Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện

Ngày 22/03/2014, tại Nhà máy thủy điện Sơn La (xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), Bộ Công Thương tổ chức Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện. Tham dự Lễ phát động có Phó Thủ tư

Trong những năm qua các nhà máy thủy điện có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đã đóng góp cho hệ thống điện 48,99% công suất và 43,47% điện lượng. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ cắt lũ cho các dòng sông vào mùa mưa, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, đóng góp xứng đáng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện do Bộ Công thương chủ trì, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị thực hiện và tổ chức tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Hoạt động trồng rừng bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa 13 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Để bảo vệ môi trường xung quanh các công trình thủy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định việc trồng cây hoàn trả mặt bằng thi công, trồng bù rừng là góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện là trách nhiệm của EVN đối với cộng đồng, với đất nước "Vì một môi trường bền vững".

Mặc dù còn đang khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư các công trình điện nhưng EVN luôn thực hiện nghiêm túc công tác chi trả phí Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) căn cứ vào sản lượng điện, điều này đã thể hiện rõ trách nhiệm của EVN, ... Năm 2013 đã trả tiền DVMTR 1.148 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 phí DVMTR sẽ trả khoảng 1.192 tỷ đồng.

            Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ ngành trồng cây tại Lễ phát động

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính đến nay trên cả nước có 50.950ha đất rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện. Căn cứ các Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra phê duyệt thì tổng diện tích rừng trồng bù của các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư hoặc có cổ phần khoảng 9.660 ha. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các Công ty thủy điện thực hiện công tác trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Các dự án thủy điện Sông Hinh, Quảng Trị, A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Bung 4, Bản Vẽ, Sông Tranh 2 đã và đang thực hiện. Các dự án còn lại đang tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và quy hoạch của các tỉnh như Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 ...

Công trình thủy điện Sơn La được khánh thành tháng 12/2012, là công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia, bên cạnh đó việc đảm bảo cân bằng môi trường, phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, sạt lở đất luôn được EVN quan tâm và nỗ lực thực hiện. Tổng diện tích cần trồng của Công trình thủy điện Sơn La là 300 ha, loại cây trồng gồm hai loại chính là Phượng hoàng lửa và Keo tai tượng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện tại Nhà máy thủy điện Sơn La thể hiện rõ cam kết và hành động cụ thể của EVN đối với cộng đồng, đối với đất nước. Hoạt động sẽ được triển khai mạnh mẽ đối với các công trình thủy điện của EVN trên toàn quốc nhằm hiện thực hóa cam kết "Vì một môi trường bền vững", đây sẽ là một trong những hoạt động trọng điểm của EVN năm 2014 và những năm tiếp theo.