Ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng

ThS. LÊ SƠN TÙNG (Khoa Hành chính học, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu nội dung (tiêu chí) ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường, tác giả tiến hành khảo sát ý kiến của 180 người dân trên địa bàn 4 quận trung tâm của Thành phố Hải Phòng. Đây là những quận có lượng giao dịch của người dân ở mức cao được thống kê hàng năm, gồm: quận Hồng Bàng, quận Lê Chân, quận Ngô Quyền, quận Hải An. Kết quả nghiên cứu, khảo sát đạt được sẽ giúp cho tác giả cơ sở khoa học để phân tích, đánh giá thực trạng ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường trên địa bàn Thành phố.

Từ khóa: ý thức, trách nhiệm, thực thi nhiệm vụ, công chức phường.

1. Ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường

Thuật ngữ “thực thi nhiệm vụ” được giải thích là “thực hiện công việc được giao phó”[1] hoặc “thi hành công việc phải gánh vác”[2]. Từ đây, có thể hiểu khái quát ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường là ý thức, trách nhiệm thực hiện các công việc mà công chức đó được giao phó, được đánh giá là một trong những tiêu chí về năng lực làm việc của công chức.

Xét trên phương diện nghiên cứu, cách tiếp cận này cũng tương đồng với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, theo đó ý thức, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của công chức được xem xét là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng về năng lực làm việc của công chức, được phản ảnh rõ nét qua kết quả thực thi nhiệm vụ chuyên môn và sự hài lòng của người dân[3]. Bên cạnh đó, xét trên phương diện quản lý, ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức được xem xét ở khía cạnh đạo đức công vụ. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản liên quan quy định rõ về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức: Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao… Các công trình nghiên cứu và quy định của pháp luật đã chỉ rõ những nội dung cơ bản của ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức nói chung, công chức phường nói riêng, bao gồm:

a) Chấp hành pháp luật trong thực thi nhiệm vụ

- Chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực hoạt động chuyên nôn (YT1): Nội dung này vừa đảm bảo tính kỷ cương trong thực thi công vụ của công chức, vừa đảm bảo công chức phường không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi giải quyết hồ sơ. Công chức phường nhất thiết phải tuân thủ luật pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được phân công.

- Tuân thủ quy trình làm việc (YT2): Nội dung này thể hiện qua việc công chức phường phải tuân thủ trình tự thực hiện các nội dung giải quyết công việc được giao để vừa đảm bảo trật tự, kỷ cương, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn cũng như hoạt động quản lý của cơ quan chính quyền.

- Tuân thủ quy định về thời gian làm việc (YT3): Cơ quan chính quyền cấp cơ sở với đặc điểm là cơ quan phục vụ nhân dân một cách thường xuyên, bên cạnh vấn đề quản lý theo hiệu quả công việc,  quản lý thời gian vẫn nhất thiết phải được áp dụng một cách nghiêm túc. Do đó, công chức phường phải tuân thủ thời gian làm việc được quy định để phục vụ nhân dân một cách liên tục.

b) Tinh thần hợp tác, cầu thị trong thực thi nhiệm vụ

- Tinh thần hợp tác trong công việc (YT4): Trong quá trình giải quyết hồ sơ của người dân, tinh thần hợp tác đó là sự hòa nhập, chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm của công chức phường với người dân khi họ đến cơ quan chính quyền để yêu cầu giải quyết công việc, từ đó nắm bắt được nhiều thông tin phản hồi cũng như nguyện vọng của người dân.

- Tinh thần học hỏi, cầu thị trong công việc (YT5): Các vấn đề xã hội không ngừng nảy sinh và diễn biến phức tạp gắn với những yêu cầu của người dân đối với cơ quan chính quyền, mỗi công chức phường phải tự học hỏi với một thái độ cầu thị, từ đó mới có thể giải quyết công việc của người dân một cách tốt nhất.

c) Tinh thần sẵn sàng làm việc và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

- Tinh thần sẵn sàng làm việc (YT6): Nội dung này thể hiện ở việc công chức phường với vai trò là công bộc của nhân dân, sãn sàng làm việc, hỗ trợ, phục vụ nhân dân để giải quyết yêu cầu của họ một cách tốt nhất.

- Trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ: Nội dung này thể hiện ở việc công chức phường khi được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về nội dung công việc chuyên môn được giao (YT7); chịu trách nhiệm về tiến độ giải quyết công việc được giao (YT8). Chịu trách nhiệm chính về quá trình thực hiện và những kết quả giải quyết yêu cầu của người dân, như vậy mới thực sự tạo được sự tin tưởng của người dân đối với chính quyền.

