Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Theo đó, danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:

- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U (gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…)

- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;

- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;

- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;

- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.

Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó bao gồm những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế; loại trừ những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.

Hệ thống ngành kinh tế được sửa đổi tuân theo các nguyên tắc: (1) Đảm bảo phản ánh đầy đủ với ngôn ngữ dễ hiểu các hoạt động kinh tế Việt Nam; (2) Bảo đảm sự liên tục và tính so sánh của hệ thống ngành từ phiên bản cũ (VSIC 2007) sang phiên bản mới (VSIC sửa đổi). Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam sửa đổi về cơ bản vẫn kế thừa VSIC 2007 và với Phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế của Liên Hợp Quốc phiên bản lần thứ 4 (ISIC Rev.4). Chỉ sửa đổi từ ngữ ở các ngành cấp 2, cấp 3 và bổ sung ở ngành cấp 4, cấp 5 cho phù hợp với thực tế; (3) Bảo đảm thích hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong việc thu thập số liệu theo từng ngành trong Hệ thống ngành kinh tế.


Thanh Xuân