Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một dấu, một cửa, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008. Sau Hội nghị, PV Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Huy Hoàng - ủy viên Trung ương

PV: Thưa Bộ trưởng, ngành Công nghiệp và Thương mại tuy mới được hợp nhất từ tháng 8/2007, nhưng trên thực tế đã từ lâu, hai ngành này luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Xin Bộ trưởng đánh giá khái quát những kết quả đạt được của Bộ Công Thương năm 2007 và định hướng phát triển trong những năm tới?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2007 là năm đầu tiên tiến hành hợp nhất hai ngành công nghiệp và thương mại, là năm thứ hai triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, cũng là năm Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết về gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Sau một năm nỗ lực thực hiện, ngành công thương Việt Nam đã phát huy được đà phát triển của những năm trước, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức và đã đạt được những thành tựu quan trọng:

1. Sản xuất công nghiệp

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2007 tăng 17,1% so với năm 2006, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 10,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 20,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước khoảng 18,2%.

- Các sản phẩm công nghiệp trọng yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng như điện, than, phân bón, sắt thép, các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện... tiếp tục đáp ứng nhu cầu của thị trường.

- Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tiếp tục chuyển dịch tăng dần trong cơ cấu kinh tế và thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế quốc dân, năm 2007 đạt 34,64% năm 2007 (Nếu tính cả xây dựng thì tỷ trọng sẽ là 41,61%, cao nhất trong 3 khu vực). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến từ 83,9% năm 2006 lên 84,4% năm 2007. Riêng nhóm ngành chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, trong đó đặc biệt là chế biến thực phẩm và đồ uống đóng góp rất lớn trong cơ cấu công nghiệp chế biến với tỷ trọng là 21,0% và 21,3%.

2. Xuất nhập khẩu

- Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước đạt 48.387 triệu USD, tăng 21,5% so với năm 2006. Hàng công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao và là động lực cho hoạt động xuất khẩu (chiếm 76,3%). Các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch tăng trưởng cao gồm: sản phẩm nhựa; hàng dệt và may mặc; hàng điện tử và linh kiện máy tính; dây điện và cáp điện; sản phẩm gỗ; túi xách, va li, mũ; hàng thủ công mỹ nghệ...

- Về thị trường xuất khẩu, khu vực Châu á và Châu Đại dương tăng 17%  so với thực hiện năm 2006 (các sản phẩm chủ yếu là dầu thô, sản phẩm gỗ, giầy dép, hải sản và sản phẩm hoá chất), khu vực Châu Âu tăng 19,0% (các sản phẩm chủ yếu là dệt may, thủy sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, cà phê, sản phẩm nhựa, thủ công mỹ nghệ), khu vực Châu Mỹ tăng 28,0% (các sản phẩm chủ yếu là hàng dệt may, hàng thuỷ sản, giày dép, sản phẩm gỗ, cà phê), khu vực Châu Phi, Tây á và Nam á tăng 23% nhưng kim ngạch còn nhỏ (chiếm tỷ trọng khoảng 3,8%).

- Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2007 ước đạt 60.783 triệu USD, tăng 35,4% so với năm 2006, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước (20% và 25%).

3. Thị trường trong nước  

- Thị trường trong nước năm 2007 luôn sôi động với nhiều chủng loại hàng hoá đa dạng, phong phú, phương thức mua bán ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các mặt hàng trọng yếu bảo đảm cân đối cung cầu, hệ thống phân phối phát triển khá.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2007 ước đạt 708.480 tỷ đồng, tăng trên 22% so với năm 2006.

Như vậy, kết thúc năm 2007, ngành Công Thương tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển cao trong sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đời sống người lao động tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án đầu tư vào Ngành được các nhà đầu tư quan tâm, hứa hẹn một năng lực sản xuất mới trong các năm tiếp theo.

