Xúc tiến thương mại bằng truy xuất nguồn gốc

Trong chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần nhấn mạnh, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, khi chúng ta đã có nhiều FTA rồi, để khai thác được cơ hội, vấn đề quan trọng nhất của xúc tiến thương mại là tổ chức sản xuất sao cho có thể truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu
, vấn đề đặt ra đối với nông sản nước ta hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Vấn đề đặt ra đối với nông sản nước ta hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hội nhập sâu-tác động nhanh

Tại các tỉnh, Bộ trưởng cho biết, năm 2019, 2020 và các năm sắp tới, tình hình thế giới sẽ tác động rất nhanh đến kinh tế nước ta. Ví dụ như dịch Covid-19 ảnh hưởng ngay đến giao lưu thương mại Việt-Trung. Covid-19 còn có khả năng làm giảm nhu cầu thế giới, qua đó tác động đến hoạt động xuất khẩu nước ta.

Với dịch Covid-19, tất cả các nước sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng với một nước đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu như nước ta, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 trên 263 tỷ USD, tương đương với quy mô GDP của nền kinh tế, thì tác động của dịch là rất lớn.

Giữa khó khăn đó, chúng ta có một tin vui, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Nếu kỳ họp tháng 5 tới Quốc hội nước ta phê chuẩn thì có nhiều khả năng đến tháng 7 hai bên có thể xuất khẩu hàng hóa sang nhau với thuế suất ưu đãi.

Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là làm thế nào để khai thác được cơ hội này. Thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã khẩn trương sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan… nhưng chắc cũng phải mất một thời gian.

Vì theo nguyên tắc phải đàm phán mở cửa thị trường, phải để cho đối tác vào kiểm tra về dịch bệnh, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về truy xuất nguồn gốc… sau mới cấp phép xuất khẩu.

Trong khi đó, vấn đề đặt ra đối với nông sản nước ta hiện nay là yếu tố chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước; quy trình canh tác, quản lý dịch bệnh chưa được áp dụng đồng bộ, triệt để nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó kiểm soát được nguồn cung và vấn đề an toàn.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt

Hơn thế nữa khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…; dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm (do vậy, nhiều mặt hàng rau quả, trái cây của Việt Nam dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng vẫn chưa thâm nhập được nhiều thị trường).

Những hỗ trợ thiết thực

Chính vì thế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần nhấn mạnh, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, khi chúng ta đã có nhiều FTA rồi, để khai thác được cơ hội, yếu tố số 1 bây giờ là tổ chức sản xuất chứ không phải thị trường.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh chú trong đến khâu tổ chức sản xuất với hàng nông sản, theo tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật được nhiều nước công nghiệp phát triển công nhận.

Để hỗ trợ, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, cùng các ngành hàng lớn tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến Hiệp định EVFTA, để các cán bộ quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm được cơ hội và điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước có FTA với nước ta.

Trái cây đủ tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc của nước ta tham gia hội chợ Trung Quốc
Trái cây đủ tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc của nước ta tham gia hội chợ tại Trung Quốc

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rất tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan chủ trì về công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nội dung sau:

a). Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường;

b). Từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản xuất khẩu;

c). Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó;

d). Lập cơ sở dữ liệu về các biện pháp an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính, công bố để các doanh nghiệp tham khảo…

Trong bối cảnh cánh cửa thị trường đã được mở tối đa về mặt thuế quan, xuất xứ hàng hóa… như hiện nay, thì đầu tư vào các yếu tố liên quan đến tổ chức sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo ra những bứt phá mới về dung lượng thị trường và tăng trưởng kim ngạch, đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước.

Nam Sách