Từ những tiêu chí về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường nêu trên, tác giả thiết kế phiếu khảo sát gồm 8 câu hỏi với thang đo 5 mức độ: 1 - Rất không đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3 - Không ý kiến; 4 - Đồng ý; 5 - Rất đồng ý. Với công cụ nghiên cứu là phiếu khảo sát được thiết kế, tác giả tiến hành khảo sát theo trình tự khoa học để thu thập thông tin khách quan phục vụ cho việc phân tích, đánh giá thực trạng ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng.

2. Kết quả khảo sát ý kiến người dân về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng

2.1. Mẫu khảo sát

Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, đô thị loại I, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc bộ của Việt Nam. Hải Phòng có 7 quận, 8 huyện, gồm 217 xã, phường, thị trấn với tỷ lệ dân cư khu vực đô thị và mặt bằng dân trí ở mức cao so với mức trung bình của cả nước[4]. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi đối với tác giả trong quá trình thực hiện khảo sát ý kiến của người dân về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường. Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả tiến hành khảo sát có chọn lọc, gồm hai bước cơ bản: Khảo sát sơ bộ và khảo sát chính thức.

- Khảo sát sơ bộ: Tác giả lựa chọn đối tượng khảo sát là người dân đã từng ít nhất 5 lần đến giải quyết thủ tục hành chính tại ủy ban nhân dân phường trên địa bàn cư trú của 4 quận đã xác định ban đầu. Sau khi phỏng vấn, nhận được sự đồng ý trả lời, tác giả mới tiến hành phát phiếu khảo sát chính thức để đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả của việc khảo sát.

- Khảo sát chính thức: Sau khi nhận được sự đồng ý trả lời phiếu khảo sát của 150 người dân về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường, tác giả phát phiếu khảo sát chính thức. Kết quả thu về 174/180 phiếu hợp lệ, đạt tỷ lệ hồi đáp 96%, được tác giả tiến hành xử lý mã hóa, thống kê dữ liệu bằng phần mềm SPSS 23.0.

2.2. Kết quả khảo sát

Đầu tiên, tác giả kiểm định độ tin cậy của các biến quan sát được thiết kế trong phiếu khảo sát thông qua hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha. Kết quả là: Cronbach’s Alpha của mỗi biến đều >0.6 và hệ số tương quan biến - biến tổng >0,3. Điều đó cho thấy mẫu khảo sát đảm bảo độ tin cậy[5] để tiến hành các phân tích cần thiết khác phục vụ cho việc nghiên cứu.

Tiếp theo, với việc thống kê, mô tả dữ liệu từ phiếu phảo sát thu được, kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy người dân đánh giá về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường thành phố Hải Phòng theo hướng tích cực ở khía cạnh chấp hành pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác, cầu thị; tinh thần sẵn sàng làm việc, hỗ trợ, phục vụ nhân dân lại được đánh giá ở mức hạn chế. Kết quả này được thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1. Ý kiến đánh giá của người dân ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng

 

N

Minimum

Maximum

Mean

Std. Deviation

YT1. Chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn

174

3

5

4.23

.631

YT2. Tuân thủ quy trình làm việc

174

3

5

4.23

.631

YT3. Tuân thủ quy định về thời gian làm việc

174

3

5

4.31

.659

YT4. Tinh thần hợp tác trong công việc

174

2

4

3.02

.692

YT5. Tinh thần học hỏi, cầu thị trong công việc

174

2

4

3.44

.756

YT6. Tinh thần sẵn sàng làm việc (hỗ trợ, phục vụ nhân dân)

174

2

4

2.46

.544

YT7. Chịu trách nhiệm về nội dung công việc chuyên môn được giao

174

3

5

4.56

.563

YT8. Chịu trách nhiệm về tiến độ giải quyết công việc được giao

174

3

5

4.03

.786

Valid N (listwise)

174

 

 

 

 

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả Quý I năm 2021.

Số liệu khảo sát trong Bảng 1 đã góp phần minh chứng về thực trạng ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng.

- Thứ nhất, công chức phường tại thành phố Hải Phòng nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật trong thực thi nhiệm vụ: YT1, YT2, YT3 được đánh giá từ 4.23 đến 4.41 điểm. Đó cũng là lý do để người dân đánh giá cao về việc chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng: YT7, YT8 được đánh giá từ 4.03 đến 4.56 điểm. Việc công chức phường nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc tăng cường trật tự, kỷ cương trong hoạt động hành chính của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[6].

- Thứ hai, công chức phường tại thành phố Hải Phòng được đánh giá hạn chế về tinh thần hợp tác trong công việc, tinh thần học hỏi, cầu thị trong công việc: YT4, YT5 đạt mức thấp, từ 3.02 đến 3.44 điểm. Thậm chí, không đạt về tinh thần sẵn sàng làm việc (hỗ trợ, phục vụ nhân dân): YT7 = 2.46 điểm. Những hạn chế này đặt ra vấn đề cần quan tâm, trở thành thách thức đối với các nhà quản lý. Đó là do, công chức đóng vai trò là công bộc của nhân dân, phải “tận tụy phục nhân dân” - tiêu chí quan trọng được quy định trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Và thực tế, muốn tận tụy phục vụ nhân dân, họ phải thể hiện được tinh thần sẵn sàng làm việc, hỗ trợ, phục vụ nhân dân; tinh thần hợp tác, học hỏi, cầu thị trong quá trình tiếp xúc và giải quyết hồ sơ của người dân. Có như vậy, đất nước mới thực hiện thành công được mục tiêu cải cách hành chính nhà nước theo hướng nền hành chính phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo[7].