Kế hoạch phát triển công nghiệp 5 năm 2006 - 2010 có tầm quan trọng đặc biệt, kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 mà trọng tâm là đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời đánh dấu nửa thời gian thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đến nay, chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường với những thành tựu đáng kể. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành Công Thương cần phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn nảy sinh, nhằm đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 mà một số định hướng chủ yếu như sau:

* Về phát triển công nghiệp

- Phát triển công nghiệp theo một cơ cấu mới, đó là hình thành một mạng lưới công nghiệp trong cả nước trên cơ sở đa dạng hoá về quy mô và chế độ sở hữu; trên cơ sở mọi nguồn lực của Việt Nam là trí tuệ và tài nguyên, gắn với hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các công ty xuyên quốc gia, trong đó sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp có hàm lượng tri thức chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, làm cho nền công nghiệp có sức cạnh tranh và đạt hiệu quả cao.

- Phát triển đồng bộ mạng lưới sản xuất công nghiệp và tăng cường năng lực xây dựng trong cả nước trên cơ sở quy hoạch phát triển hợp lý các ngành nghề, phân bố phù hợp với nguồn lực, lợi thế và cơ hội thị trường ở các vùng, các địa phương; đa dạng quy mô và chế độ sở hữu; nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, phát triển đô thị và bảo vệ môi trường.

- Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển và nhanh chóng triển khai xây dựng các khu, cụm, điểm công nghiệp trên cả nước. Tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng công nghiệp trọng điểm trên cơ sở 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam.

- Tăng cường hợp tác và phân công sản xuất công nghiệp với các nước trong khu vực và quốc tế, từng bước đưa công nghiệp Việt Nam trở thành một mắt xích của hệ thống công nghiệp khu vực và quốc tế.

* Về phát triển thương mại

- Phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng chiếm lĩnh thị phần đáng kể trên thị trường thế giới. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; sản phẩm chế biến chế tác, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô; củng cố và tạo dựng mới một số thương hiệu sản phẩm xuất khẩu có uy tín trên thị trường thế giới.

- Gắn kết thị trường trong nước với thị trường ngoài nước theo hướng: phát triển thị trường trong nước để tạo nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu để kích thích sản xuất và thị trường trong nước; mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu đi đôi với việc mở rộng và đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước để hỗ trợ, giảm rủi ro cho xuất khẩu khi thị trường thế giới biến động.

- Phát triển nhập khẩu theo hướng tập trung nguồn lực cho phát triển đầu tư sản xuất; kiềm chế mức nhập siêu hợp lý chủ yếu bằng các giải pháp tăng kim ngạch xuất khẩu, không để ảnh hưởng đến cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô nền kinh tế.

- Xây dựng một nền thương mại nội địa phát triển vững mạnh, hiện đại dựa trên các hệ thống và các kênh phân phối hợp lý với sự tham gia của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế (kể cả đầu tư nước ngoài), vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò của thương mại nội địa trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tạo cơ sở để phát triển xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong GDP, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế-thương mại quốc tế một cách sâu rộng và thành công.

PV: Năm 2008, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về một số giải pháp cơ bản của Ngành trong năm 2008, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đề ra.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2008 Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát huy đà tăng trưởng kinh tế đạt được trong năm 2007, để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP của cả nước năm 2008 trên 8,5%, với tinh thần chỉ đạo phấn đấu năm 2008 thực hiện cơ bản những mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm 2006-2010, ngành Công Thương đề ra những mục tiêu lớn sau đây:

- Giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng 17,5% so với năm 2007. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 11% so với thực hiện năm 2007 (công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%). Trong chỉ đạo, phấn đấu tăng trên 17,5% về giá trị sản xuất và 10,9 - 11% về giá trị gia tăng công nghiệp và xây dựng.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 59,03 tỉ USD, tăng 22,0% so với thực hiện năm 2007 (năm 2007 tăng 21,5% so với năm 2006).

- Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá dự kiến khoảng 76 tỷ USD, tăng 25% so với thực hiện năm 2007.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên thị trường nội địa đạt khoảng 875 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với ước thực hiện năm 2007. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đề ra trong năm 2008, ngành Công Thương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Đối với sản xuất công nghiệp

- Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp năng lượng và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ vật liệu và công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu, công nghiệp cơ khí chế tạo và cơ - điện tử. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên phụ liệu, chi tiết cho các ngành công nghiệp khác như dệt may, da giầy, ô tô, xe máy, đóng tầu...

- Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông, lâm, thuỷ sản, may mặc, giầy dép, cơ khí đóng tầu, chế tạo thiết bị, gia công cơ khí, lắp ráp cơ - điện tử, phương tiện vận tải, đồ gỗ.

- Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin về thị trường trong nước và xuất khẩu, thông tin về khoa học công nghệ, về cơ chế chính sách… để phục vụ doanh nghiệp một cách kịp thời, đồng thời tạo điều kiện quảng bá thương hiệu ra nước ngoài.

- Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, đa dạng hình thức sử dụng vốn cho đầu tư mới và đầu tư chiều sâu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác trong ngành, giữa các ngành và giữa các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất xã hội, tránh tình trạng khép kín, lãng phí trong đầu tư.

2. Đối với thương mại

2.1. Xuất khẩu

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung đề án xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 cho phù hợp yêu cầu và tình hình mới. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đã đề ra.  

- Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, và những mặt hàng có dung lượng thị trường khá, có tốc độ tăng trưởng nhanh như đồ gỗ, dây và cáp điện... Đồng thời cần chú trọng tăng nhanh xuất khẩu dịch vụ như là một hướng còn nhiều tiềm năng để tăng nhanh tổng kim ngạch xuất khẩu, qua đó góp phần giảm nhập siêu.

-  Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường khả năng cung ứng nguyên - vật liệu, bán thành phẩm, phụ liệu đầu vào trong nước phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và thúc đẩy mối quan hệ hỗ trợ liên ngành giữa các ngành công nghiệp, trước hết tập trung cho 2 nhóm hàng dệt may và giày dép.

- Nghiên cứu cơ chế và phương thức nắm bắt thông tin để kịp thời xử lý, tạo điều kiện động viên, thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Phối hợp các Bộ, ngành xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm dịch phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

- Phối hợp với các Bộ xây dựng các chính sách khuyến khích xuất khẩu phù hợp với các định chế của WTO như bảo hiểm xuất khẩu, sử dụng 10% giá trị hàng nông sản trợ cấp cho sản xuất hàng nông sản, trong đó chú ý tới các hàng nông sản xuất khẩu.

- Nghiên cứu để báo cáo Chính phủ việc xem xét giảm thuế một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu như da thuộc, linh kiện điện tử, PVC...

- Tăng cường và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để đạt hiệu quả cao; phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu cao ngang bằng mức tăng nhập khẩu, từng bước giảm tỷ lệ nhập siêu.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương để tạo nên thị trường xuất khẩu mới; tránh tập trung quá mức một mặt hàng vào một thị trường, nhất là những thị trường có những tiềm ẩn bất ổn.

- Phối hợp các Bộ, ngành thúc đẩy phát triển các hoạt động logistic sao cho đồng bộ, nhanh, chất lượng cao, chi phí thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu.

- Tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hoá ở thị trường trong nước và nước ngoài.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là trong lĩnh vực hải quan, hoàn thuế VAT, cấp đất, giải quyết thủ tục đầu tư cho sản xuất hành xuất khẩu...

2.2. Nhập khẩu và hạn chế nhập siêu

- Rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh do việc cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO và AFTA mà trong nước có khả năng sản xuất để có biện pháp hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước nhằm giảm nhập siêu.

- Nghiên cứu cơ chế quản lý nhập khẩu hiệu quả nhằm từng bước giảm kim ngạch nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo phát triển sản xuất trong nước.

- Nghiên cứu và triển khai đồng bộ các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, các loại nguyên liệu vật tư sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu các loại hàng hoá này.

  - Xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp định chế quốc tế đối với hàng nhập khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần hạn chế nhập siêu. Tiếp tục triển khai một số công cụ quản lý phù hợp quy định của WTO như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối.

2.3. Thương mại trên thị trường nội địa

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh và các văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp với thông lệ quốc tế và WTO.

