Xuất khẩu rau muống Việt Nam ra thị trường quốc tế

TRẦN ĐÌNH TUẤN (Khoa Kinh tế Chính trị - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)

TÓM TẮT:

Hiện nay nhu cầu rau xanh nói chung, rau muống nói riêng đang được người tiêu dùng đánh giá cao và rất có tiềm năng xuất khẩu ra thế giới. Ngoài rau muống tươi, Việt Nam còn bán nhiều sản phẩm hạt giống rau muống. Được biết, một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất khẩu sản phẩm rau muống xào.

Bài viết nghiên cứu đề xuất giải pháp xuất khẩu rau muống của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.

Từ khóa: Rau muống Việt Nam, xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề

Xét về thủy tổ, từ rất xa xưa, rau muống đã được trồng rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có ở Việt Nam. Đến thế kỷ thứ XIV, dưới triều nhà Minh, rau muống lan đến Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ XVI, rau muống mới lan tới châu Âu. Như vậy, chất lượng rau muống ở Đông Nam Á, ở Việt Nam nằm trong danh sách ngon nhất thế giới, vì thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất phù hợp với sự phát triển của loại cây này.

Hiện nay, đa số người tiêu dùng trên thế giới đều công nhận rằng, rau muống chính gốc ở Việt Nam có hương vị và độ giòn ngon rất riêng, khác hẳn và vượt xa những loại rau muống được trồng ở các nơi khác, dù nó được gieo trồng bằng hạt rau muống mua từ bản địa. Chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới lợi thế này của Việt Nam và sớm đầu tư nghiên cứu lâu dài, toàn diện để phát triển rau muống thành một ngành mũi nhọn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới.

2. Tình hình xuất nhập khẩu rau muống trên thế giới

Hiện nay, nhu cầu về rau muống trên thế giới rất lớn, vượt khá xa khả năng cung cấp. Theo đó, nhu cầu này đang ngày một tăng cao. Có tín hiệu cho thấy rằng, sắp tới, nhu cầu tiêu dùng rau muống sẽ tăng tới 10%/năm và xu hướng này sẽ còn ổn định lâu dài.

Xu hướng tiêu dùng rau quả hiện nay giành sự quan tâm đặc biệt tới các sản phẩm sạch, thân thiện và có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Rau muống là món ăn bình dị, nhưng lại đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.

Rau muống ăn rất ngon và cũng rất dễ chế biến. Ở một số quốc gia, chúng ta rất dễ gặp nhiều gia đình quanh năm tuần nào cũng ăn vài bữa rau muống mà vẫn thấy dễ chịu. Trong rau muống có 92% là nước, 3,2 % protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloxa, 1,3% tro, cùng hàm lượng muối khoáng rất cao gồm canxi, P, Fe. Rau muống có nhiều chất nhầy, có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng giải độc, nhuận tràng và kích thích tiêu hóa. Đặc biệt hơn, trên thế giới ngày nay đang phát triển xu hướng muốn chữa trị nhiều bệnh tật bằng các sản phẩm thiên nhiên lành tính, không gây phản ứng phụ như các loại thuốc Tây y. Sau nhiều nghiên cứu công phu trải dài qua nhiều thế kỷ, người ta phát hiện ra rằng, rau muống có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh mãn tính. Rau muống giúp giảm cholesterol, hỗ trợ điều trị thiếu máu, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp điều trị bệnh vàng da và các vấn đề về gan. Rau muống rất giàu chất xơ nên hỗ trợ tiêu hóa tốt, giúp nhuận tràng, trị chứng khó tiêu và táo bón. Ăn rau muống còn giúp mắt sáng khỏe, giúp điều trị bệnh về da, chống lão hóa và trẻ hóa da. Rau muống giúp mái tóc chắc khỏe và đặc biệt có tác dụng rất tốt trong việc phòng và chống căn bệnh thế kỷ là ung thư và tiểu đường. Như vậy, việc người tiêu dùng trên thế giới quan tâm nhiều đến rau muống hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc.

