Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Hướng đi hiệu quả cho hàng Việt

Để phát triển các sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của Việt Nam với giá cao cần phải có thương hiệu mạnh, nổi tiếng và có uy tín trên thị trường. Theo hướng đi đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên g

Đó là mong muốn của Bộ Công Thương khi tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý” ngày 1/12/2016 tại Hà Nội.

Hiện nay chỉ dẫn địa lý và thương hiệu vùng miền ngày càng được các cấp lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, bởi lẽ đây là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực. Việt Nam rất giàu về sản vật được kết tinh từ truyền thống sản xuất nông nghiệp và văn hóa lâu đời của các dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc giới thiệu và trình bày những sản vật đặc trưng của các địa phương không chỉ giúp quảng bá những sản vật này vượt vượt ra khỏi phạm vi một địa phương, vùng miền để đến với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trên cả nước mà còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Việt Nam rất nhiều đặc sản truyền thống, mỗi vùng miền có đặc sản riêng, nếu không chú ý xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại thì giá trị sản phẩm sẽ không được nâng lên. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, nhóm hàng nông sản của Việt Nam thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố an toàn thực phẩm. Chính vì thế, khi xây dựng quy trình để có chỉ dẫn địa lý đòi hỏi sản xuất phải theo quy trình và theo đúng đăng ký. Cho nên việc kiểm tra, kiểm soát từ khâu nguyên liệu đến khâu sản xuất để có sản phẩm an toàn cho người sử dụng là hết sức cần thiết.

Nâng cao nhận thức và hiểu biết của chính quyền cũng như doanh nghiệp tại địa phương về vai trò và lợi ích của hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương sẽ góp phần giúp các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển thị trường và thích ứng sản phẩm tốt nhất với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu trong điều kiện vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu ngày nay đã trở thành điều khoản bắt buộc trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang trở thành thành viên.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu một thực tế, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương vẫn chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Thống kê mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc. Tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài; chỉ 52 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài…

PGS.TS Lê Thị Thu Hà đề xuất xây dựng chỉ dẫn nguồn gốc trước rồi tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý
PGS.TS Lê Thị Thu Hà, chuyên gia tư vấn của dự án cho biết: Một trong những vấn đề mà Việt Nam gặp phải không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài đó chính là truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Vì không truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm nên 80% sản phẩm nông sản không có nhãn hiệu. Và Việt Nam bán sản phẩm dưới dạng nguyên liệu, thô. Khi có bất kỳ biến động nào của thị trường những nhà xuất khẩu nguyên liệu chịu ảnh hưởng đầu tiên, kéo theo ảnh hướng của những người sản xuất. Đặc biệt là mất niềm tin của người sản xuất và cả của người tiêu dùng.

Từ thực tế đó, lãnh đạo TP. Hà Nội cho rằng, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Do đó để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, cần tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

“Xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản gắn với chỉ dẫn nguồn gốc là công cụ thay thế trong giai đoạn trước mắt khi các doanh nghiệp chuẩn bị thêm tiềm lực về công nghệ, tài chính để có thể thực hiện quản lý chí dẫn địa lý một cách bài bản, tiến tới đăng ký chỉ dẫn địa lý”, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, đề xuất.

Bên cạnh ý nghĩa thương mại, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý và thương hiệu địa phương cho sản phẩm còn là biện pháp bảo hộ tốt về mặt pháp lý để hỗ trợ cho xúc tiến thương mại trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua việc bảo đảm uy tín, chất lượng hàng hóa từ các vùng miền của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường thế giới.