3. Kết luận và khuyến nghị

Từ khung lý thuyết nghiên cứu về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường được xây dựng rõ ràng, tác giả tiến hành khảo sát ý kiến của người dân theo quy trình khoa học, đã góp phần làm sáng tỏ thực trạng ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng. Kết quả khảo sát cho thấy, người dân đánh giá về ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của công chức phường tại thành phố Hải Phòng theo hướng tích cực ở khía cạnh chấp hành pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác, cầu thị; tinh thần sẵn sàng làm việc, hỗ trợ, phục vụ nhân dân lại được đánh giá ở mức hạn chế, đã và đang đặt ra vấn đề cần quan tâm, trở thành thách thức đối với các nhà quản lý Thành phố.

Để chung tay góp phần khắc phục những hạn chế trên, tác giả khuyến nghị đối với nhà quản lý, cấp có thẩm quyền của thành phố Hải Phòng:

- Thứ nhất, tăng cường việc giáo dục, kiểm tra, đánh giá về ý thức, trách nhiệm làm việc và thái độ phục vụ của công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn thành phố (đánh giá trong). Điều đó là bởi vì công chức xã, phương, thị trấn là những người thường xuyên tiếp xúc và trực tiếp giải quyết yêu cầu của người dân; ngoài năng lực chuyên môn thì ý thức, trách nhiệm nhiệm làm việc và thái độ phục vụ của công chức hưởng lớn, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan chính quyền cấp xã, tạo được sự tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền sở tại.

- Thứ hai, tăng cường công tác đánh giá từ phía người dân, doanh nghiệp (đánh giá ngoài) về ý thức, trách nhiệm làm việc và thái độ phục vụ của công chức cấp cơ sở để có được thông tin khách quan, thường xuyên, từ đó có hướng điều chỉnh phù hợp nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt NXB. Hồng Đức,.

[2] Nguyễn Lân (2006). Từ điển Từ và ngữ Việt Nam. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

[3] Ngo Sy Trung, Do Huu Hai, Vu Thi Yen Nga, Tran Thi Hanh (2020). The working capacity of Vietnamese local civil servants. Proceedings of Fifth International Congress on Information and Communication Technology (ICICT 2020), Volume 2. Springer, Singapore.

[4] Từ điển Bách khoa toàn thư mở, địa chỉ https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_Phong.

[5] Theo Lê Văn Huy, Trương Trần Trâm Anh (2012). Khi hệ số Cronbach’s Alpha của mỗi biến đều >0.6 và hệ số tương quan biến - biến tổng >0,3 thì mẫu khảo sát đảm bảo độ tin cậy.

[6] Thủ tướng Chính phủ (2016), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

[7] Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo”. Xem thêm bản tin “Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020” tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, địa chỉ http://thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2021-3-18/Tong-ket-Chuong-trinh-tong-the-cai-cach-hanh-chinhys0l1o.aspx.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Văn Huy, Trương Trần Trâm Anh (2012). Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh. NXB. Tài chính, Hà Nội.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008). Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
  3. Nguyễn Lân (2006). Từ điển Từ và ngữ Việt Nam.NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Ngo Sy Trung, Do Huu Hai, Vu Thi Yen Nga, Tran Thi Hanh. (2020). The working capacity of Vietnamese local civil servants. Proceedings of Fifth International Congress on Information and Communication Technology (ICICT 2020), Volume 2. Singapore: Springer.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2016), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
  6. Từ điển Bách khoa toàn thư mở, địa chỉ https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai_Phong
  7. Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt, NXB. Hồng Đức, Hà Nội.

 

THE CONSCIOUSNESS AND RESPONSIBILITIES IN PERFORMING TASKS OF WARD-LEVEL CIVIL SERVANTS IN HAI PHONG CITY

Master. LE SON TUNG

Faculty of Administration, Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

In order to build a theoretical framework for researching the consciousness and responsibilities in performing tasks of ward-level civil servants, this paper surveyed 180 people living in 4 central districts of Hai Phong City. These four districts including Hong Bang District, Le Chan District, Ngo Quyen District, Hai An District experience a high number of people using services which are provided by ward-level civil servants. The survey’s results provide a scientific basis to analyze and evaluate the current state of consciousness and responsibilities in performing tasks of ward-level civil servants in Hai Phong City.

Keywords: consciousness, responsibility, task performance, ward-level civil servants.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2021]