Xuất khẩu nông thủy sản 4 tháng đầu năm: Giải pháp cho những diễn biến bất thường

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
Các con số tăng trưởng, kim ngạch chỉ là một chỉ tiêu. Cái lớn hơn mà chúng ta hướng đến là tái cơ cấu, khai thác các cơ hội xuất khẩu nông sản, thủy sản m

Diễn biến bất thường

Diễn biến xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nước ta 4 tháng đầu năm 2015 được coi là bất thường. Bất thường không phải do kim ngạch chung của nhóm hàng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 6 năm, từ 2010 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm diễn biến không cùng chiều, có năm tăng, có năm giảm. Cụ thể, có 3 năm tăng là 2010, 2011, 2014; và 3 năm giảm là 2012, 2013, 2015.

Nói diễn biến bất thường vì trong 4 tháng đầu năm những năm trước, những mặt hàng chính, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch của nhóm như gạo, cà phê, thủy sản có sự tăng giảm xen kẽ nhau. Như 4 tháng đầu năm 2014, thủy sản tăng 32%, cà phê tăng 29,5%, trong khi gạo giảm 1,6%; 4 tháng đầu năm 2013, mặt hàng gạo tăng, thủy sản và cà phê giảm so với cùng kỳ năm trước; 4 tháng đầu năm 2012, thủy sản tăng, cà phê và gạo giảm... Song 4 tháng đầu năm nay, 3 mặt hàng này chiếm tới 45% kim ngạch của cả nhóm lại đồng loạt giảm từ 5% đến 38,3%.

Một diễn biến bất thường khác là, ngay cả những năm kim ngạch chung cả nhóm giảm như 4 tháng đầu năm 2012, 2013, đối với những thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có sự tăng giảm xen kẽ, nhưng 4 tháng đầu năm 2015 này, các thị trường chính đều giảm. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, thị trường Hoa Kỳ giảm trên 33%, Nhật Bản giảm trên 15%, EU giảm khoảng 11%, Hàn Quốc giảm trên 5%. Với cà phê, Hoa Kỳ giảm 15%, Đức và Anh cùng giảm 17%, Nhật Bản giảm 20%. Đối với gạo, 3 thị trường chính gồm Philippines, Trung Quốc và Hồng Kông cùng giảm trên 40%.

Giá cả của một số nông sản trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng được coi là bất thường. Theo dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) sản lượng niên vụ 2014 - 2015 giảm, tiêu thụ tăng, tồn kho ở mức thấp. Diễn biến trên thực tế cũng đúng như vậy, nhưng giao dịch trên thị trường cà phê thế giới vẫn kém sôi động. Ở trong nước, nông dân gửi trong kho của doanh nghiệp đã mấy tháng, nhưng hiện nay vẫn chưa muốn bán ra do giá vẫn chỉ ở mức 37 triệu đồng/tấn, kém xa so với giá kỳ vọng (khoảng 40 triệu đồng/tấn). Vậy yếu tố nào khiến cho thị trường cà phê trầm lắng trong bối cảnh cung giảm, cầu tăng?

Đây là lý do mà Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5 vừa qua đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cùng trên 20 hiệp hội và các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Quay về khâu đầu tiên: Tổ chức sản xuất

Và có thể gọi Hội nghị này là hội nghị lắng nghe. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên tục khuyến khích hiệp hội, doanh nghiệp phát biểu nhiều hơn nữa, định dạng những nguyên nhân, nêu ra những khó khăn, vướng mắc trên thực tế và đề xuất nhiều hơn nữa.

Qua phát biểu của các đại biểu, mới thấy những bất cập trên thị trường nông sản thế giới hiện nay như nguồn cung dồi dào, sự lũng đoạn của các quỹ đầu tư (nhất là thị trường cà phê), đồng USD tăng giá khá mạnh so với đồng Euro, xu hướng bảo hộ của nước nhập khẩu diễn biến ngày càng phức tạp... là những khó khăn khách quan và chia đều cho các nước xuất khẩu.

Mấu chốt vẫn là khả năng cạnh tranh của sản phẩm, xác định dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Nói cách khác, để vượt qua những thách thức của thị trường nông sản thế giới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì dưới hình thức này hay hình thức khác, ta vẫn phải trở về với khâu đầu tiên là tổ chức lại sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện gạo trắng của chúng ta chỉ thích hợp với thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc. Với thị trường châu Phi, họ chuộng gạo “dẻo” hơn nên lượng xuất gạo trắng vào châu Phi giảm. Trong khi lượng gạo thơm của chúng ta xuất vào châu Phi tăng tới 20%. Hơn thế nữa, giá xuất khẩu gạo trắng chỉ trên 400 USD/tấn, thấp hơn đến 20% so với giá xuất khẩu gạo thơm. Tuy nhiên, muốn thay đổi cơ cấu sản phẩm thì phải tổ chức lại sản xuất ở 3 khâu: hệ thống giống, hệ thống canh tác, hệ thống hậu cần kỹ thuật.

Đối với mặt hàng thủy sản, trước tình hình một số lô hàng của ta bị cảnh báo từ các nước nhập khẩu do chất lượng chưa đảm bảo, nhất là lượng tồn dư kháng sinh, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, trong đó, phần việc của Bộ là: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Chủ đề tổ chức sản xuất liên tục hâm nóng Hội nghị với các ý kiến của đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao, Hiệp hội Rau quả, Công ty Chè Tôn Vinh... Các đại biểu đều cho rằng, có tổ chức lại sản xuất mới thay đổi được cơ cấu giống, chuyển đổi nhanh chóng sang những mặt hàng, những dòng sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu; nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu và uy tín của sản phẩm xuất khẩu nước ta.

Con đường bền vững

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các con số tăng trưởng, kim ngạch chỉ là một chỉ tiêu. Cái lớn hơn mà chúng ta hướng đến là tái cơ cấu, khai thác các cơ hội xuất khẩu nông sản, thủy sản một cách bền vững, phấn đấu tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con nông dân. Khó khăn đối với xuất khẩu nông thủy sản hiện nay khá nhiều, nên cần có nhiều biện pháp đồng bộ với sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sau Hội nghị này sẽ rà soát để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương tập trung đàm phán mở rộng thị trường cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta. Theo đó, đưa các nội dung về giảm thuế, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nhóm hàng này. Trong tiến trình đàm phán, sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả tham vấn doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp mở những thị trường trọng điểm, cho những mặt hàng có thế mạnh của nước ta; phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong cung cấp và xử lý thông tin sao cho hiệu quả.

Bộ cũng sẽ báo cáo với Chính phủ thành lập một tổ công tác nhằm xử lý kịp thời những vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản. Tổ có cơ chế tham vấn, đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, hiệp hội để có đối sách thích hợp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức một hội nghị xuất khẩu hàng nông sản, gắn kết với quy hoạch sản xuất, tổ chức mô hình sản xuất mới theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, con đường xuất khẩu nông sản, thủy sản nước ta đang tăng tốc hướng tới sự hiệu quả, bền vững.