vấn chính sách, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp dịch vụ, điều phối hoạt động thương mại nông sản.

3. Hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật và các quy định khác theo các cam kết quốc tế khác.

4. Nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động hội nhập.

Nghiên cứu, dự báo tác động cần phải thực hiện trong cả quá trình đàm phán và thực hiện các FTA, để cung cấp căn cứ cho quá trình đàm phán, đồng thời chỉ ra những rủi ro, ảnh hưởng có thể đối với ngành nông nghiệp nói riêng hay nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tham gia các FTA.

5. Xây dựng chiến lược hội nhập cho một số ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản, gỗ, cao su… để có định hướng rõ ràng về thị trường, sản phẩm và các chương trình hành động cụ thể cho từng ngành hàng.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông.