Xuất nhập khẩu Hà Nội giảm mạnh do dịch Covid – 19, ngành Công Thương tìm cách mở rộng thị trường

Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương và các thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi các hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Hà Nội bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh lây lan ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.

Kết quả hoạt động xuất khẩu của Hà Nội quý I/2020 đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 11,3%).

Trong đó, nhóm hàng Điện tử - máy tính (chiếm tỷ trọng 14,2% và giảm 32,1%), máy móc thiết bị phụ tùng chiếm (12,8% và giảm 23,2%), dệt may (chiếm 13,3% và giảm 17,6%), điện thoại và linh kiện chiếm (1,7 và giảm 27%), thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh (chiếm 2,3% và giảm 16,3%).

Kim ngạch nhập khẩu quý I/2020 giảm 21,3% so với quý I/2019, ước đạt 5.832 triệu USD (cùng kỳ tăng 1,3%), các nhóm hàng nhập khẩu giảm sút như: Máy móc thiết bị, phụ tùng (chiếm tỷ trọng 16,6% và giảm 34,1%), phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm 5,9% và giảm 30,1%), sắt thép (chiếm 5,1% và giảm 19,5%), chất dẻo (chiếm 5% và giảm 5%), thức ăn gia súc (chiếm 2,3% và giảm 43,7%), vải (chiếm 2,4% và giảm 29,5%), kim loại khác (chiếm 2,1% và giảm 14,4%).

xuất nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu quý I/2020 giảm 21,3% so với quý I/2019

Trước tình hình đó, để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Sở cũng đã tập huấn, phổ biến thông tin thị trường xuất khâu tiềm năng, trong đó nhấn mạnh đến 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới là CPTPP, và hiệp định EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Sở Công Thương Hà Nội cũng lưu ý các doanh nghiệp cần tìm hiểu các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, nhằm chuẩn bị khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giầy, điện tử…

Bên cạnh đó, Sở cũng đã rà soát mở rộng thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nga, Úc, các nước Đông Âu có cộng đồng Việt Nam sinh sống nhằm giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng vào thời điểm cuối năm 2020.

Phương Thúy