Xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang Hoa Kỳ: Khẳng định vị trí sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thaco mà còn với ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, khẳng định khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thaco chính thức ký kết thoả thuận độc quyền phân phối sơ mi rơ moóc tại Mỹ

Ngày 15/12, tại Quảng Nam đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và phát biểu tại sự kiện. Lễ ký kết có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thaco mà còn với ngành công nghiệp cơ khí nước nhà, khẳng định khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau gần 2 năm nghiên cứu, phát triển và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Mỹ, sơ mi rơ moóc Thaco đã được đánh giá phù hợp với nhu cầu khách hàng và có năng lực cạnh tranh cao. Đến nay PITTS Enterprises và Thaco đã ký hợp đồng xuất khẩu 15.500 sơ mi rơ moóc trong năm 2022 với giá trị 215 triệu USD và đối tác đã chuyển tiền đặt cọc trước 30% giá trị, tương đương 64,5 triệu USD.

Tại sự kiện, Thaco Industries và PITTS Enterprises chính thức ký kết Thỏa thuận độc quyền phân phối sơ mi rơ moóc tại thị trường Mỹ, doanh số 25.000 sơ mi rơ moóc trong năm 2023, với giá trị hơn 350 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên biểu dương những kết quả mà Tập đoàn Thaco đạt được

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên biểu dương những nỗ lực vượt bậc và sự năng động, sáng tạo của Thaco; đồng thời nhấn mạnh: "Việc Tập đoàn Thaco tìm kiếm được đối tác và ký kết hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, đồng thời bàn giao gần 1.000 sơ mi rơ mooc đầu tiên trong năm nay để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy do đại dịch Covid - 19 gây ra, là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc, sự năng động, sáng tạo và sức bật ngoạn mục của Thaco; khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia và khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ".

Dây chuyền sản xuất sơ mi rơ moóc của Tập đoàn Thaco

Là doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam, Thaco đã phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với các lĩnh vực: Ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, logistics, đầu tư - xây dựng và thương mại - dịch vụ có tính bổ trợ và tích hợp cao theo xu thế hội nhập quốc tế.

Từ năm 2003, Thaco đã đầu tư sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với mục đích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Đến nay, ô tô của Thaco có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất: Xe tải đạt 45%; xe bus đạt 60%; một số mẫu xe du lịch đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Thaco đã xuất khẩu xe du lịch Kia sang Myanmar, Thái Lan; xe bus sang Philippines, Thái Lan, Singapore và xe tải sang Campuchia. Bên cạnh việc sản xuất phục vụ cho ô tô, Thaco đã cung ứng linh kiện OEM cho các đối tác sản xuất ô tô trong nước như: Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhận gia công cơ khí các sản phẩm công nghiệp và dân dụng cho các đối tác như: General Electric, Doosan, Makitech… Đồng thời xuất khẩu sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ sang một số thị trường lớn, cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Trong đó, sơ mi rơ moóc được xác định là sản phẩm chiến lược mà Thaco có nhiều lợi thế tại các thị trường chủ lực.

Sơ mi rơ moóc của Thaco được đánh giá phù hợp với nhu cầu của khách hàng và có năng lực cạnh tranh cao

Lễ xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ hôm nay cũng như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua có ý nghĩa khẳng định Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô; Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 và hoạt động giao thương hàng hóa với khu vực và thế giới của chính phủ và bộ công thương là đúng đắn nếu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện với quyết tâm cao và có chiến lược, kế hoạch đúng và phù hợp.

Bộ Công Thương, với chức năng là cơ quan chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ, tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhất là các ngành có tính nền tảng, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Huyền My