- Quan tâm hơn công tác phát triển thị trường trong nước nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chú trọng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; kiểm soát chi phí sản xuất, chi phí lưu thông những mặt hàng thiết yếu nhằm hạn chế đến mức tối đa sự tăng giá của các mặt hàng.

- Nghiên cứu các giải pháp tác động đến việc phát triển các nhà phân phối lớn đi đôi với việc tạo điều kiện để đông đảo người buôn bán nhỏ ổn định và tăng trưởng trong kinh doanh. Kết hợp hiện đại hoá từng bước mạng lưới thương mại tại các đô thị lớn với củng cố và mở rộng thị trường nông thôn, miền núi.

3. Đối với hoạt động đầu tư - xây dựng

- Thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp; kiến nghị Nhà nước có chính sách thu hút nước ngoài đầu tư các sản phẩm quan trọng mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng đầu tư hoặc không muốn đầu tư, như những dự án khai thác quặng sắt và luyện thép, bôxit nhôm - alumin, lọc hoá dầu, cơ khí chế tạo, hoá chất cơ bản, hoá dược...

- Tạo nền tảng cơ sở kết cấu hạ tầng về năng lượng thông qua việc đầu tư và đẩy mạnh tốc độ xây dựng các nhà máy điện, cải thiện tình trạng thiếu điện trong sản xuất và sinh hoạt, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.

- Chủ động tham gia thị trường chứng khoán để huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Chú trọng đầu tư đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị phù hợp khả năng tài chính và trình độ quản lý của doanh nghiệp, trước hết ở các khâu sản xuất then chốt quyết định chất lượng của sản phẩm.

- Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các giải pháp kêu gọi đầu tư đối với các dự án của mình. Tiếp tục mở rộng phân cấp, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện dự án để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

- Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nhằm sớm huy động năng lực sản xuất mới góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành.

4. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ

- Các doanh nghiệp có chương trình, kế hoạch, nguồn kinh phí để tổ chức tự đào tạo hoặc cử người đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nước cũng như ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu lao động, nâng cao tay nghề, trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý.

- Các doanh nghiệp có cơ chế thu hút và sử dụng những nhà khoa học, các chuyên gia, các kỹ thuật viên giỏi, các thợ bậc cao, các đề tài nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả từ các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hình thành được đội ngũ doanh nhân giỏi của đất nước.

- Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần chủ động bám sát yêu cầu của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có những dự án đầu tư lớn, yêu cầu lực lượng lao động nhiều, trình độ cao để tổ chức đào tạo theo địa chỉ.

- Các cơ sở nghiên cứu chủ động gắn hoạt động nghiên cứu với thực tế sản xuất.

5. Đối với hoạt động quản lý nhà nước

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch được phê duyệt.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc quản lý, điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, đầu tư xây dựng để bảo đảm thực thi pháp luật và gia tăng hiệu quả tổng hợp.

- Kiện toàn bộ máy cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Hoàn thiện mô hình hoạt động công thương ở các địa phương.

- Tăng cường hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu xây dựng mô hình thương mại điện tử phù hợp với trình độ của các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

- Xây dựng cơ chế tham vấn, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với các Hiệp hội ngành hàng.

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế tín dụng tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, nhất là đối với tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

- Đẩy mạnh công tác sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một dấu - một cửa trong công tác cấp phép và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của cơ quan Bộ. Triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp và thương mại với chất lượng ngày càng cao.

- Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Cải tiến và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong toàn ngành công thương theo đúng pháp luật, phát triển đúng chiến lược và quy hoạch.

PV: Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương cần phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế ?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Như chúng ta đều biết, Việt Nam đang từng bước hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Sau một năm gia nhập WTO, chúng ta đã thấy rõ hơn những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế, muốn tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở phân tích các lợi thế kết hợp với các chiến lược về công nghệ, về nguồn nhân lực và các chính sách kinh tế vĩ mô, chúng tôi cho rằng cần có chiến lược để nâng cao khả năng cạnh tranh cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp cần:

- Tiếp tục và tăng tốc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Một trong các yếu tố then chốt để nâng cao năng lực của ngành Công Thương Việt Nam là cơ cấu lại và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại. Trong đó, việc cải tổ các DNNN có vai trò quan trọng, vì các doanh nghiệp này đang nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia, nguồn lao động kỹ thuật, tài nguyên và giữ vai trò chủ đạo trong các thành phần kinh tế.

