Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu

Với sự hỗ trợ của hoạt động XTTM, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 15 nước (2000) lên 72 nước, vùng lãnh thổ (2009) và tăng lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (2019), đến nay là hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ngân sách nhà nước đầu tư cho xúc tiến thương mại (XTTM)  hạn chế, Cục XTTM, Bộ Công Thương đã phối hợp hiệu quả với địa phương, hiệp hội, và doanh nghiệp nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển ngoại thương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là Chương trình XTTM quốc gia (nay là Chương trình cấp quốc gia về XTTM).

Qua tổng kết, đánh giá, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp chủ đạo trong 2 khía cạnh. Một là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục qua các năm (đặc biệt là việc Việt Nam xuất siêu liên tiếp các năm từ 2012 -2014 và từ 2016 - 2019 sau nhiều năm liên tục nhập siêu).

xuất siêu

Hai là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu và các dịch vụ kèm theo.

Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo ngày càng tăng; năm 2001 chiếm 33,9%; năm 2010 chiếm 53,8%; năm 2020 chiếm 85,1%.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nhiên liệu và khoáng sản ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2001 chiếm 21,6%, năm 2010 chiếm 11,1%; năm 2020 chiếm 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu

Với sự hỗ trợ của hoạt động XTTM, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 15 nước (2000) lên 72 nước, vùng lãnh thổ (2009) và tăng lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (2019), hơn 230 nước và vùng lãnh thổ tính đến thời điểm hiện nay.

Mặc dù kinh phí hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn hạn chế, nhưng với sự đa dạng hóa hình thức và không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM nên Chương trình XTTM quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, củng cố và phát triển thị trường trong nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2003 - 2020, với vai trò thường trực Ban Quản lý Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Cục XTTM đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt trên 3.200 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2.100 tỷ đồng.

Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm và bao gồm 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động XTTM với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa đạt gần 30 tỷ USD và 1.000 tỷ đồng; tổng giá trị hợp đồng mua bán hàng hóa, đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và doanh số bán hàng đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, các đoàn giao dịch thương mại, hoạt động kết nối cung cầu, Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam duy trì và phát triển theo chiều sâu tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; quay trở lại thị trường Nga, Đông Âu; tăng cường hoạt động tại thị trường ASEAN; hỗ trợ khai thác thị trường mới tại Trung Đông, Châu Phi và Mỹ La-tinh.

Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ cho các Hiệp hội, ngành hàng tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành chủ chốt trên thế giới như phần mềm, dệt may, da giày, thủy sản, nông sản, rau hoa quả, thực phẩm chế biến... giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của các ngành trong thời gian qua cũng như tạo điều kiện để kết nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp thương mại, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu về hàng hóa, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các hoạt động XTTM trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo cũng đã góp phần tích cực trong việc phát triển, mở rộng thị trường trong nước, xây dựng kênh phân phối tại các khu vực thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam“ do Bộ Chính trị phát động.

Vỹ Dạ