Xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ

Năm 2022, dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang  trên 160.000 tấn, trong đó vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS, sản lượng khoảng 1.600 tấn.

Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022”. Hội nghị được kết nối với điểm cầu tại Đại sứ quán, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo Vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: “Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” tiếp tục là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại thị trường khó tính trên thế giới.

Dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 trên 160.000 tấn, trong đó vải thiều xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS, diện tích 218ha, sản lượng đạt 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm tiên tiến để hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Đối với vải thiều, hiện đã xuất khẩu được từ 40-50% sản lượng song chủ yếu vẫn là xuất tươi, sản phẩm chế biến còn hạn chế. Do đó, tỉnh sẽ quan tâm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa tham gia xuất khẩu vải thiều tươi, vừa đầu tư công nghệ để xuất khẩu sản phẩm qua chế biến.

Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước. Ngoài thị trường nội địa, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng vải thiều trên các Sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Amazon, Alibaba, Sendo, Postmart, Voso,...; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội Facebook, Zalo…

Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh Bắc Giang xác định là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, tuy nhiên đây lại là thị trường "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang gặp phải một số khó khăn. Do đó, tại hội nghị này, Bắc Giang kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn cho công tác tiêu thụ vải thiều của tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và các doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản tìm hiểu, trao đổi, hợp tác, thu mua, nhập khẩu trái vải tươi, các sản phẩm chế biến từ trái vải và các nông sản có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang.

ky ket
Các đại biểu dự Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận phân tích về nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ đối với các mặt hàng nông sản, nhất là đối với sản phẩm vải thiều của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Qua đó, các đại biểu cũng đi sâu phân tích làm rõ những khó khăn, thách thức đối với vải thiều của Bắc Giang và các sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Trọng tâm là vấn đề chiếu xạ, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không; thời gian vận chuyển bằng đường biển; công nghệ bảo quản vải thiều tươi;… Qua đó, các đại biểu thể hiện quyết tâm cao đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang để thực hiện được mục tiêu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022” với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị, cơ quan Trung ương; các Đại sứ quán, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại trong nước và quốc tế đã thể hiện sự đoàn kết quyết tâm của chính quyền Bắc Giang trong triển khai mục tiêu đưa trái vải vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ - một thị trường rộng lớn, tiềm năng với trên 300 triệu dân.

Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển khá toàn diện và năng động, luôn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP. Bắc Giang được biết đến là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, với 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng, 155 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 08 quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); được xuất khẩu tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.... Vải thiều của Bắc Giang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh dịch COVID-19 rất phức tạp nhưng vụ vải thiều năm 2021 của tỉnh đã rất thành công. Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 215.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với vụ năm 2020. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng.

Thị trường xuất khẩu được ổn định, quả vải đã khẳng định được thương hiệu, định vị giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…

Thanh Xuân