Yên Nhật có thể tăng qua mức 100 JPY/USD

Các nhà quản lý quỹ đang nóng lên với ý tưởng đồng yên Nhật sẽ mạnh lên tới mức 100 JPY/USD – ngưỡng mà đồng tiền này chạm tới lần cuối cùng là vào năm 2016, nhưng chỉ khi xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đồng yên Nhật đã bắt đầu năm nay với một sự hưng phấn khi đã tăng gần 4% so với đồng bạc xanh ngay tuần giao dịch ngắn đầu năm và các thành viên thị trường cho rằng vẫn còn dư địa để tăng thêm. Deutsche Bank AG dự báo đồng nội tệ của Nhật sẽ chạm ngưỡng 100 JPY/USD vào cuối năm, trong khi Russell Investments Ltd và Credit Agricole SA dự báo ngưỡng giá này sẽ đạt được vào năm 2020. Cuối tuần trước, đồng yên được giao dịch ở mức 108,3 JPY/USD.

Dưới đây là dự báo của các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia về xu hướng của đồng yên.

Deutsche Bank

Ngân hàng này đang khuyến nghị bán USD mua yên Nhật và đặt cược đồng yên có thể chạm mốc 100 trong năm nay. “Mặc dù dư âm của động thái tăng giá nhanh chóng của đồng yên đang phai mờ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, các yếu tố hỗ trợ cho đồng yên vượt xa điều này”, các chiến lược gia của Deutsche Bank, trong đó có George Saravelos, cho biết trong một nghiên cứu.

Theo các chuyên gia này, sự thay đổi về cấu trúc trong hành vi của nhà đầu tư Nhật Bản - từ việc chuyển hướng về nội địa cho đến việc tăng cường bảo hiểm rủi ro - sẽ hỗ trợ đồng yên trong năm nay.

Ngân hàng này ước tính giá trị hợp lý cho đồng yên là gần 100 JPY/USD.

Russell Investments

 “Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh và thị trường đánh hơi được đỉnh lãi suất của Fed, ngưỡng 100 nhiều khả năng sẽ đạt được”, Van Luu – Trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ và thu nhập cố định của Russell Investments cho biết. Tuy nhiên, ông thấy điều này nhiều khả năng sẽ diễn ra vào năm 2020, với nguy cơ suy giảm kinh tế tăng cao hơn.

Hiện nhà quản lý tài sản này đang nắm giữ một tỷ lệ khá lớn của đồng yên so với các đồng tiền khác trong nhóm G10 của quỹ tài sản của mình. Russell Investments dự báo yên Nhật sẽ ở mức 102 JPY/USD vào cuối năm nay.

Investec Asset Management

100 là “mức rất lớn”, Russell Silberston - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Investec Asset Management cho biết và lý giải rằng mức cao chỉ được nhìn thấy khi thị trường lo ngại rủi ro năm 2016.

“Tôi nghi ngờ đạt được mức giá này trong ngắn hạn, chúng ta cần chứng kiến một sự hoảng loạn trên thị trường lớn hơn nhiều hoặc một hành động tiền tệ đơn phương từ NHTW Nhật Bản, nhưng cả hai điều này dường như không thể xảy ra”, ông cho biết. “Thử nghiệm đầu tiên sẽ là kiểm tra lại mức cao gần đây là khoảng 105. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ trên cơ sở bền vững, thì việc kiểm tra ngưỡng 100 nhiều khả năng dựa trên quan điểm phân tích kỹ thuật thuần túy”.

Janus Henderson Investors

“Mức tiếp theo mà tôi đang theo dõi là 108 và bất kỳ mức giá đóng cửa nào ngay sát mức đó”, Ryan Myerberg – nhà quản lý quỹ cho biết và nói thêm rằng, ông bắt đầu năm nay với ý nghĩ rằng 110 sẽ là mức cần quan sát, nhưng mức đó đã không còn tồn tại nữa.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, Fed cắt giảm lãi suất, biến động gia tăng trên bình diện thế giới thì với đồng tiền về cơ bản là rẻ như yên Nhật, ngưỡng 100 dường như không quá khó khăn”.

Credit Agricole SA

“Dự báo dài hạn của chúng tôi là cặp đôla-yên sẽ quay trở lại ngưỡng 100 vào năm 2020”, Valentin Marinov – Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ G10 của Credit Agricole SA cho biết. Thậm chí theo vị chuyên gia này, đồng USD nên được giao dịch gần hoặc thậm chí dưới mức 100 JPY.

Hoàng Nguyên (Báo Ngân hàng)