Chiến lược sắp xếp, đổi mới các DNNN nói chung và các DNNN công nghiệp và thương mại nói riêng là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của DNNN, tạo tiền đề để DNNN nắm vững vai trò thúc đẩy những ngành, lĩnh vực then chốt trong công nghiệp và thương mại.

Sắp xếp, đổi mới DNNN sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung: Tổ chức sắp xếp lại DNNN, tăng cường giám sát tài chính của DNNN; Xây dựng một số tổng công ty theo hướng tập đoàn kinh tế mạnh trong một số ngành công nghiệp, đồng thời xây dựng thí điểm và phát triển mô hình công ty mẹ-con; Đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp, tạo quyền tự chủ cho các DNNN, đảm bảo quyền của các pháp nhân DNNN hoạt động theo pháp luật;  Đẩy mạnh việc cổ phần hoá, thực hiện các biện pháp đa dạng hoá, chuyển đổi sỡ hữu khác để nâng cao hiệu quả, giảm bớt số lượng và tỷ trọng DNNN kém hiệu quả.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

+ Về sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp theo 3 nhóm ngành: nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh, nhóm ngành nền tảng và nhóm ngành tiềm năng. Tập trung vào nhóm các sản phẩm đang có khả năng cạnh tranh và có thị trường như: sản phẩm điện, than, dầu khí, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và lâm sản, hàng may mặc, giầy dép, chế tạo cơ khí, hoá chất cơ bản và phân bón, khai thác và chế biến khoáng sản... Đồng thời, thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, tiết giảm các chi phí, định mức nguyên liệu, vật tư trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả tăng trưởng... Kiềm chế việc tăng giá các sản phẩm chủ yếu như than, thép, xi măng, phân bón... Tăng cường quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp để kịp thời xử lý những bất hợp lý trong chi tiêu, những sản phẩm bị lỗ, tình trạng tồn đọng vốn, công nợ...

+ Về thương mại, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển hàng xuất khẩu và giảm chi phí sản xuất, trước hết là những sản phẩm liên quan đến việc thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các hiệp định song phương cũng như đa phương khác. Có kế hoạch cụ thể xây dựng và củng cố hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý, từng bước tham gia vào các kênh phân phối của các tập đoàn xuyên quốc gia. Phát triển thương mại điện tử, sử dụng internet để tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và quảng bá sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, chú trọng phát triển các thị trường truyền thống (EU), thị trường tiềm năng lớn (Hoa Kỳ), đồng thời mở rộng tìm kiếm, khai thác thị trường mới như Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông... Đồng thời, tổ chức khai thác tối đa thị trường trong nước, nhất là đối với phân đoạn thị trường người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Lưu ý rằng, những nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ ít có hiệu quả nếu không được sự hỗ trợ của các chính sách vĩ mô, do vậy cần thực hiện một số giải pháp của Ngành và của Nhà nước.

PV: Nhân dịp xuân mới, Bộ trưởng có lời nhắn nhủ gì với cán bộ, công nhân viên lao động ngành Công Thương và bạn đọc Tạp chí Công nghiệp?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nhân dịp Xuân mới, và cũng là khởi đầu cho một năm kế hoạch quan trọng, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, trước hết cho phép tôi được chúc tất cả cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương và bạn đọc Tạp chí Công nghiệp một năm mới nhiều Sức khoẻ, An khang và Thành đạt. Với thành tích mà Ngành đã đạt được trong năm qua, tôi tin tưởng rằng toàn Ngành sẽ đoàn kết, trên dưới một lòng, cùng góp sức mình vào sự nghiệp của ngành Công Thương trong năm 2008 với những thành tựu to lớn hơn, ấn tượng hơn năm 2007 về mọi mặt; tiếp tục cùng đất nước vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!