Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh

6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 42,9% so với cùng kỳ và tăng mạnh nhất trong top 3 thị trường lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, không vì thế mà vui bởi thời gian qua sự “nóng, lạnh” của thị trường này trong tiêu thụ nông sản khiến nông dân nhiều phen lao đao, gần đây nhất là sự đổ dốc giá lợn hơi do thương lái Trung Quốc ngưng mua. Qua đó cho thấy nông sản Việt đang phụ thuộc lớn vào thị trường này.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và trước EU), xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc luôn đạt mức tăng trưởng mạnh.

Thị trường số một của nông sản Việt

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2017 tăng 42,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 13,02 tỷ USD, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt 2,85 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng kim ngạch, tăng 101,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xếp vị trí thứ hai là nhóm hàng rau quả, đạt 1,25 tỷ USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 9,6% tổng trị giá xuất khẩu. Đứng thứ ba là nhóm hàng xơ, sợi dệt các loại, đạt 933,5 triệu USD, chiếm 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2016...

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc cũng là thị trường đứng thứ 4 trong top 10 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn, đạt 501,69 triệu USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ 2016; và luôn là thị trường xuất khẩu nông sản số 1 của Việt Nam.

Cùng với việc đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu rau quả, chiếm tới 74,9% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại, tăng 55,4% so với cùng kỳ 2016, Trung Quốc còn là thị trường chủ lực xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn, chiếm tới 89% tổng lượng sắn xuất khẩu với trên 1,8 triệu tấn, trị giá 438,1 triệu USD...

Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017, phần lớn hàng hóa xuất khẩu đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 393,8%, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 8,9 triệu USD.

Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tăng trưởng mạnh ở một số nhóm hàng như: sắt thép tăng 171%; dây điện và dây cáp điện tăng 116%; cao su tăng trưởng 81%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 86%.

Riêng, xuất khẩu cà phê, chè và dầu thô sang thị trường Trung Quốc lại sụt giảm mạnh về kim ngạch, với giảm tương ứng 20,3%; 23% và 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, về tổng thể xuất khẩu của Việt Nam không phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhưng riêng ngành nông nghiệp, rõ ràng việc tiêu thụ nông sản đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Bởi lẽ đó, mọi biến động thương mại nông sản của thị trường Trung Quốc, dù lớn, dù nhỏ sẽ lập tức tác động đến đời sống của 70% người lao động đang sống ở khu vực nông thôn, vì thu nhập của họ lệ thuộc rất lớn vào việc bán các sản phẩm nông sản.

Cần phải đa dạng hóa thị trường

Dù xác định là thị trường tiêu thụ lớn nhất hầu hết các mặt hàng nông sản, nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường này đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì lâu nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch không có hợp đồng, tình trạng hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu vẫn thường xuyên xảy ra, cùng nhiều khó khăn khác do ảnh hưởng từ chính sách quản lý biên mậu của Trung Quốc.

Theo ông Trần Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn số một của lợn hơi, khi thị trường này ăn mạnh thì hút hàng ngay, họ ngừng mua thì lao đao. Vì vậy, sau thời gian thị trường này ngưng mua giá lợn đã đổ dốc, bây giờ họ mua lại nên giá tăng.

Sở đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi cũng như các trang trại không vì lý do tăng giá này mà tự ý tăng đàn trở lại, vì thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ bằng đường tiểu ngạch, luôn bị động và rủi ro cao, chỉ cần một động thái nhỏ từ thị trường Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cả ngành chăn nuôi lợn trong nước, và sẽ ảnh hưởng mạnh đến sản xuất của ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Theo các chuyên gia, để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cần phải đa đạng hóa thị trường, có chiến lược và sách lược cụ thể.

Trước mắt, cần tháo gỡ những nút thắt quan trọng, đó là đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Có những giải pháp cụ thể hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản, tìm cách đưa nông sản Việt sâu vào đời sống tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

“Mặc dù là thị trường xuất khẩu số một của nông sản Việt, nhưng có một thực tế là chúng ta biết quá ít về cung, cầu nông sản của Trung Quốc, do thông tin thị trường còn kém cũng như không có bất cứ nghiên cứu nào về thị trường này. Vì vậy, chỉ cần thị trường Trung Quốc có thay đổi nhỏ lập tức tác động đến chúng ta ngay”, một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả ở Tiền Giang nói.
Theo Vneconomy