Suốt nhiều năm qua, một cơn sốt rau muống đã bền bỉ diễn ra ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Phần Lan, Nga, Úc… Theo đó, nhu cầu nhập khẩu rau muống của các quốc gia này rất lớn. Mặc dù đã được hàng chục công ty đứng ra cung ứng, nhưng nhu cầu ở đây vẫn chưa được thỏa mãn. Tại những nước nêu trên, giá rau muống ngon được nhập khẩu từ các quốc gia có truyền thống trồng rau muống lên tới 150.000 đồng/1 kg, có nơi lên tới 300.000 đồng/1 kg.

Rau muống chỉ có thể phát triển tốt và ngon ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại các nước lạnh cũng có vùng trồng được rau muống nhưng cả năm chỉ trồng được trong vài tháng và chất lượng rau muống không đảm bảo. Vì vậy, phần lớn các nước có khí hậu lạnh đều có nhu cầu nhập khẩu rau muống. Hơn nữa, tại các quốc gia có gần tỷ dân nêu trên, hiện có khoảng 80 triệu cư dân tới định cư từ các quốc gia có truyền thống sử dụng rau muống như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia… Dù đã tới định cư ở các vùng đất mới nhưng thói quen sử dụng rau muống đã ngấm vào máu thịt mấy chục triệu dân này, bám chắc và lan tỏa ra toàn xã hội.

Nhật Bản đã cấp phép cho hàng chục công ty Trung Quốc được đưa rau muống vào thị trường nội địa, vậy mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay, giá rau muống ở Nhật Bản rất cao, nhiều lúc lên tới hơn 300.000 đồng/kg. Tại nhiều siêu thị ở Nhật Bản đang bán rất chạy sản phẩm mầm rau muống làm salad ăn sống. Cách đây nửa thế kỷ, người Pháp đã nghiên cứu công phu và cho kết quả rằng một số loại mầm rau muống ở Việt Nam có công dụng quý báu là giúp điều trị bệnh tiểu đường rất tốt. Nhật Bản là một cường quốc kinh tế với hơn 126 triệu dân và GDP lên tới 4.970 tỷ USD, thực sự sẽ là một thị trường to lớn, cần đặc biệt chú ý khai thác sâu rộng. Hiện nay, tại Nhật Bản cũng đang có hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Nếu tiếp thị tốt thì Việt Nam sẽ có hàng nghìn lao động có thêm việc làm đủ sống sung túc một cách lâu dài nhờ trồng, chế biến và xuất khẩu rau muống.

3. Tình hình nhập khẩu rau muống ở Mỹ - Nhu cầu tiêu dùng rất lớn

Nước Mỹ là một cường quốc thế giới với hơn 328 triệu dân, cùng GDP hơn 20.540 tỉ USD.

Ở Mỹ, rau muống đã từng bị gọi là “Rau Spinach Trung Quốc”, bị xếp vào “loại cỏ độc” và ở một số tiểu bang còn bị cấm buôn bán, trồng và vận chuyển tàng trữ.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, theo chân những người Việt, người Campuchia… nhập cư vào Mỹ, rau muống đã tìm thấy đất sống cho nó tại các bang Florida, Houston, California… Rồi chỉ trong vòng 20 năm, cùng sự gia tăng của cộng đồng người Á tại các tiểu bang này, rau muống đã phát triển nở rộ và diện tích đất trồng rau đã tăng lên mạnh mẽ. Vào một số tháng trong năm, rau muống ở đây có thể dài thêm 10cm mỗi ngày, tối đa có thể dài tới 2,1m; trở thành nguy cơ đe dọa hệ thống đường ống dẫn nước, ăn sâu vào các đập nước, làm hỏng các hệ thống lọc. Ước tính bang Florida phải chi hàng triệu USD/năm để giải quyết hậu quả của rau muống. Trước thực trạng này, vào năm 1996, các bang Florida, Houston, Iowa, Vermont, Arizora lần lượt cấm sở hữu, trồng hay vận chuyển rau muống.

