Xuất khẩu rau quả: Giảm ở Trung Quốc, tăng mạnh sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Sự tương phản giữa xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các thị trường khó tính cho thấy, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua
Giới thiệu xoài Việt Nam tại một siêu thị ở Hoa Kỳ
Giới thiệu xoài Việt Nam tại một siêu thị ở Hoa Kỳ

Sự tương phản lớn

Năm 2019 được đánh giá là một năm khó khăn đối với ngành rau quả Việt Nam khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ đạo với tỷ trọng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm. Tính từ 1/6 khi Trung Quốc chấm dứt đường xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam, chuyển sang chính ngạch, trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm 7,2%; 9 tháng giảm 13,5% và 10 tháng giảm 14,5%.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả lại có tốc độ giảm nhẹ dần. Cụ thể, xuất khẩu rau quả bắt đầu giảm từ tháng 5 với mức giảm là 23,1%, tiếp đó tháng 6 giảm 21,8% và tháng 7 sụt 11%, 9 tháng giảm 5,3%, 10 tháng giảm 4,4% và 11 tháng giảm 2,4%.

Lý do là, bù lại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khó tính khác đều đạt mức tăng trưởng cao: Hoa Kỳ tăng 10,7%, EU tăng 32,2%, Hàn Quốc tăng 12,4%, Nhật Bản tăng 26,2%, Hà Lan tăng 37%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 66%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 3,12 lần, ASEAN tăng 26,6%.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan xưởng chế biến rau quả xuất khẩu của DOVECO và sau đó chứng kiến lô hàng rau quả đầu tiên đi Nhật Bản năm 2019 của DOVECO

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan xưởng chế biến rau quả và sau đó chứng kiến lô hàng rau quả đầu tiên đi Nhật Bản năm 2019 của DOVECO

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (ATIGA, VKFTA, VJEPA).

Đối với các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, theo cam kết thuế quan của các nước dành cho Việt Nam, phần lớn các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đây là yếu tố mới mở ra cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi mà hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường này vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Khai thác cơ hội FTA

Sự tương phản giữa xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các thị trường khó tính cho thấy, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Các Hiệp định thương mại tự do đang là động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam về trung và dài hạn.

Để có thể khai thác hết lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, tận dụng các ưu đãi về thuế quan, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA.

Chuẩn bị cho lô hàng thanh long xuất khẩu sang Australia
Chuẩn bị cho lô hàng thanh long xuất khẩu sang Australia

Đó là nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại để củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như có vốn đầu tư nước ngoài triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nông dân.

Các Chương trình này hướng đến tiêu thụ rau quả, trái cây qua các hệ thống phân phối trong nước cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài như hệ thống Lotte Mart, Emart tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Cùng với đó là tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại Pháp”, “Những ngày hàng Việt tại CHLB Đức” để đưa nông sản vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino (Pháp), Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức)… 

Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nhiều nước như Singapore, Úc, U.A.E, Pháp, Đức, Hoa Kỳ... đã liên hệ, vận động các đầu mối nhập khẩu, phân phối trái cây nước sở tại nhập khẩu rau quả của Việt Nam và đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá trực tiếp đến người tiêu dùng nước sở tại, đặc biệt là các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường.

Chuối Việt Nam được bày bán tại siêu thị Don Kihote của Nhật Bản.

Chuối Việt Nam được bày bán tại siêu thị Don Kihote của Nhật Bản

Bộ Công Thương cũng đã chủ động theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, những biến động của thị trường thế giới.

Đồng thời, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu (định kỳ hàng tuần đăng tải, công bố “Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản” trên chuyên trang của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương).

Những thông tin đó đã kịp thời phổ biến, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, ứng phó nhanh nhạy với những biến động của thị trường.

Kiến An