Xuất khẩu trái cây đối mặt với lợi ích nhóm

Việc mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số - tiền đề cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trái cây phụ thuộc vào lời giải bài toán với các lợi ích nhóm

Dư địa khai thác lớn

Diện tích trồng trái cây ở nước ta đến nay đạt gần 1 triệu ha, lớn thứ hai chỉ sau cây lúa. Xét về hiệu quả xuất khẩu, trái cây xếp hàng số 1 cùng với cà phê, khi kim ngạch xuất khẩu đạt hơn hơn 4 tỷ USD trên diện tích trồng 989 ngàn ha, tương đương với kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,5 tỷ USD trên diện tích 720 ngàn ha.

Thu hoạch chanh leo ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai
Thu hoạch chanh leo ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai

 

Đến nay, những trái cây chủ lực của nước ta như thanh long, chuối, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) EU, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… cho phép nhập khẩu. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã có 9 loại trái cây Việt Nam nhập khẩu gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Trong con mắt của chúng ta, trái cây Việt Nam có lẽ không nổi tiếng bằng cà phê, hồ tiêu Việt Nam đang đứng thứ 2, thứ 3 thế giới về sản lượng xuất khẩu, nhưng kim ngạch xuất khẩu trái cây hiện đã vượt qua kim ngạch cà phê, hồ tiêu, và thâm nhập vào thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy chất lượng trái cây nước ta đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn quốc tế, chinh phục người tiêu dùng. Cùng với đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, với chuỗi tiêu thụ của các nước.

Hiệu quả của xuất khẩu trái cây khiến nhiều địa phương đẩy nhanh việc hình thành các vùng sản xuất trái cây tập trung quy mô lớn ở miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu long. Có thể kể vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương); nhãn (Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang, Vĩnh Long); mận Bắc Hà (Lào Cai); cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hậu Giang); xoài (Sơn La, Khánh Hòa, Ðồng Nai, Ðồng Tháp, An Giang); bưởi (Hà Nội, Phú Thọ, Bến Tre, Vĩnh Long); thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); dứa (Ninh Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Kiên Giang); chôm chôm (Ðồng Nai, Bến Tre)...

Tương lai của trái cây nước ta còn rộng mở. Trên bình diện thế giới, Việt Nam hiện tham gia vào thị trường xuất khẩu trái cây mới chỉ chiếm 1,4 - 1,5% giá trị nhập khẩu của thế giới nên dư địa khai thác còn rất lớn. Ở bình diện trong nước, đến nay chúng ta mới  cấp mã số cho khoảng 1.200 vùng trồng quả tươi xuất khẩu ra thế giới với diện tích hơn 50.000 ha, tức mới chiếm gần 5% diện tích cây ăn trái.

Bài toán cùng có lợi

Vì sao phải cấp mã vùng trồng? Để xuất khẩu trái cây, Việt Nam phải đàm phán mở cửa thị trường, phải nộp hồ sơ mở cửa thị trường, trong đó phải làm là phân tích nguy cơ dịch hại, phải thiết lập vùng trồng với diện tích tối thiểu 10ha và phải được cấp mã số. Đó là yêu cầu của nước nhập khẩu nhằm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, quản lý được những loài côn trùng dịch hại, kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và loại trừ việc lạm dụng phân, thuốc hóa học.

Các đại biểu tham dự Hội nghị xuất khẩu trái cây Sơn La năm 2019
Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị xuất khẩu trái cây Sơn La năm 2019

 

Ngay cả thị trường thường được coi là “dễ tính” như Trung Quốc, từ tháng 5/2018 đã bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu trái cây để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc.

Với thị trường tiểu ngạch, sau một thời gian gian dài đã nới lỏng cơ chế, chính sách để các tỉnh nghèo như Vân Nam, Quảng Tây thúc đẩy xuất nhập khẩu và kinh tế, đến nay, Trung Quốc bắt đầu siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu. Đây cũng là lý do khiến tăng trưởng xuất khẩu trái cây nước ta chững lại, dự báo năm 2019 chỉ tăng 0,8% so với năm 2018, vì Trung Quốc chiếm 81% kim ngạch trái cây nước ta.

Cho đến nay, người nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có chung nhận thức muốn thúc đẩy xuất khẩu trái cây, phải được cấp mã số vùng trồng. Giải pháp cũng nhanh chóng nhận được sự đồng thuận là Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với các địa phương, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn để  được cấp mã số cho vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu.

Nhưng việc triển khai khá chật vật vì nhiều lý do. Về khách quan, để hoàn thành mở cửa thị trường và cấp mã số vùng trồng thường kéo dài 3 - 15 năm tùy theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Để được cấp mã số vùng trồng, vùng sản xuất của người nông dân tối thiểu đạt 10 ha, phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khuyến khích sử dụng phân, thuốc hữu cơ, sinh học thay vì lạm dụng phân, thuốc hóa học.

Bên cạnh đó, sản phẩm phải được đóng gói và xử lý chiếu xạ hoặc xử lý hơi nước nóng (tùy theo quy định của từng thị trường) tại những cơ sở được cấp mã số. Đối Với các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… chuyên gia kiểm dịch của họ sẽ trực tiếp giám sát vùng trồng, giám sát nhà đóng gói và cơ sở xử lý chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng… là những khó khăn về nguồn lực, không phải người dân, doanh nghiệp nào cũng “theo” được.

Về chủ quan, để được cấp mã vùng trồng, phải trải qua rất nhiều khâu và liên kết chặt chẽ giữa các nhóm nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ sở nghiên cứu; công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch, nhưng sự phối hợp này còn yếu, do chưa giải được bài toán phân chia lợi ích, thu nhập cho từng nhóm.

Do vậy, việc mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số phụ thuộc nhiều vào lời giải bài toán “cùng có lợi” một cách hài hòa, đầy thuyết phục cho các nhóm có lợi ích khác nhau khi tham gia vào thực hiện.

Lạc Thủy