Tuy nhiên, việc vận động cộng đồng người Á từ bỏ rau muống gặp rất nhiều khó khăn. Thói quen dùng rau muống đã ăn sâu vào máu thịt, đặc biệt là trong nhiều đặc sản ẩm thực như phở Lào nấu với rau muống, rau muống chẻ ăn cùng với món bún riêu, bún chả của Việt Nam hay rau muống xào hoặc làm gỏi trong các món Tàu và Thái. Điều này đã khiến việc trồng và buôn bán rau muống trở thành một ngành lợi nhuận cao, mà giao dịch lại rất linh hoạt. Nhiều cuộc vận động của chính quyền bất thành và việc trồng hay vận chuyển rau muống lậu vẫn diễn ra không ngừng nghỉ.

Vụ việc rau muống lại nóng lên vào năm 2002, khi Nhật Bản phát hiện rau muống đông lạnh nhập từ Trung Quốc có hàm lượng thuốc trừ sau cao. Tin này lan sang Mỹ gây ra một sự rúng động sâu sắc và tới năm 2006 ở Mỹ đã phát hiện hơn 100 ca nhiễm khuẩn E-coli từ rau muống Trung Quốc. Theo đó, một số bang ở Mỹ đã quyết định thắt chặt kiểm soát rau muống. Hiện nay, rau muống được trồng nhiều nhất tại bang California và bang Florida, phát triển rất mạnh cùng sự nở rộ trào lưu thực phẩm châu Á gắn bó chặt chẽ với hơn 10 triệu người gốc Á cùng hàng chục triệu người thân quen của họ.

Nhìn rộng ra, kim ngạch xuất - nhập khẩu rau quả nói chung trên thế giới luôn ở mức cao và liên tục tăng trong các năm gần đây. Trong 9 năm (2007 - 2016), giá trị nhập khẩu rau quả luôn ở mức trên 100 tỉ USD/năm và tăng bình quân trên 12%/năm (lên tới 230 tỉ USD).

Theo tính toán của nhóm tác giả, hiện nay, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu rau muống chính gốc Việt Nam là 80.000 tấn/năm. Như vậy, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, chúng ta đã có thể đạt kim ngạch xuất khẩu rau muống là trên 500 triệu USD/năm. Mà nhu cầu này sắp tới còn có khả năng tăng rất cao do tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp.

Tính tới thời điểm này, Việt Nam đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Theo đó, nếu được quan tâm đầu tư xứng đáng, sau 5 năm, rau muống của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới sẽ sớm đạt được mức 1 tỉ USD/năm. Và theo tính toán gần đây của các chuyên gia Việt Nam, mỗi sản phẩm xuất khẩu đạt doanh số trên 1 tỉ USD/năm sẽ góp phần giải quyết việc làm cho 30.000 lao động.

Cơ hội để rau muống Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới đã đến. Trong khoảng vài năm tới, nếu được các các cơ quan chức năng sớm quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, rau muống Việt Nam sẽ có mặt trong bữa cơm của hàng triệu gia đình trên thế giới, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo được việc làm ổn định cho hàng vạn người dân Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Quang Bảy (2020), Hiểu biết để điều trị thành công bệnh đái tháo đường. NXB Phụ nữ Việt Nam. Hà Nội.
  2. Đỗ Tất Lợi (2019), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

                  Solutions for exporting Vietnamese water spinach

Tran Dinh Tuan

Faculty of Politics and Economics, University of Social Sciences and Humanities

ABSTRACT:

The demand for green vegetables in general and Vietnamese water spinach in particular is increasing and Vietnamese water spinach has great export potential. Besides fresh Vietnamese water spinach, Vietnam also sells a variety of water spinach seeds, even a Ho Chi Minh City-based company has exported stir-fried water spinach products. This paper proposes some solutions to export Vietnamese water spinach in the coming time.

Keywords: Vietnamese water spinach, export.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]